1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội: Các bãi đỗ xe đang phải “hi sinh” vì nhiều lý do

(Dân trí) - Hà Nội mới đáp ứng được 10% nhu cầu đỗ xe của người dân. Với việc giải tỏa các bãi xe trên 262 tuyến phố, nhu cầu gửi xe càng không thể thỏa mãn... Thế nhưng, điều đáng nói, nhiều bãi đỗ đang phải “hi sinh” cho trung tâm thương mại, chung cư...

Bãi xe, bến xe ồ ạt chuyển mục đích

Năm 2009, bến xe Yên Nghĩa đi vào hoạt động. Toàn bộ xe khách ở bến xe Hà Đông (143 Trần Phú) được chuyển xuống bến xe Yên Nghĩa. Diện tích bãi xe rộng hơn 10.000 m2 của bến xe Hà Đông được chuyển mục đích sử dụng.

Trước khi chuyển xe khách hoạt động tại bến xe Hà Đông về Yên Nghĩa, tháng 7/2008, UBND tỉnh Hà Tây cũ đã quyết định giao Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà làm chủ đầu tư và thực hiện dự án khu nhà ở hỗn hợp cao tầng đô thị Sông Đà tại khu đất bến xe Hà Đông với diện tích 11.370m2, tổng diện tích sàn xây dựng hơn 140.000m2. Theo quy hoạch, bãi đỗ xe Hà Đông được xây dựng thành 2 khối nhà 35 và 45 tầng, trong đó có 3-5 tầng hầm và 486 căn chung cư.
Hà Nội: Các bãi đỗ xe đang phải “hi sinh” vì nhiều lý do - 1
Bến xe Hà Đông nhường chỗ cho nhà cao tầng

Tại sao, nhiều bãi xe đang bị chuyển đổi thành nhà cao tầng?
 
“Do tầm nhìn, năng lực có vấn đề. Thành phố đang điều chỉnh ngay”.
Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành.
Dự án được phê duyệt gần 5 năm, đến nay vẫn đắp chiếu. Bảng sơ đồ quy hoạch bãi đỗ xe thành nhà cao tầng rộng hàng trăm mét được đặt cạnh cổng ra vào bến xe đã phai màu, rách bươm. Tường rào bãi xe trước đây được quây kín bằng tôn cao ngập quá đầu người. Phía trước cổng ra vào bãi xe được người dân tận dụng làm quán nước. Bên trong dự án là bãi đất rộng hàng ngàn mét vuông bỏ không. “Trước tết, tôi thấy người ta đào móng đóng cọc gì đó xung quanh bãi xe vừa rồi lại chuyển đi đâu cả. Dự án kéo dài được gần 5 năm nhưng vẫn chưa làm được gì thật lãng phí”, bác Hiền, nhà đối diện dự án cho biết.

Trong khi đó bến xe Lương Yên mới được đi vào hoạt động chưa đầy chục năm đã phải thu hẹp diện tích từ 12.000m2 xuống còn hơn 5.000 m2 để nhường chỗ cho dự án nhà cao tầng. “Từ khi thu nhỏ bến xe vẫn hoạt động bình thường, luồng tuyến không ảnh hưởng”, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc quản lý bến xe Lương Yên nói và cho biết đã nghe thông tin thành phố cho phép Công ty lương thực cấp I Lương Yên (đơn vị trực tiếp quản lý bến xe) chuyển mục đích sử dụng của bãi xe thành khu tổ hợp đa năng.

Bãi "đắp chiếu", bãi biến tướng

Theo đánh giá của Sở GTVT Hà Nội, mạng lưới bãi xe còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu, hơn thế nữa chất lượng phục vụ còn nhiều yếu kém nguyên nhân là do sự bùng nổ của phương tiện giao thông cá nhân. Cụ thể, điểm đỗ xe công cộng được cấp giấy phép mới chỉ đáp ứng 10% nhu cầu đỗ xe, 90% số phương tiện đang đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, sân chơi cơ quan, công sở, lòng đường, vỉa hè, ngõ cụt, sân trường, bệnh viện… Các vị trí này đều không được cấp phép và có rất nhiều điểm đỗ vi phạm trật tự, an ninh - xã hội, an toàn giao thông.
 
Hà Nội: Các bãi đỗ xe đang phải “hi sinh” vì nhiều lý do - 2
Sơ đồ đã bạc màu, nhưng bãi xe Hà Đông vẫn bỏ không gây lãng phí

Bãi đỗ xe khan hiếm, trong khi một số bến xe chuyển thành nhà cao tầng, không ít địa điểm diện tích đã được quy hoạch ban đầu làm bãi để xe đến nay đã bị chuyển mục đích sử dụng hoặc vẫn “đắp chiếu”. Điển hình là dự án nhà để xe ô tô bên cạnh sân vận động Hàng Đẫy (17 Cát Linh) nay chuyển thành trụ sở của Sở Kế Hoạch và Đầu tư Hà Nội. Trước đây, khu vực này được thành phố quy hoạch xây dựng bãi đỗ xe phục vụ sân Hàng Đẫy dịp SEA Game 22.

Dù đã được phê duyệt thành bãi đậu xe hơn 10 năm trước nhưng dự án bãi đậu xe ở hồ Bụng Cá phường Tứ Liên (Tây Hồ) diện tích hơn 2ha nay vẫn chỉ là bãi đất bỏ hoang. Khu đất rộng gần 2ha tại bến xe tải Sang Mạn (Hoàng Mai) theo quy hoạch sẽ trở thành bãi đậu xe, nay đang là đại lý buôn bán vật liệu xây dựng và trạm trung chuyển nông sản…

Bãi trông giữ phương tiện khan hiếm là vậy, quyết định không trông giữ phương tiện ở 262 tuyến phố nằm trên địa bàn 9 quận nội thành được thực thi, trong khi đó việc bố trí điểm đỗ bổ sung của Hà Nội đến tháng 3 mới được xác định khiến người dân ngày càng gặp khó khăn.
 

Bãi gửi xe được mùa "thổi giá"

Sau khi 262 tuyến đường, phố ở khu vực nội thành Hà Nội dừng trông giữ xe những bãi còn tồn tại mặc sức “thổi” giá lên cao hơn nhiều lần so với quy định.

Tại bãi trông giữ xe của nhiều bệnh viện, tấm biển niêm yết mức giá theo quy định được dán nghiêm trang trên tường hoặc đặt ngay ngắn trong bãi nhưng thực tế thu tiền người gửi xe lại hoàn toàn khác. Phí gửi xe tại bệnh viện Việt Đức phí gửi xe qua đêm (không quy định trên biển) đối với xe máy là 10.000 đồng. Giá gửi xe trên phố Quán Sứ xe máy là 5000 đồng/lượt nhưng trên vé không niêm yết giá, chỉ có thêm một dòng chú thích: “Quá 7h phạt 10.000 đồng”.
Hà Nội: Các bãi đỗ xe đang phải “hi sinh” vì nhiều lý do - 3
"Quên" không in phí gửi xe nhưng mức phạt nặng thì không thể bỏ qua

Trên phố Cầu Gỗ, bãi gửi xe chật chội, nhếch nhác còn đẩy giá trông giữ xe máy buổi tối lên tới 10.000 đồng/lượt. Anh Trần Mạnh Hà (nhà Hà Đông) bức xúc: “Tôi thấy nhiều bãi giữ xe đề biển rõ ràng, thậm chí in cả giá lên vé xe. Vậy mà đến lúc lấy xe, đưa tiền đúng như thế thì lại bị đòi thêm. Cũng chẳng đáng gì nhưng tôi thấy rất khó chịu. Đã không thu đúng thì còn trưng biển, ghi giá làm gì”.

Thực tế, nhiều bãi giữ xe đã lợi dụng ưu thế “độc quyền” để “chặt chém” khách không thương tiếc. Điển hình như trên đường Đinh Tiên thét giá cao gấp nhiều lần mức giá trên vé xe nhưng lượng xe gửi vẫn đông nườm nượp. “Cơ quan chức năng mới chỉ tập trung xóa bỏ các bãi giữ xe trái phép chứ chưa chú tâm đến việc xử lý những bãi giữ xe thu phí sai quy định, chèn ép khách. Nếu dẹp nhiều bãi rồi thì cũng phải lập ra bãi mới theo đúng quy định để đáp ứng nhu cầu của người dân chứ!”, anh Dương kiến nghị.
Lục Chi

Quang Phong