Cấm trông giữ xe trên 262 tuyến phố Hà Nội: Cán cân lợi - hại bên nào nặng hơn
(Dân trí) - Lời kêu ca về những “cái hại” quả là khá nhiều, song ý kiến nhìn nhận về những “cái lợi” vẫn chiếm tỉ lệ cao hơn trong số lượng phản hồi rất lớn của bạn đọc mỗi ngày kể từ khi Hà Nội thực hiện lệnh cấm trông giữ phương tiện trên 262 tuyến phố.
Lộ trình và minh bạch
Xáo trộn sinh hoạt, chọn việc dễ cho mình - đẩy cái khó cho dân, làm ngược quy trình, cứ không quản được là lại cấm… là những lý do được cư dân thủ đô và cả những người dân tỉnh ngoài có việc phải vào Hà Nội viện dẫn ra nhiều nhất, khi phản ứng với quyết định này của Hà Nội.
Trong khi đó, những người mà chúng tôi cho là có cái nhìn khách quan hơn, thì bên cạnh việc vạch rõ những điểm còn bất cập trong quyết định này, họ đồng thời tham góp thêm những gợi ý khá thiết thực.
“Tôi cho rằng Hà Nội đã thực hiện một quyết định mà chưa có sự chuẩn bị trước. Một cách làm quá dễ là cấm để giải quyết chuyện ùn tắc. Nhưng lại làm cho toàn bộ cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân xáo trộn, hoạt động kinh tế bị đình trệ đến mức nguy hiểm. Ai cũng hiểu người HN sử dụng chủ yếu là xe máy, đi theo nó là chỗ để xe, cấm trông giữ xe tức là cấm hoạt động đi lại. Vậy xin hỏi người dân đi lại bằng gì, khi vẫn chưa có đủ phương tiện công cộng thay thế. Liệu ngày mai HN có thể ra thông báo cấm xe ô tô cá nhân không? Nếu thế còn gì là thành phố, là thủ đô. Và cũng không còn việc gì dễ hơn là cấm? Theo tôi, HN cần xem lại vấn đề để xe. Phải có lộ trình và giải pháp hợp lý hơn” - Ka Hoa: mymylieb@yahoo.com
“Qui hoạch giữ xe theo tuyến phố. Không cấm tất cả, các tuyến phố được giữ xe phải xen kẽ nhau trong nội thành để thuận lợi cho người dân trong công việc. Bản thân các tuyến phố phải được thực hiện trật tự, đẹp mắt. Đó sẽ là nét riêng của Việt Nam trong cái nhìn của du khách khi đến Hà Nội” - Võ Minh Tuấn: minhtuan.tica@gmail.com
“… Tôi không biết ảnh hưởng của việc cấm trông giữ xe thế nào với người dân, nhưng việc có các anh CSGT, công an phường cùng các anh dân phòng viện cớ và lợi dụng việc cấm này để moi tiền của dân thì tôi đã tận mắt chứng kiến. Đó là trường hợp bạn tôi bị các anh ấy gợi ý đưa tiền khi bạn tôi đừng xe mua chiếc bánh mỳ ăn sáng trên một tuyến phố mà không hề có trong danh sách 262 tuyến phố cấm đỗ, dừng. “Luật 50/50” còn không được các anh ấy chấp nhận, mà phải là “40/60”. Thế là bạn tôi đành phải đưa cho 2 anh CSGT 500.000 đồng để lấy lại giấy tờ vì đang có việc. Tôi nghĩ việc cấm là tốt, nhưng việc vẫn còn không ít những người thì hành công vụ kiểu này thì người dân chúng tôi không thể chấp nhận mà cũng không biết kêu với ai nữa” - Nguyễn Phương Anh: quatvnn@gmail.com
Thói quen cũ/mới
Cần cương quyết thay đổi những thói quen cố hữu không còn phù hợp với thời đại, kể cả thói quen “thấy thay đổi bất kỳ cái gì cũng… kêu ca”; chấp nhận hy sinh một phần lợi ích của mình vì lợi ích chung của toàn xã hội… có thể coi như những luận điểm chung được nhiều người nêu ra để nhấn mạnh sự ủng hộ giải pháp làm thông thoáng lòng, hè đường này của HN. Có lẽ vấn đề chính ở đây là từ các cấp chính quyền tới người dân đều cần nỗ lực từ bỏ cho được những thói quen cũ dù đã "ăn sâu vào máu", để hình thành cho mình những thói quen mới cần thiết.
