1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Giao lưu trực tuyến với gia đình liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm trên VnMedia

Cuộc giao lưu sẽ diễn ra vào lúc 9h30 - 11h30 sáng 21/3 trên báo điện tử VnMedia. Các thành viên tham gia giao lưu gồm bà Doãn Ngọc Trâm - mẹ liệt sĩ; em gái Đặng Hiền Trâm, cựu chiến binh Robert Whitehurst - người đã biên dịch cuốn nhật ký ra tiếng Anh và Ngô Vân Anh, bạn thân của anh hùng liệt sỹ Đặng Thùy Trâm.

Bạn đọc quan tâm có thể truy cập vào báo điện tử VnMedia ngay từ bây giờ để đặt câu hỏi giao lưu.

 

Liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26/11/1942, trong một gia đình trí thức. Bố là bác sĩ ngoại khoa Đặng Ngọc Khuê, mẹ là dược sĩ Doãn Ngọc Trâm - nguyên giảng viên Trường đại học Dược khoa Hà Nội.

 

Tốt nghiệp Trường đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường. Sau ba tháng hành quân, tháng 3/1967 chị vào đến Quảng Ngãi và được phân công về phụ trách Bệnh viện huyện Đức Phổ, một bệnh viện dân y nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh.

 

Những ngày tháng gian khó và hào hùng của Liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm như hiển hiện trước mắt người đọc qua từng trang nhật ký được viết bằng lòng quyết tâm và sức trẻ tuổi thanh xuân của chính chị. Đó chính là cuốn “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” được gìn giữ bởi một người lính Mỹ có tên là Frederic Whitehurst.

 

Những trang nhật ký chị viết không chỉ đơn thuần nói lên cuộc sống, tâm tư, tình cảm của riêng chị trong những ngày nóng bỏng đạn bom, khói lửa và đau thương trên chiến trường Đức Phổ, mà còn nói lên cuộc sống gian khổ, tinh thần chiến đấu anh dũng, quả cảm, lòng yêu nước thuỷ chung, son sắt của thế hệ một thời - thế hệ những người đã sống, đã cống hiến hết mình và sẵn sàng hy sinh vì Độc lập, Tự do của Tổ quốc:

 

Song, điều khiến Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm thu hút sự quan tâm của độc giả hơn cả, nói như nhà văn Nguyên Ngọc là còn bởi nó rất đời. Nó nói về tất cả với một sự chân thật đến thắt lòng, về những đau khổ, nhiều khi là vô cớ, của một người con gái rất anh hùng mà cũng rất đỗi bình thường, rất con người - một con người đòi hỏi rất cao về đạo đức, về tình yêu, rất đỗi nhân hậu, rất rộng lòng mà cũng rất dễ bị tổn thương.

 

"Một buổi ngồi bên giường bệnh của Lâm. Lâm bị một mảnh đạn cối cá nhân xuyên vào tuỷ sống, mảnh đạn ác nghiệt đã giết chết một nửa người Lâm - từ nửa ngực trở xuống. Lâm hoàn toàn bại liệt, lở loét và biết bao nhiêu đau đớn hành hạ Lâm… Thương Lâm vô cùng mà chẳng biết nói sao. Ôi! Chiến tranh! Sao mà đáng căm thù đến vậy và đáng căm thù vô cùng bọn quỷ hiếu chiến. Vì sao chúng lại thích đi tàn sát, bắn giết những người dân hiền lành, giản dị như chúng ta? Vì sao chúng đang tâm giết chết những thanh niên còn đang tha thiết yêu đời, đang sống và chiến đấu với bao ước mơ như Lâm, như Lý, như Hùng và nghìn vạn người khác nữa?"..., ngày 25/7/1968.

 

Trong sự muôn màu muôn vẻ của thực tại, con người vẫn là mẫu số chung làm nên những giá trị vĩnh hằng. Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm có cái nhân tố nhân văn đầy bí mật đó. Chính vì vậy, tấm gương Đặng Thuỳ Trâm đã trở thành kim chỉ nam để "giới trẻ biết cách vượt qua những khó khăn trong cuộc sống thực tại".

 

Ngày 20/2 vừa qua, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký quyết định "Truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm, phụ trách bệnh xá huyện Đức Phổ, tỉnh Quãng Ngãi do đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

 

Theo VnMedia

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm