Giông lốc gây chết người ở Hà Nội: Chỉ cảnh báo được trước 1-3 giờ

(Dân trí) - Đối với những hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, tố, lốc, mưa đá, thời gian xảy ra ngắn, phạm vi xảy ra rất hẹp nên khoa học công nghệ hiện nay chỉ có thể đưa ra bản tin cảnh báo sớm trước từ 1 đến 3 giờ trở lại…

Theo báo cáo sơ bộ của Sở Xây dựng Hà Nội, trận giông lốc cấp 9, cấp 10 "đổ bộ" vào Hà Nội chiều tối ngày 13/6 đã khiến hơn 1.290 cây xanh bật gốc; làm 2 người chết, 5 người bị thương; khiến 140 ngôi nhà bị tốc mái, hàng chục ô tô, xe máy bị hư hại do cây xanh đổ đè vào; nhiều vùng mất điện...

Trận giông, lốc cực mạnh đổ bộ vào Hà Nội chiều 13/6 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản

Trận giông, lốc cực mạnh "đổ bộ" vào Hà Nội chiều 13/6 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản

Nhiều ý kiến cho rằng, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương (TTDBKTTVTƯ) đã không phát đi bản tin cảnh báo hoặc đưa tin quá muộn khiến nhiều người rơi vào trạng thái bị động, dẫn đến hậu quả nặng nề như đã nói ở trên.

Trước thông tin này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Năng - Phó trưởng Phòng Dự báo Khí tượng Hạn ngắn (TTDBKTTVTƯ).

Nhiều ý kiến cho rằng, TTDBKTTVTƯ đã không cảnh báo về cơn mưa giông, lốc “đổ bộ” vào Hà Nội chiều 13/6, khiến người dân rơi vào trạng thái bị động, gây nhiều thiệt hại. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Thông tin khí tượng thủy văn là một phần rất quan trọng trong công tác dự báo KTTV của tất cả các cơ quan dự báo KTTV trong nước và quốc tế. Với những nước khoa học công nghệ tiên tiến như nước Mỹ cũng phải mất 10 năm để nâng thời gian cảnh báo sớm hiện tượng vòi rồng lốc xoáy từ 7 lên 14 phút. Ở Việt Nam với sự quan tâm của Chính phủ về trang thiết bị tương đối hiện đại và những nỗ lực của hệ thống dự báo, việc cảnh báo giông lốc ở một số thành phố lớn bước đầu đã có thể được cảnh báo trước từ 30 phút đến vài tiếng.

Với cơn giông chiều tối ngày 13/6, vào hồi 16 giờ 15 phút, TTDBKTTVTƯ đã có bản tin cảnh báo về cơn giông này. Thông tin đã được chúng tôi đăng tải trên các trang web của TTDBKTTVTƯ. Tuy nhiên, thông tin này có thể chưa được sự quan tâm của tất cả mọi người. 

Hiện nay giông lốc là hiện tượng thời tiết cực kì nguy hiểm, có diễn biến rất nhanh, nên rất khó cảnh báo sớm. Năm nay, với sự xuất hiện của hiện tượng El Nino, nắng nóng sẽ nhiều hơn, kèm theo đó mưa giông cũng nhiều hơn, nên chúng tôi cũng rất trăn trở và mong muốn có sự sát cánh của các cơ quan thông tin truyền thông thường xuyên cập nhật cung cấp thông tin từ TTDBKTTVTƯ mọi lúc, mọi nơi.

Trung tâm cũng mong muốn mỗi người dân cần có kỹ năng cần thiết để phòng tránh những thiệt hại đáng tiếc khi có giông, lốc. Bà con cần chú ý những dấu hiệu khi chuẩn bị có giông lốc đó là những đám mây giông màu đen phát triển rất nhanh; trời tối rất nhanh, gió mạnh lên giật theo từng cơn và không khí có nhiều độ ẩm, ta cảm thấy mát rất nhanh. Khi có dấu hiệu như vậy thì người dân không nên ra đường để tránh rủi ro. Nếu đang ở ngoài đường thì cần tìm chỗ trú ẩn an toàn, tránh xa khu vực nhiều cây cối, cột điện…

Cây cổ thụ bật gốc, đè chết người trong cơn giông ngày 13/6. (Ảnh: Hồng Hải)

Cây cổ thụ bật gốc, đè chết người trong cơn giông ngày 13/6. (Ảnh: Hồng Hải)

Tại sao TTDBKTTVTƯ không cảnh báo được sớm hơn, vì thói quen người dân hay xem bản tin thời tiết vào tối hôm trước trên ti vi hoặc sáng hôm sau trên báo chí. Chỉ trừ có bão, thì người dân thường xuyên theo dõi hơn?

Đối với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm có quy mô lớn như bão, áp thấp nhiệt đới hay không khí lạnh chúng tôi có thể cảnh báo sớm trước từ 1 đến 3 ngày hoặc có thể dài hơn.

Tuy nhiên, đối với những hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, tố, lốc, mưa đá thời gian xảy ra ngắn, phạm vi xảy ra rất hẹp nên khoa học công nghệ hiện nay chỉ có thể đưa ra bản tin cảnh báo, cảnh báo sớm trước từ 1 giờ hoặc 2 đến 3 giờ trở lại. TTDBKTTVTƯ theo dõi thời tiết 24/7 và liên tục cập nhật các bản tin dự báo thời tiết mới trên website của Trung tâm.

Ông đánh giá cường độ của cơn giông lốc ngày 13/6 như thế nào? Liệu có phải là hiện tượng thời tiết bất thường so với nhiều năm?

Trận giông chiều 13/6 tại Hà Nội là một trận giông rất là lớn, hiếm khi xảy ra trong nhiều năm gần đây. Theo số liệu quan trắc của chúng tôi khu vực nội thành Hà Nội và tại Hà Đông, gió giật mạnh cấp 8 cấp 9, mưa đã đo được xấp xỉ trên 20mm ở các khu vực. Nguyên nhân do sự phát triển rất mạnh mẽ của khối khí nóng phía Tây làm cho nhiệt độ khu vực Hà Nội tăng nhanh lên ngưỡng nắng nóng 36 đến 37 độ C, kết hợp với điều kiện nhiệt ẩm có sẵn trong khu vực tạo nên sự xáo trộn mạnh trong không khí, tạo nên một cơn giông mạnh ở Hà Nội.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Dương (thực hiện)