Nghệ An:

Giấy đi đường ở thành phố Vinh được cấp như thế nào?

Hoàng Lam

(Dân trí) - TP Vinh (Nghệ An) sử dụng chung một mẫu giấy đi đường cho người dân, viên chức, người lao động. Việc cấp giấy đi đường được giao trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Thống nhất một mẫu giấy đi đường

Thời điểm này, TP Vinh (Nghệ An) đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, riêng 2 phường Vinh Tân và Hồng Sơn thực hiện biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nâng cao một mức so với Chỉ thị 16. Xã Hưng Hòa là địa phương duy nhất của TP Vinh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.

Giấy đi đường ở thành phố Vinh được cấp như thế nào? - 1

Lực lượng công an TP Vinh kiểm tra giấy đi đường của người dân.

TP Vinh đang đứng đầu tỉnh Nghệ An về số ca mắc Covid-19 với 624/1.752 bệnh nhân Covid-19 (số liệu sáng 8/9). Các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố vẫn được thắt chặt, bao gồm việc cấp giấy đi đường cho người dân, cán bộ, công nhân viên chức...

Ông Võ Khắc Hùng, Chánh văn phòng UBND TP Vinh, cho biết: "Thời điểm này, TP Vinh đang thực hiện việc cấp giấy đi đường thống nhất theo mẫu quy định chung của tỉnh. Thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chịu trách nhiệm trong việc cấp giấy đi đường đảm bảo đúng đối tượng, đúng số lượng theo quy định về người được phép ra đường".

Theo quy định của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Vinh, có 6 nhóm đối tượng được phép tham gia giao thông với những yêu cầu được quy định cụ thể.

Tùy từng đối tượng cụ thể sẽ có những điều kiện tương ứng, trong đó không thể thiếu phiếu báo kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 còn hiệu lực và giấy đi đường/văn bản cử hoặc điều động của người đứng đầu tổ chức (nêu rõ nơi đi, nơi đến, thời gian đi - đến, thời gian lưu trú).

Giấy đi đường ở thành phố Vinh được cấp như thế nào? - 2

TP Vinh đang sử dụng chung giấy đi đường theo mẫu chung của UBND tỉnh.

Hiện tại, TP Vinh sử dụng chung một mẫu giấy đi đường theo quy định. Trách nhiệm cấp giấy đi đường được giao cụ thể cho người đứng đầu các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương.

Cụ thể, đối với cơ quan của Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể các cấp; lực lượng vũ trang; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; cấp cứu; hộ đê, việc cấp giấy đi đường do thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch; không quá 30% cán bộ được phép đi làm.

Đối với các doanh nghiệp, tổ chức được phép hoạt động, thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm lập danh sách người lao động cần thiết phải tham gia giao thông, gửi UBND phường, xã sở tại kiểm tra, xác nhận làm căn cứ cấp giấy đi đường cho người lao động. Sau khi cấp giấy đi đường phải gửi danh sách người được cấp giấy về UBND thành phố, Công an TP Vinh để theo dõi và kiểm tra.

Các doanh nghiệp, tổ chức nếu vi phạm (cấp giấy khống chỉ, cấp cho người ngoài đơn vị, ngoài danh sách được chấp thuận) sẽ bị xem xét đình chỉ hoạt động và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

UBND các địa phương chịu trách nhiệm cấp giấy đi đường cho người dân ra đường trong trường hợp thực sự cần thiết như: Đi cấp cứu, khám, chữa bệnh định kỳ (chạy thận, chạy hóa chất...), ra viện; đi mua thực phẩm, thuốc chữa bệnh; đến sân bay, tàu hỏa...

Linh động hình thức cấp giấy đi đường 

Để đảm bảo giải quyết nhiệm vụ chuyên môn, cơ quan chị Trần Hải Yến (TP Vinh) bố trí luân phiên 30% cán bộ làm việc tại trụ sở, số còn lại làm việc tại nhà. "Bộ phận trực cơ quan làm giấy đi đường, sau đó chụp lại và gửi qua Zalo cho từng người. Đến ngày làm việc tại trụ sở theo phân công, khi qua các chốt kiểm soát chúng tôi mở điện thoại cho lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra. Tôi thấy cách này rất thuận tiện cho người dân", chị Trần Hải Yến cho hay. 

Chị Hồ Thị Thu Hà (trú xã Nghi Kim), làm việc tại một siêu thị trong nội thành TP Vinh. Hiện, siêu thị chỉ bố trí đủ nhân viên làm việc theo quy định của UBND TP Vinh và các nhân viên này thực hiện "3 tại chỗ" trong quá trình làm việc.

"Tôi nhận được giấy đi đường của công ty cấp, gửi qua Telegram sau đó in đen trắng và cầm từ nhà đến siêu thị. Khi qua các chốt, trình giấy đã in sẵn, nếu lực lượng chức năng yêu cầu sẽ trình bản dấu đỏ trong Telegram để đối chiếu", chị Hà thông tin.

Giấy đi đường ở thành phố Vinh được cấp như thế nào? - 3

Phường Hưng Dũng duy trì chốt kiểm soát để kiểm tra việc ra đường của người dân.

Theo ông Nguyễn Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND phường Hưng Dũng (TP Vinh), toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức của UBND phường đều là thành viên của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch và lực lượng hỗ trợ nên được cấp giấy đi đường. Thời điểm này phường vẫn đang khuyến khích người dân không ra đường nếu không thực sự cần thiết và duy trì hoạt động hỗ trợ người dân mua lương thực, thức phẩm hoặc phát phiếu đi chợ theo từng khung giờ để hạn chế việc ra đường, phục vụ tốt hơn công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. 

"Hiện tại địa phương chưa bao phủ kết nối các ứng dụng Zalo, Telegram... tới tất cả người dân nên việc cấp giấy đi đường cho người có nhu cầu vẫn đang được thực hiện thủ công. Người dân cần giấy đi đường, trực tiếp đến trụ sở UBND trình bày lý do cụ thể cùng với các giấy tờ tùy thân theo quy định. Trung bình mỗi ngày chúng tôi cấp giấy đi đường cho từ 2-3 người dân, chủ yếu là đến bệnh viện khám, chữa bệnh", ông Nguyễn Ngọc Khánh cho biết.

6 nhóm đối tượng được phép ra đường tại TP Vinh:

1. Người thực hiện nhiệm vụ công vụ.

2. Phóng viên và người quay phim của các cơ quan báo chí, lực lượng kỹ thuật sữa chữa đường sắt, đường điện, đường ống cấp nước; xe bưu chính; xe chuyên dùng chở tiền Ngân hàng, tổ chức tín dụng, kho bạc; xe chở rác thải; cây xanh.

3. Các lực lượng phục vụ, tham gia phòng chống dịch bệnh, y, bác sỹ đi thăm khám chữa bệnh tại gia.

4. Người và phương tiện thuộc các loại hình sản xuất, kinh doanh, công trình được phép hoạt động.

5. Shipper thuộc các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động vận chuyển hàng hóa.

6. Người dân ra đường trong trường hợp thực sự cần thiết.