“Rất mừng với đề xuất của lãnh đạo Sở Giao thông TP HN về không sắp xếp đỗ xe ở 262 tuyến đường. Việc làm và đề xuất của Sở GT HN đúng với pháp luật chung của thế giới (chỉ có VN là không theo) Đó là Sở Hữu. Lòng đường, vỉa hè ở các nước là Sở Hữu chung công cộng, không cá nhân nào được sử dụng riêng. Các gia đình sống dọc hai bên tuyến đường chỉ được sử dụng diện tích ngôi nhà thuộc Sở Hữu của mình; không được lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để bán hàng hoặc đậu xe. Do đó, chúng ta nên ủng hộ ý kiến và việc làm của Sở GT HN đối với 262 tuyến phố đó. Sau này có điều kiện thì tất cả các phố đều không cho đỗ xe. Tôi thấy ở Úc họ xây nhà cao tầng làm nơi đỗ xe ô tô. Hà Nội nên nghĩ tới phương án xây nhà cao tầng để giữ xe ô tô cho người dân TP. Hãy thử xem!!!” – Hoang Gia: hnhong45@yahoo.com.vn
“Việc cấm trông giữ xe trên một số tuyến phố là chủ trương đúng. Việc gì lúc đầu cũng có những phản ứng, đó là do thói quen. Đã bao năm nay dân ta, nhất là ở đô thị, cứ quen với việc vừa ngồi trên xe máy vừa tạt ngang mua đồ ăn mang về nhà, hoặc đi đến cửa hàng rồi dựng xe trước cửa vào mua hàng. Thói quen khó bỏ. Trong khi trên thế giới việc để xe ở đầu phố, đi cuối phố mua hàng, xa hàng cây số là chuyện thường. Hãy làm và để thói quen mới hình thành, không thể thì cứ kêu là lại sửa, sẽ vẫn là “đánh trống bỏ dùi” mãi mà thôi: - Vinh: vuquangvinh_196192@yahoo.com.vn
“Đọc báo viết về việc dân kêu khi cấm để xe trên vỉa hè hay trên đường mà buồn… Việc một số người dân quen thói sử dụng vỉa hè, lòng đường là nơi công cộng cho số đông dân chúng, để mưu lợi ích riêng là trái luật, làm méo mó hình ảnh và làm cho đô thị Việt Nam nhất là Thủ đô rất nhếch nhác, mất an toàn. Chúng ta cần xác định vỉa hè, lòng đường là nơi công cộng cho dân chúng, không được sử dụng vào mục đích riêng. Chính quyền cũng không được "bán” vỉa hè, lòng đường để thu thuế hay thu vén cá nhân. Nếu ai muốn kinh doanh xin mời khi mở cửa hàng phải dự tính có chỗ để xe, nếu không sẽ không có khách hàng. Ai cũng như vậy tình hình sẽ khác. Cần kiên quyết. Bài học của nước ta về quốc lộ 1 huyết mạch quốc gia suốt từ Bắc vào Nam đó. Nó đang dần trở thành… phố và người dân cứ tràn cả ra đường để buôn bán vừa gây mất an toàn, vừa ảnh hưởng kinh tế (xe đi như rùa bò…), vừa mất mỹ quan” - Trung Đài: trungdaibvt@gmail.com
“Tôi xin giơ hai tay ủng hộ quyết định cấm dùng lòng đường và vỉa hè giữ xe. Tuy nhiên các cấp lãnh đạo cần nhìn nhận thay đổi một thói quen lâu nay là không dễ. Để thành công, theo tôi, lãnh đạo thành phố cần:
- Xác định quyết tâm, làm kiên quyết và triệt để. Việc này bao gồm cả kiên quyết xử lý các trường hợp chây lỳ, ương ngạnh... Bất vị thân và bất kể con cháu nhà ai. Chuẩn bị tốt hợp đồng giữa các dơn vị, kể cả xe kéo xe vi phạm, kể cả xử lý cơ quan nhà nước cấp quận, phường.
- Nhanh chóng quy hoạch nơi gửi xe.
- Ban hành quy định mới, khuyến khích người dân sử dụng các diện tích sẵn có để trông giữ xe. Khi trông giữ xe được bảo đảm bằng luật pháp là một ngành kinh doanh có tiềm năng sẽ có nhiều người đầu tư vào, chuyển đổi kinh doanh sang trông giữ xe.
- Tuyên truyền, giáo dục cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp cho họ thấy: trật tự đường phố về lâu về dài sẽ giúp cho doanh nghiệp có lợi, chứ không phải như môi trường kinh doanh hiện thời.
- Phải làm cho người dân thấy khi hè thông đường thoáng thì việc đi bộ trên vỉa hè không còn là một cực hình và việc kết nối với hệ thống giao thông công cộng sẽ dễ dàng hơn.
