Giao thông mở đường đến tương lai ở Bình Định
(Dân trí) - Xác định giao thông là "chìa khóa" tạo nên thành công trong phát triển kinh tế, đến nay tỉnh Bình Định đã và đang hoàn thiện hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại phục vụ đi lại, thu hút đầu tư.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã có kết luận như trên sau hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, trong đó việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ.
Liên quan đến hạ tầng giao thông đồng bộ, ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh Bình Định, đã có trao đổi với báo Dân trí về những kết quả và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Điểm sáng giao thông ở Bình Định
Hạ tầng giao thông liền mạch góp phần quan trọng, tạo sự đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Bình Định. Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh Bình Định, là đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư, xây dựng các tuyến đường giao thông quan trọng trên địa bàn. Xin ông cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện bao nhiêu dự án?
- Thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh Bình Định, nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Bình Định nỗ lực phát triển, hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư, trong đó đẩy mạnh xây dựng hệ thống giao thông, tổ chức kết nối các tuyến này thành mạng lưới liền mạch.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định một trong các khâu đột phá động lực trong phát triển kinh tế là "tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại".
Trên cơ sở đó, tỉnh chú trọng quy hoạch, tập trung mọi nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và thu hút các nguồn lực khác để đầu tư, nâng cấp, phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Từ đầu nhiệm kỳ, HĐND tỉnh Bình Định đã quyết định chủ trương đầu tư xây dựng nhiều dự án giao thông quan trọng, nhằm kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo động lực thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng các địa phương ven biển.
Cụ thể, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư 10 dự án giao thông quan trọng trong giai đoạn trung hạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư gần 9.700 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 5.120 tỷ đồng, bao gồm các dự án: 1 dự án nhóm A là Đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn Cát Tiến - Diêm Vân, tổng mức đầu tư 2.674 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 1.800 tỷ đồng và còn lại 8 dự án nhóm B.
Những công trình nói trên hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, tăng cường kết nối giao thông theo hướng đông - tây trên địa bàn các huyện, thị xã: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, An Nhơn, Tuy Phước với trung tâm thành phố Quy Nhơn; kết nối thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn với các tỉnh khu vực Tây Nguyên và ngược lại.
Mặt khác, những cung đường huyết mạch nội tỉnh hình thành sẽ là điều kiện tốt để mở rộng quỹ đất phát triển đô thị, dịch vụ thương mại, du lịch; phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai.
Tinh thần thi công "3 ca, 4 kíp"
Bình Định phấn đấu năm 2025 sẽ hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm để chào mừng các sự kiện lớn và Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, cũng như sớm đưa các dự án vào hoạt động, kết nối hạ tầng giao thông. Vậy kế hoạch Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh đưa ra trong thời gian tới ra sao, thưa ông?
- Nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi, sự chung sức đồng lòng của các tập thể, cá nhân, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, phát huy truyền thống "đi trước mở đường" của ngành giao thông vận tải, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh với mục tiêu:
Phấn đấu đến 31/3/2025, hoàn thành 4 công trình, gồm tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía tây đầm Thị Nại; xây dựng tuyến đường tránh phía nam thị trấn Phú Phong; xây dựng tuyến đường từ quốc lộ 19 đến Khu Công nghiệp Becamex VSIP Bình Định kết nối với Cảng Quy Nhơn (đoạn tuyến chính) và tuyến đường tránh ĐT 633, đoạn từ núi Ghềnh đến giáp đường ven biển (ĐT 639); đến 30/6/2025, hoàn thành công trình tuyến đường kết nối từ đường phía tây tỉnh (ĐT 638) đến đường ven biển (ĐT 639) trên địa bàn huyện Phù Mỹ.
Đến 30/9/2025, hoàn thành 2 công trình đường Điện Biên Phủ nối dài đến khu đô thị Diêm Vân; toàn bộ công trình xây dựng tuyến đường nối từ quốc lộ 19 đến Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định, kết nối với Cảng Quy Nhơn (bao gồm đoạn tuyến nhánh kết nối với tuyến đường tránh phía nam thị trấn Phú Phong) và thông xe kỹ thuật công trình đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn Cát Tiến - Diêm Vân (hoàn thành hạng mục móng cấp phối đá dăm).
Để hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm theo đúng tiến độ, Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh, đề nghị nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát tích cực chủ động triển khai thi công theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp",... để đẩy nhanh tiến độ công trình, dự án.
Bên cạnh đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án do Ban thực hiện để sớm bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công; phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương, đơn vị có liên quan kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án.
Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh Bình Định, cũng yêu cầu các nhà thầu tư vấn, xây lắp thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký kết, tuân thủ các quy định của pháp luật. Trong đó phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc huy động nhân sự, máy móc, thiết bị, bộ máy quản lý, hệ thống quản lý chất lượng… đảm bảo phù hợp với hồ sơ dự thầu, hợp đồng đã ký kết.
Đồng thời, Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh Bình Định, yêu cầu các nhà thầu tuân thủ các điều khoản hợp đồng đã ký kết và kiên quyết xử lý nghiêm nhà thầu vi phạm theo quy định của hợp đồng và quy định pháp luật liên quan. Định kỳ hàng tuần, Ban tổ chức làm việc với nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn đánh giá tiến độ thực hiện dự án, kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm hợp đồng, không đáp ứng chất lượng, tiến độ…
Để các công trình được triển khai vừa đúng tiến độ, vừa phải đảm bảo chất lượng, Ban có giải pháp gì, thưa ông?
- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, trong thời gian qua, Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh Bình Định, đã tập trung chỉ đạo và có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công trình tại các dự án do Ban làm chủ đầu tư.
Qua giám sát của Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh Bình Định, cơ bản các chủ thể tham gia dự án đã nhận thức rõ vai trò quan trọng trong việc quản lý, nâng cao chất lượng xây dựng công trình và xác định rõ ý thức trách nhiệm của từng đơn vị trong việc tạo ra các sản phẩm xây dựng đạt chất lượng.
Cùng với đó, Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh Bình Định, tăng cường công tác quản lý chất lượng ở tất cả các khâu; đã rà soát giá vật liệu sát với giá thị trường; nghiên cứu phương án xử lý nền đất yếu đoạn chuyển tiếp giữa đường và cầu, cống hộp lớn; áp dụng hệ thống đánh giá kết quả thực hiện nhà thầu ở tất cả các khâu; ứng dụng công nghệ vào hoạt động giám sát, tăng thời gian bảo hành công trình.
Thời gian tới, Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh Bình Định, tiếp tục chỉ đạo nhà thầu thi công xây dựng phấn đấu thi công hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm đúng theo kế hoạch, đảm bảo chất lượng công trình, sớm hoàn thành công trình để đưa vào khai thác sử dụng nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định.