Hà Nội bất lực trước chính sách đền bù phi lý
Cùng một thửa đất, một dự án, nhưng giá đền bù chênh lệch tới 50 triệu đồng; bất hợp lý, nhưng Hà Nội không thể điều chỉnh vi phạm luật. Những ý kiến này vừa được nêu ra trong buổi làm việc của Hà Nội với Bộ Tài nguyên môi trường.
Đền bù bất hợp lý
Tại buổi làm việc giữa Bộ Tài nguyên Môi trường và UBND Hà Nội ngày 7/11, ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban giải phóng mặt bằng Hà Nội nêu ra nhiều hạn chế từ chính sách đất đai. Cùng một thửa đất, cùng một dự án, nhưng giá đền bù lại chênh lệch tới 50 triệu đồng do chính sách đền bù, nhất là khi thực hiện một dự án “vắt” qua hai nghị định. Hoặc khi giải phóng mặt bằng đường vành đai 3 (đường Khuất Duy Tiến) có hộ đất lấn chiếm được đền bù 100%, nhưng hộ khác chỉ được hỗ trợ, gây bức xúc. Cuối tháng 10/2006, Ban đã đối thoại với dân nhưng tình hình vẫn nóng.
Liên quan đến các dự án thu hồi đất nông nghiệp, đều là tư liệu sản xuất nhà nước cho dân mượn, nhưng giá đất nông nghiệp nội thành, ngoại thành chênh nhau quá lớn. “Cách nhau bờ ruộng, nhưng giá đền bù đất nông nghiệp cho người dân Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm) và Phú Thượng (quận Tây Hồ) chênh nhau nhiều lần, dân khiếu kiện dai dẳng”, Chủ tịch Nguyễn Quốc Triệu cho biết. Theo ông Triệu, thành phố không thể điều chỉnh giá đền bù cho người dân Xuân Đỉnh, vì điều chỉnh là phạm luật. Bất cập vì thiếu sự chuyển tiếp trong chính sách đền bù về đất đai.
Trưởng ban giải phóng mặt bằng, cho rằng, cần có cơ chế để nhà nước thu về phần giá trị gia tăng từ đất đai khi đầu tự hạ tầng vì phần giá trị này không phải do dân tạo ra. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng đồng tình, Nhà nước đầu tư hạ tầng, làm tăng giá trị đất nhưng chưa thu được phần giá trị đó.
Ngoài ra, Nhà nước còn phải đền bù giải tỏa với giá rất cao, nhưng dân vẫn kêu chưa sát thị trường. “Sát thị trường, là phương hướng đúng nhưng thực hiện rất khó. Dự án đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, nếu đền bù cho các hộ mặt đường cao quá sẽ gây bức xúc cho các hộ dân khác”, ông Nghị nói.
Giá đền bù không theo “giá ảo”
Trước bức xúc của Hà Nội, Bộ trưởng Mai Ái Trực cho rằng, thành phố phải xem xét tính giá đền bù tại thời điểm trước hay sau khi giải phóng mặt bằng. Giá đền bù khi giải tỏa phải căn cứ vào thời điểm trước khi có quy hoạch, khi đất chưa tăng giá, chưa sốt ảo.
Theo Bộ trưởng Mai Ái Trực, công tác quản lý, sử dụng đất đai có nhiều khó khăn, yếu kém. Tuy nhiên, chính sách về đất đai của Bộ là nhất quán. Để tháo gỡ, Bộ Tài nguyên Môi trường đang hoàn tất dự thảo Nghị định mới trình Chính phủ thông qua.
Theo đó, đất lấn chiếm (vi phạm quy hoạch xây dựng, hành lang bảo vệ công trình công cộng, chỉ giới đường giao thông...) sẽ không được Nhà nước công nhận. Nghị định mới hướng tới bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất khi họ bị thu hồi đất, theo tinh thần điều 56 Luật đất đai. “Việc thu hồi đất phải đảm bảo nguyên tắc người dân có chỗ ở tái định cư, giá đền bù sát giá thị trường”, Bộ trưởng Mai Ái Trực nói.
Theo ông Trực, đất đai liên quan tới quyền dân sự nên phải định giá đúng và đền bù thoả đáng khi thu hồi. Vì vậy, Hà Nội phải có hệ thống tổ chức định giá đất. Tổ chức này sẽ tham gia định giá đất khi đền bù, giao đất, cổ phần hoá tài sản liên quan tới đất. “Giá đất ở, đất sản xuất, đất nông nghiệp cũng phải xác định rõ giá trị. Đất nông nghiệp, kể cả đất nông nghiệp nội thành mà quá cao là bất hợp lý”, ông Trực nói.
Theo Bí thư Thành Uỷ Phạm Quang Nghị, 80% khiếu kiện hiện nay là về đất đai. Thành phố sẽ phối hợp với các Bộ ngành để tháo gỡ khó khăn trong cơ chế, chính sách, đảm bảo quyền, lợi ích của người dân, nhà đầu tư và Nhà nước. Bên cạnh đó, Hà Nội có kế hoạch sử dụng đất cả trước mắt và lâu dài, đảm bảo hài hoà lợi ích kinh tế và xã hôị.
“Không phải cứ đền bù nhiều tiền là hết trách nhiệm. Chính sách phải giúp người dân ổn định cuộc sống, ổn định chỗ ở, công ăn việc làm. Không làm tốt, chính thành phố sẽ phải gánh hậu quả”, Bí thư Phạm Quang Nghị nói.
Theo Đoàn Loan
Vnexpress