Mong lãnh đạo Hà Nội thể hiện tâm và tầm của mình” - Quỳnh Anh: ho_danghoa@yahoo.com
“Biện pháp cấm giữ xe trên 262 tuyến đường tôi thấy đó là biện pháp đúng, sẽ giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Thời gian đầu nó gây trở ngại cho người dân, nhưng dần dần sẽ thành thói quen. Thành phố nên quyết tâm thực hiện vì đây là biện pháp cuối cùng để tránh tình trạng ùn tắc giao thông. Đối với các xe ôtô đậu đỗ không đúng nơi qui định thì phải cương quyết tháo bảng số và xử lý hành chánh. Đối với các loại xe dừng lại mua bán trên đường phố nhất thiết phải xử phạt theo qui định. Cần thiết có thể tăng thêm mức phạt. Việc làm này cần phải cương quyết và phải làm thường xuyên. Thành phố cần phải thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về mức phạt đối với các loại xe đậu đỗ trái phép trên các tuyến đường, để tất cả người dân ngoại tỉnh cũng như trong thành phố được biết. Về vấn đề các bãi trông giữ xe trái phép thì phải phạt thật nặng. Có như thế, tôi tin chắc chỉ vài tháng là thành phố sẽ thông thoáng, không còn tình trạng ùn tắc giao thông” – Cao ich mau: caoichmau_23@yahoo.com.vn
“Chúng tôi rất hoan nghênh chủ trương này của lãnh đạo Thủ đô Hà Nội. Trên 262 tuyến phố đường đã thông, hè thoáng, giảm ùn tắc. Phố xá văn minh hơn. Tất nhiên một số hộ kinh doanh phải chịu thiệt thòi lợi ích riêng vì lợi ích của cộng đồng. Phải kiên quyết thôi. Cần mở rộng thêm sang các quận khác nữa. Ở các nước, tìm được bãi đỗ xe còn khó hơn nước ta rất nhiều, nhưng do ý thức, trách nhiệm nên họ chấp nhận. Họ phải đi bộ 3-5 km là bình thường. Nếu không thì chẳng bao giờ giải quyết được ùn tắc giao thông và phố phường lộn xộn. Đừng sinh hoạt theo kiểu "tiểu nông". Chúng tôi cũng phải khắc phục khó khăn như mọi người khi giải tỏa hè phố và lòng đường đến khu chúng tôi”- Hoàng Văn Giàu: hvgiau@yahoo.com
“Từ trước tới nay các bãi trông xe phát sinh manh mún, lấn chiếm hết vỉa hè, lòng đường. Phí trông xe thì hét lên "vun vút" vì nhiều vấn đề, trong đó có cả vấn đề " ngoại giao" (?) Nói ra thì ai cũng biết, cũng hiểu rằng đó chính là "lợi ích" của nhóm, tổ chức quản lý địa bàn có bãi trông xe. Thật sự mà nói chẳng ai lại "dám qua mặt chính quyền" cả, bởi vì các bãi trông xe nó hiện hữu to đùng đùng như vậy, đập vào mắt mọi người. Chẳng lẽ chính quyền sở tại không dẹp nổi các bãi trông xe manh mún, lộn xôn và "cắt cổ" đó trên địa bàn mình quản lý ?
Quay ngược lại vấn đề phí trông xe cao vì tiền “ngoại giao” và bến bãi, có nghĩa đó là "nồi cơm” của chính quyền quản lý có các bãi trông xe trên. Tôi thấy chủ trương dẹp các bãi trông xe là rất đúng đắn. Dân kêu thì chúng ta xin biểu quyết hoặc thành lập các bãi trông xe theo đúng nghĩa của nó: chuyên nghiệp, quy củ, có sự quản lý chặt chẽ và nghiêm túc của chính quyền” - GHT: hightechvietnam@yahoo.com
“Người dân thành phố có thói quen bước chân ra đường là ngồi trên xe máy hoặc ô tô. Nhưng tôi nghĩ giờ đã tới lúc mọi người cần tập thói quen đi bộ. Nếu quãng đường cần đi trong phạm vi 1-2km thì nên đi bộ, thời gian đi bộ 1-2km chỉ hết chừng 30 phút. Nếu công việc phải đi xa thì dùng xe cơ giới và gửi xe ở nơi quy định, sau đó phải đi bộ chừng 1-2km để tới nơi cần đến.
