DNews

Hà Nội cần một cuộc "đại phẫu" phố đi bộ

Hà Mỹ

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng Hà Nội cần đánh giá, tổ chức lại các tuyến phố đi bộ cả cũ và mới. Việc biến không gian này thành hội chợ dẫn đến nguy cơ phá hủy sức hấp dẫn tự nhiên của nó.

Hà Nội cần một cuộc "đại phẫu" phố đi bộ

Là mô hình phố đi bộ đầu tiên và thành công nhất được triển khai ở Hà Nội, không gian đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận đã trở thành điểm vui chơi quen thuộc của nhiều người dân thủ đô vào dịp cuối tuần. 

Nhưng gần đây, không gian này dần trở nên lộn xộn, nhếch nhác, khi xuất hiện tình trạng hàng hóa bày bán tràn lan như hội chợ, nhiều gian hàng chiếm dụng vỉa hè, làm mất cảnh quan.

Nhiều người lo ngại việc phố đi bộ "biến tướng" thành hội chợ, nơi kinh doanh bán hàng cũng xảy ra ở nhiều tuyến phố đi bộ khác, nhất là khi Hà Nội dự kiến có thêm 3 không gian đi bộ mới vào năm 2024 bao gồm: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng Cầu - Hào Nam, hồ Ngọc Khánh. 

Hà Nội cần đánh giá, tổ chức lại hoạt động của phố đi bộ

Nhấn mạnh Hà Nội đang là địa phương dẫn đầu xu hướng phát triển phố đi bộ trong không gian đô thị, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết mô hình phố đi bộ phát triển khá phổ biến trên thế giới.

Mô hình này xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân và xu hướng văn minh, hài hòa giữa yếu tố hành chính thương mại với văn hóa cộng đồng tại đô thị.

Do đó, chuyên gia nhấn mạnh quy hoạch phát triển tuyến phố đi bộ ở Hà Nội cần tính toán đưa ra các giải pháp có tính chiến lược cho từng thành phần liên quan đến tuyến phố đi bộ để phát huy triệt để giá trị lợi thế, tránh phát triển dàn trải. Việc này có thể dẫn đến tình trạng "quận nào, huyện nào cũng đòi làm phố đi bộ".

Hà Nội cần một cuộc đại phẫu phố đi bộ - 1

Mặc dù nằm trong không gian đi bộ hồ Gươm, một đoạn phố Hàng Khay lại trở thành nơi kinh doanh xe điện mini cho trẻ em (Ảnh: Toàn Vũ).

"Khi xây dựng phố đi bộ, nhiều lợi ích phải hy sinh, tạo áp lực lên giao thông. Do đó, nếu phố đi bộ xuất hiện quá nhiều, thực hiện vội vàng không có sự chuẩn bị đầu tư bài bản sẽ không thực sự đem lại lợi ích cho cộng đồng", ông Dũng nêu quan điểm.

Theo ông, trong khi tiêu chí về không gian xanh chưa đảm bảo, Hà Nội cần hướng đến mô hình phố đi bộ mang đậm bản sắc văn hóa thủ đô.

Trong đó, các gian hàng có thể xuất hiện nhưng cần đặc sắc, mặt hàng cần lựa chọn tinh tế để tránh cảnh nhếch nhác, xô bồ nhưng vẫn tạo được việc làm, nguồn thu cho người dân và chính quyền.

Đồng thời, chuyên gia nhấn mạnh yếu tố quan trọng là xung quanh các tuyến phố cần bố trí bãi đỗ xe, ga ngầm, trạm xe buýt để phục vụ người dân từ các nơi đổ về.

Hà Nội cần một cuộc đại phẫu phố đi bộ - 2

Phố đi bộ hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là không gian vui chơi được nhiều người dân lựa chọn dịp cuối tuần (Ảnh: Tố Linh).

Trong khi đó, PGS.TS Dương Văn Sáu, Trưởng Khoa Du lịch (trường Đại học Văn hóa Hà Nội), cho rằng thành phố cần đánh giá, tổ chức lại hoạt động của các tuyến phố đi bộ sao cho ấn tượng, chất lượng, hiệu quả.

Mục tiêu là mỗi khu vực phố đi bộ đều phải trở thành không gian văn hóa, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật như: biểu diễn đường phố, triển lãm nghệ thuật, văn hóa dân gian kết hợp với mua sắm...

Cùng với đó, ông Sáu nhấn mạnh Hà Nội cần tổ chức lại hoạt động giao thông nội đô với các quy chế, biện pháp khoa học phù hợp để dễ dàng đưa các đoàn khách du lịch tiếp cận với các phố đi bộ - các điểm tham quan du lịch di sản nội đô - các khu phố thương mại sầm uất ở trung tâm. 

"Chỉ khi đó, chúng ta mới khai thác tốt lợi thế từ du lịch di sản trên địa bàn nội đô Hà Nội", theo PGS Dương Văn Sáu. 

Không nên sao chép một mô hình cho tất cả tuyến phố

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội, cảnh báo việc biến một tuyến phố đi bộ trở thành mô hình hội chợ dẫn đến nguy cơ phá hủy sức hấp dẫn tự nhiên của nó. 

Theo tâm lý chung, người dân sẽ từ chối tham gia nếu nhìn thấy các gian hàng hội chợ bày bán ngổn ngang hàng hóa ở các không gian công cộng như phố đi bộ, công viên. 

Lấy ví dụ về sự thất bại của phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), chuyên gia nhìn nhận mô hình này đã không tận dụng không gian mặt nước xung quanh để người dân đi dạo, vui chơi. Thay vào đó, người dân lại bày biện hàng quán bán đồ ăn uống, gây cảnh nhếch nhác, thiếu điểm nhấn văn hóa. 

Hà Nội cần một cuộc đại phẫu phố đi bộ - 3

Một trong những lý do mô hình phố đi bộ hồ Gươm thành công là vị trí nằm ở khu vực trung tâm với không gian bao quanh hồ nước và các công trình văn hóa, lịch sử (Ảnh: Hữu Nghị).

Theo ông Ánh, việc chỉ quan tâm đến mục đích kinh tế khi vận hành một tuyến phố đi bộ sẽ khiến mô hình này thất bại.

Trong khi về bản chất, mục tiêu khi địa phương thành lập phố đi bộ không phải để kinh doanh mà là nâng cao chất lượng đô thị và trả lại cho người dân phần không gian hàng ngày bị xe cộ xâm chiếm.

Cho rằng phố đi bộ hồ Gươm là một mô hình thành công và có thể trở thành hình mẫu cho nhiều tuyến phố khác, nhưng KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh khu vực này cũng đang mất dần bản sắc khi để tồn tại các loại hình kinh doanh tràn lan như xe điện, hội chợ, hàng rong...

Do đó, chuyên gia cho rằng Hà Nội cần có cơ chế quản lý cụ thể cho cả tuyến phố đi bộ mới và cũ.

"Mỗi đề án xây dựng và vận hành tuyến phố đi bộ cần mục tiêu cụ thể để mỗi nơi mang một màu sắc, phù hợp với không gian, hạ tầng và đối tượng người dân khác nhau, không nên rập khuôn, sao chép một mô hình cho tất cả tuyến phố", theo KTS Trần Huy Ánh.