1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

GS Lê Văn Lan: Khủng khiếp quá, may mà chưa chết ngạt

Nhà sử học, GS Lê Văn Lan tâm tư với Góc nhìn thẳng rằng, 10/3 không phải là ngày gốc giỗ Tổ Hùng Vương, không đáng để xảy ra cảnh xô đẩy nhau, khổ ải đến thế.

Biển người chen lấn, xô đẩy đến ngạt thở, khiến nhiều trẻ em và người già ngất xỉu ở lễ hội đền Hùng vừa qua đã tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm về văn hóa lễ hội của người Việt.

Chuyện mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietNamNet đã có cuộc trao đổi với GS Lê Văn Lan nhìn nhận về câu chuyện này.

Mời bạn đọc theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:

Lễ hội Đền Hùng: Khủng khiếp quá, may mà chưa chết ngạt!

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa Giáo sư, ngày càng nhiều người dân Việt Nam hành hương về đền Hùng nhân ngày giỗ Tổ. Đây là nét đẹp văn hóa tâm linh đáng quý nhưng nhìn vào cảnh tượng hàng triệu người xô đẩy chen lấn nhau,người già, trẻ nhỏ ngất xỉu, lực lượng công an phải vào giải cứu, Giáo sư có suy ngẫm thế nào về những vấn đề xảy ra như vậy tại lễ hội đền Hùng?

GS Lê Văn Lan:Tôi cho rằng, sở dĩ lễ hội đền Hùng năm nay đặc biệt hơn năm khác là đông quá thể, quá mức.

Mấy chục năm trước, khi tôi còn là Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học về khu di tích này, cũng đã có tình trạng này rồi. Nhưng khi đó, quy mô, sự đông đúc theo công bố lúc đó chỉ từ ba chục vạn đến năm chục vạn người thôi. Bây giờ, quy mô lên tới con số hàng triệu thì khủng khiếp quá. Sự khủng khiếp này, trước tiên là do ý thức hội của những người đi hội bây giờ.

Tôi nhớ đến bản sắc chỉ của vua Quang Trung ngày 16/2 năm Kỷ Dậu, vua Quang Trung đã gửi sắc chỉ này về cho chính làng Hy Cương (Xã Hy Cương, Tp Việt Trì, Phú Thọ- PV) ở dưới chân núi và dặn dò, hãy tổ chức lễ hội sao cho cẩn trọng. Đồng thời, việc tổ chức lễ hội phải nhằm đến mục đích "Giữ cho mạch nước vững bền, sông núi dài lâu". Đấy là ý nghĩa của việc làm lễ hội, đi lễ hội, hưởng thụ lễ hội ở đền Hùng.

Công an phải giải cứu trẻ nhỏ thoát khỏi biển người đi lễ đền Hùng (ảnh: theo Trần Thường/VietNamNet)
Công an phải giải cứu trẻ nhỏ thoát khỏi biển người đi lễ đền Hùng (ảnh: theo Trần Thường/VietNamNet)

Tiếc rằng, chúng ta chưa làm cho mọi người đi lễ hội bây giờ thấm nhuần được ý thức hội khi đi đền Hùng là như thế. Cho nên, xen nhau, xô nhau, đẩy nhau, thậm chí có thể may quá mà chưa chết ngạt! Đường "choa", "choa" cứ đi và làm nên ý thức hội rất đáng quan ngại.

Nhà báo Phạm Huyền: Rõ ràng, những khu di tích văn hóa lịch sử như đền Hùng dù có mở rộng đến đâu cũng không thể đáp ứng một lúc tới 5-7 triệu lượt người đến lễ một lúc. Số người đi lễ có thể còn tăng lên hàng triệu nữa vào những mùa lễ sau. Giáo sư có cho rằng, cứ phải đến tận nơi mới thể hiện được lòng biết ơn, sự thành kính với tổ tiên và được phù hộ độ trì, còn chiêm bái từ xa thì không thể hiện được, không linh?

GS Lê Văn Lan: Chắc chắn, chúng ta sẽ phải có những biện pháp như giãn lễ hội ra. Không cứ phải đến đền Hùng mới trải lòng được với tổ tiên.

Bây giờ, đã có kế hoạch do BộVăn hoá, thể thao và du lịch thực hiện là giãn cả những việc thờ cùng, đi lễ đền Hùng ra nhiều địa phương trên cả nước. Từ chỗ chỉ có một đền Hùng, bây giờ, chúng ta có hàng trăm nơi để đến ngày 10/3, mọi người giãn ra, có thể đến đó hành hương, gửi tấm lòng của mình cho tổ tiên, cho vận nước, cho quốc gia, cho dân tộc.

Một điều mà khoa học đã lĩnh hội được mà chúng ta chưa làm cho mọi người biết, đó là hoàn toàn có thể giãn lễ hội đền Hùng không phải chỉ trên không gian mà cả về thời gian.

Sự thực lịch sử như tấm bia ở trên đền Thượng ghi "Hùng Vương từ khảo", nói rất rõ, xưa kia, lễ hội đền Hùng mở vào mùa thu. Mùa thu mới là thời điểm, thời gian mở lễ hội gốc của văn hoá Việt.

"Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3", ai cũng nói là câu này có từ ngàn xưa. Nhưng không phải vậy, chắc chắn là nó chưa có đầy 100 năm. Và ngày mùng 10 bây giờ rất linh thiêng, cả nước được nghỉ, là ngày Quốc lễ. Nhưng thực ra, nó chỉ bắt đầu có từ năm 1917 thôi.

Cho nên, nếu chúng ta làm rõ được cho đồng bào chúng ta biết, ngày 10 là một thứ thời gian tình cờ táp vào đó thôi, không đáng để mà xô nhau, chịu tại nạn, khổ ải đến mức quá đông đúng như thế này.

Nhà báo Phạm Huyền: Sự chia sẻ của Giáo sư rất đúng, nhưng những người dân làm sao nghe và hiểu được, bởi một bài báo không đủ, 100 bài báo cũng không đủ. Câu chuyện này có lẽ không phải chỉ nằm ở vai trò của mỗi tỉnh Phú Thọ mà còn là vai trò của các bộ. Giáo sư nghĩ sao về trách nhiệm của cá cBộ, ví dụ như Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch trong việc tổ chức một lễ hội như lễ hội đền Hùng cho văn minh, an toàn, thuận tiện cho những người hành hương?

GS Lê Văn Lan: Không thể cứ để nguyên cho làng Hy Cương, thôn Cổ Tích ở đó lo liệu lễ hội nữa. Nhưng bây giờ, việc lo liệu lễ hội đó, các bộ, ban, ngành cũng đã có làm rồi, rất có ý thức, đã tận tuỵ nhưng lực bất tòng tâm.

Vấn đề cơ bản là vấn đề tuyên truyền, huấn luyện. Tất cả tập trung lại, giới thiệu thành một phong trào, làm cho mọi người quán triệt càng sâu sắc, càng đúng đắn, càng tốt về ý thực hội. Một khi ý thức hội ở đây được thấm nhuần, được xác định cho rõ ràng thì người ta, từ quần áo, thái độ, cử chỉ đến việc tổ chức đám đông sẽ thành kính, thiêng liêng và trật tự.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn sự chia sẻ bổ ích và những kiến nghị đầy tâm huyết của Giáo sư. Xin cảm ơn sự theo dõi của quý vị và hẹn gặp lại!

Theo VietNamNet