1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội: Cửa hàng không thiết yếu chỉ được mở cửa sau 9h?

(Dân trí) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, quy định cửa hàng không thiết yếu (thời trang, mỹ phẩm…) mở cửa sau 9h sẽ giảm được 600.000 - 800.000 người tham gia giao thông giờ cao điểm.

Chiều 27/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội họp trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung – Trưởng ban Chỉ đạo.

Kết luận phiên họp, ông Chung lo ngại tình trạng giao thông đông đúc trên địa bàn TP vào giờ cao điểm mỗi buổi sáng, chiều. Đặc biệt là các ngã tư, khi dừng đèn đỏ không bảo đảm khoảng cách 1 m giữa các xe theo quy định, thậm chí đứng chen chúc nhau.

Trước vấn đề trên, ông Chung cho biết, TP đang tính đến khả năng các cửa hàng không thiết yếu như thời trang, mỹ phẩm... chỉ được mở cửa sau 9h và không giới hạn thời gian đóng cửa.

Hà Nội: Cửa hàng không thiết yếu chỉ được mở cửa sau 9h? - 1
Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội kết luận buổi họp

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, qua khảo sát thực tế, khung giờ này các cửa hàng không có doanh thu cao. Do vậy, việc các cửa hàng không thiết yếu mở cửa sau 9h sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Chung cho biết, dự thảo trên đang được TP xây dựng, xin ý kiến. Theo đó, các khung giờ hoạt động sẽ được quy định cụ thể và TP cũng đã nghiên cứu kỹ để vừa đảm bảo phòng dịch vừa không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp.

“Nếu làm được điều này, sẽ giảm được mật độ của người tham gia giao thông trong khung giờ từ 6h đến 8h30. Cụ thể, theo tính toán, có thể giảm được 600.000 – 800.000 người tham gia giao thông giờ cao điểm”, Chủ tịch Hà Nội phân tích.

Ông Nguyễn Đức Chung cho biết, TP Hà Nội dự kiến thực hiện kế hoạch trên đến 31/12/2020, sau đó sẽ tổng kết, đánh giá lại, nếu hiệu quả sẽ thực hiện tiếp.

Người khỏi bệnh nên tự cách ly thêm 30 ngày

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin ý kiến của các chuyên gia, để có vắc xin an toàn cho người, không thể rút ngắn thời gian mà vẫn phải đảm bảo thử nghiệm từ 15-18 tháng.

Ông Chung cho biết, các chuyên gia ngành y cũng đưa ra cảnh báo, các nước sẽ phải đối phó với làn sóng thứ 2 của dịch bệnh vào mùa thu, mùa đông tới. “Dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm, chỉ khi nào có vắc xin mới có thể yên tâm”, Chủ tịch UBND TP nói.

Hà Nội: Cửa hàng không thiết yếu chỉ được mở cửa sau 9h? - 2

TP Hà Nội dùng nhiều biện pháp ngăn dịch bệnh lây lan ngoài cộng đồng

Tại cuộc họp, ông Chung cũng lo ngại việc đã có 6 trường hợp sau thời gian điều trị đã âm tính được về nhà nhưng sau đó dương tính trở lại. Vì vậy, TP Hà Nội khuyến cáo các trường hợp xuất viện nên tự cách ly 30-40 ngày, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch bằng ăn uống, tập luyện thể thao.

“Không có căn cứ nào xác định người nhiễm bệnh đã khỏi sẽ không mắc bệnh trở lại. Người dân cần hiểu để nắm rõ việc này, từ đó có ý thức tự giác phòng chống dịch”, ông Chung khuyến cáo.

Lưu ý việc giảm giãn cách xã hội phải thực hiện từ từ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị tiếp tục tuyên truyền để tất cả mọi người tiếp tục thực hiện nghiêm túc, tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền để người dân phòng chống dịch. Trong đó có 3 nội dung bắt buộc: Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách khi di chuyển ngoài xã hội...

Quang Phong