Hà Nội đã gắn biển tên phố “19 tháng 12”
(Dân trí) - Phố “19 tháng 12” đã kịp gắn biển tên trước dịp kỷ niệm 70 năm ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016) trên con phố nhỏ nối phố Lý Thường Kiệt với phố Hai Bà Trưng.- một địa danh vô cùng có ý nghĩa với người dân Thủ đô.
>> Hà Nội day dứt những phố không tên…
>> Hà Nội: Đường Độc Lập đã được treo biển tên
Cách đây hơn 3 năm, đúng vào ngày kỷ niệm giải phóng Thủ đô (10/10/2013), báo điện tử Dân trí đã có bài viết “Hà Nội day dứt những con phố không tên” đề cập đến nhiều vườn hoa, quảng trường và những con phố không tên. Nói đúng hơn là những vườn hoa, con phố vẫn có tên, vẫn được thi thoảng nhắc đến nhưng chưa hề được một lần gắn biển tên đường, trong đó có đường “Độc Lập” và phố “19 tháng 12”.
Đường Độc Lập nằm ở phía trước hội trường Ba Đình nối từ ngã 5 trước Bộ Ngoại giao đến phố Hoàng Văn Thụ đã được treo biển sau khi bài báo đăng khoảng 3 tháng. Đây là con đường luôn được nhắc đến bởi nó nằm trong lộ trình đưa linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng... cho dù khi đó chưa được treo biển tên.
Rất nhiều người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội đã không biết đến con đường mang tên Độc Lập trước khi đường được gắn biển
Nhiều người cho biết, có lẽ nhờ cái “duyên” mà linh cữu Đại tướng đã đi qua con đường này lần cuối và rồi sau đó đã được các phương tiện truyền thông đăng tải, mà họ biết đến có một con đường mang tên Độc Lập.
Với con phố “19 tháng 12”, đây là nơi quân Pháp chôn những người Hà Nội hy sinh trong đêm toàn quốc kháng chiến chống Pháp 19/12/1946. Sau tháng 10/1954, TP Hà Nội đã cho xây tường bao và ghi biển: nơi chôn cất đồng bào thủ đô hy sinh ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946.
Đất nước thống nhất, nơi đây được san thành chợ, chính quyền gọi là chợ 19/12 nhưng dân ta quen gọi là chợ Âm Phủ do nguồn gốc của nó.
Đặt một tấm bia tưởng niệm những đồng bào Thủ đô đã ngã xuống trong ngày 19/12/21946 là cần thiết để nhắc nhở các thế hệ mai sau luôn nhớ tới sự kiện lịch sử này.
Chính bởi bối cảnh lịch sử quá đặc biệt nên dù 70 năm đã trôi qua, nhưng trong tâm linh mỗi người Thủ đô đều trào dâng cảm xúc khi nhắc đến con phố nhỏ nối phố Lý Thường Kiệt với phố Hai Bà Trưng này. Con phố đã được treo biển tên nhưng sẽ là không trọn nghĩa vẹn tình với đồng bào Thủ đô đã hy sinh khi chưa có một tấm bia tưởng niệm nơi đây – để các con cháu thế hệ sau này không bị lãng quên và cũng không được phép quên công ơn những người đã đổ máu vì hòa bình hôm nay…
Hà Nội vẫn còn nhiều địa danh bị quên lãng, từ vườn hoa, góc phố đến các quảng trường… Trả lại tên cho các địa danh ấy không chỉ là tôn trọng lịch sử mà chính là nét đẹp văn hóa riêng có của người Hà Thành xưa và nay.
Lan Hương