Nếu biện pháp cấm này được ban hành triệt để và mỗi người đóng góp một phần ý thức và cả sự hy sinh, thì cả xã hội sẽ Văn Minh. Nếu ai cũng chỉ thấy sự khó khăn của mình, ai cũng không muốn thay đổi thì mãi mãi thành phố của chúng ta sẽ lem nhem, người dân còn khốn khổ hơn với tình trạng tắc đường ngày càng trở nên trầm trọng” - Nguyễn Kim: Ngk19@yahoo.com
“Chuyện cấm xe đậu trên vỉa hè và lòng đường là hoàn toàn đúng. Cái sai là do chính quyền trước đây không có tầm nhìn xa, mà giải pháp thường chỉ theo kiểu “chữa cháy” nên đã tạo cho người dân sự quá thoải mái và cứ nghĩ như vậy là đúng.
Vì thế, đã quyết tâm sửa sai thì phải quyết liệt. không do dự, không thể cứ nghe kêu ca là nói “không hợp lòng dân”- Biết bao nhiêu cho vừa? Còn tư duy sợ kinh tế không phát triển vì các cửa hàng trên phố không có khách, điều này lại càng không đúng. Vì sự phát triển kinh tế về lâu dài sẽ là những khu trung tâm thương mại, chứ không phải cứ có nhà mặt tiền là đương nhiên trở thành khu thương mại. Điều này chỉ có nước ta mà thôi. Do vậy không thể vì các hộ kinh doanh này mà làm hại tới công tác quản lý đô thị, và lại càng khuyến khích người tiêu dùng tùy tiện ghé đâu mua đó. Đây cũng chính là nguyên nhân các chợ nhóm họp tự phát dọc đường là vậy. Cứ như thế thì đúng là sống ở thành thị nhưng lại mang bản sắc nông thôn!!!” - Nguyễn Hùng: anton_hungnguyen@yahoo.com
“Nói thật là tôi là người VN mà còn phát chán người VN chúng ta. Động một tý vào khó khăn là kêu như vạc. Nòi chung người VN có tính tiện thể nó ngấm vào máu rồi, cái gì cũng muốn: lúc trước thì kêu là không có vỉa hè để đi bộ, bây giờ có thì cũng kêu là phải có chỗ gửi xe ở vỉa hè cho tiện. Pó tay luôn, không còn thuốc để chữa nữa.
Tôi đã từng sống ở nước ngoài và thấy việc người dân đi bộ trong thành phố tầm 4-5 km là chuyện bình thường, còn người dân mình đi bộ cỡ 200-300m là khó chịu rồi. Thế mà lúc nào cũng đòi là đường thông, hè thoáng, trong khi không ai chịu thực hiện cùng quyết tâm giúp cho xã hội ngày càng tiến tới thì sao được?” - Nguyen Thi Hoa: ete2281@yahoo.com
“Quyết định không cho giữ xe là hoàn toàn đúng đắn, làm thông thoáng lề đường, giảm ắc tắc lưu thông vì giữ xe không còn tràn lan ra vỉa hè. Còn Công an quận nào không chấp hành hay làm không được thì nên điều chuyển các vị trưởng phó, thay người khác vào làm. Như thế mới chứng tỏ sự nghiêm minh của luật pháp. Không nên vin lý do: "Còn ô tô vi phạm tràn lan vào buổi sáng nhưng chủ phương tiện lại “cù nhầy” không ra nhận xe khi bị xử lý" - Sao không gỡ biển số đăng ký, ghi giấy phạt cài vào gạt nước giống những nước khác. Hay cho xe kéo về rồi bắt chủ xe nộp phạt và trả phí .. Mong đừng biện minh cho sự yếu kém hoặc vì những mục đích khác của mình......” - Phuc: laiphuc77@gmail.com
“Nếu làm cho dân "hết kêu" được thì ở Việt Nam mình chả có cái nào mà dân không kêu. Phải biết cái tiếng kêu ấy là đúng hay sai, là cần thiết hay không cần thiết, phải nhìn và nghe rộng hơn cái tiếng kêu ấy. Đừng vì dân kêu mà dừng và cũng đừng bỏ ngoài tai tiếng kêu ấy. Tôi tin các nhà chức trách biết cần phải làm gì…” - Bùi Hiển: pipi_nd@yahoo.com
Mặc dù đúng là còn nhiều rào cản mà tất cả những người sử dụng phương tiện cá nhân chúng ta còn phải cố gắng vượt qua, nhưng chúng tôi cũng đồng ý với bạn Thao Nguyen: steppevnn@gmail.com:
“Tôi đồng ý và hoan nghênh quyết định cấm trông xe trên các tuyến phố của UBND TP. Đối với người dân thì phản đối là chuyện khó tránh, nhưng lợi ích đem lại của việc làm này là rất lớn: giảm ùn tắc giao thông tại các khu vực đông người, giúp người dân thay đổi thói quen trong ý thức tham gia giao thông bằng các phương tiện công cộng, không để xe bừa bãi...”
Kiều Anh