“Gói 62.000 tỷ đồng tác động to lớn đến nhân dân lúc khó khăn”
(Dân trí) - Theo đại biểu Quốc hội, thành công trong phòng chống Covid-19 đã làm rạng danh Việt Nam đối với thế giới. Sau dịch, gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Chính phủ đã tác động to lớn đến người dân lúc khó khăn.
Ngày 13/6, thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, trước đại dịch Covid-19, Việt Nam đã có những ứng phó tuyệt vời, để lại dấu ấn quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị trong nước và quốc tế. Trong khi ở thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia vẫn đang căng mình chống chọi với dịch bệnh thì Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn cả trước và sau dịch bệnh. Vì thế, vị thế chính trị Việt Nam tăng lên trên mặt trận ngoại giao, kinh tế - xã hội dần mở cửa, trở lại với trạng thái mới.
Theo đại biểu Thành, Chính phủ và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành quyết liệt với phương án kịch bản ứng phó kịp thời các hình huống trước, trong và sau đại dịch. “Một trong những điểm tôi cho rằng báo cáo cần có thêm điểm nhấn là sau dịch bệnh, sản xuất và đặc biệt đời sống nhân dân vẫn được duy trì ổn định, không có những biến động đáng kể”, đại biểu đoàn Lạng Sơn nói.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành mong muốn thời gian tới Chính phủ tiếp tục có chính sách trợ giúp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị tác động mạnh bởi đại dịch, nhất là trong lĩnh vực hàng không, du lịch và các ngành liên quan đến xuất khẩu. “Cử tri cũng mong muốn các chính sách, các giải pháp Chính phủ đưa ra quyết đã có quyết sách rồi nhưng cần thực hiện nhanh chóng để đưa những chính sách này vào cuộc sống, ngay cả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng”, đại biểu Thành cho hay.
Còn theo Đại biểu Bùi Thu Hằng (đoàn Hòa Bình) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên nguồn thu ngân sách thấp rất nhiều so với dự toán kế hoạch năm. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ trình Quốc hội giảm thêm nhiệm vụ chi, trong đó giảm chi thường xuyên, tiết kiệm hội họp, hủy hoặc hoãn kế hoạch dự toán đi nước ngoài phù hợp với khả năng thu ngân sách, đảm bảo nguồn chi cho những dự toán đã thực hiện và chi hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, chi hỗ trợ doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, những tháng đầu năm 2020 thế giới có nhiều xung đột và khó khăn làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của Việt Nam. Thực hiện mục tiêu xác định của Chính phủ là bứt phá, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cuối nhiệm kỳ 2016-2020. Kết quả nổi bật là chủ trương của Đảng đúng đắn, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và toàn dân hết sức đồng lòng.
“Một số lĩnh vực tạo được niềm tin vào dấu ấn trong lòng dân đó là Chính phủ chia nguồn ngân sách 62.000 tỷ. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng khẩn trương chỉ đạo trợ cấp đúng thời gian, đúng đối tượng”, đại biểu Bùi Ngọc Phương nói.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, đến nay, nước ta chưa có ca bệnh nào tử vong. Ca bệnh số 91, phi công người Anh, đã thập tử nhất sinh nay được phục hồi, làm rạng danh ngành y tế của nước ta đối với thế giới.
Đại biểu Bùi Văn Cường (đoàn Gia Lai) cho hay, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới đã thành công ngoạn mục trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19, được các quốc gia và tổ chức quốc tế đánh giá cao, coi là điểm sáng toàn cầu về phòng, chống dịch. Qua thành công chống dịch này đã củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân vào Đảng, Chính phủ và qua đây cũng rút ra nhiều bài học quý về quản lý phát triển, quản trị rủi ro đối phó với những thảm họa dịch bệnh trong tương lai.
“Để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn vừa qua, Chính phủ đã sớm thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp, chính sách, trong đó bao gồm cả tài khóa và tiền tệ như gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng. Đặc biệt, gói hỗ trợ kinh tế 62.000 tỷ đồng đang hỗ trợ kịp thời cho người lao động, người yếu thế và doanh nghiệp”, đại biểu Cường nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa đánh giá: “Gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Chính phủ đã tác động to lớn đến người dân lúc gặp khó khăn”.
Quang Phong