Giao lưu trực tuyến: Những căn bệnh tiềm ẩn của giới văn phòng
(Dân trí) - Gần 40 trong tổng số hơn 1000 câu hỏi của độc giả về các bệnh thần kinh, cột sống - bệnh văn phòng, đã được các bác sĩ của Tập đoàn Y tế Parkway trả lời thấu đáo trong 2,5 tiếng giao lưu. Dù không có thời gian để trả lời được hết toàn bộ thắc mắc của độc giả, nhưng các câu trả lời đều giải quyết trọn vẹn những câu hỏi thường trực về các căn bệnh tiềm ẩn của giới văn phòng.
Chỉ tính riêng tại bệnh viện Việt Đức, khoa phẫu thuật Thần kinh phải thực hiện 30 - 40 ca mổ/tuần. Con số này cho thấy hội chứng vai - gáy; các bệnh thoái hóa cột sống - thoát vị đĩa đệm thực sự là căn bệnh tiềm ẩn trong mỗi con người. Hơn thế, nếu không được điều trị thích hợp sẽ để lại di chứng nặng nề cho người bệnh.
Vậy tại sao lại bị thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, dị dạng mạch máu não...? Nếu mắc bệnh thì liệu pháp nào là tối ưu nhất? Những tiến bộ trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh?... Tất cả sẽ được hai chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phẫu thuật và điều trị các bệnh thần kinh cột sống thuộc tập đoàn Parkway đến từ Singapore trả lời. Đó là:
| |||
* Bác sĩ Prem Pillay - Tập đoàn Y tế Parkway, Singapore:
- Trưởng khoa phẫu thuật thần kinh nội trú, bệnh viện Cleveland, Hoa Kỳ.
- Giám đốc Trung tâm Não, bác sỹ tư vấn và bác sỹ phẫu thuật cao cấp của Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Singapore.
- Bác sỹ phẫu thuật u bướu thần kinh (U não/xương sống), Bệnh viện Ung thư Anderson, Houston, Hoa Kỳ.
- Bác sỹ phẫu thuật thần kinh nhi, Bệnh viện Nhi, Toronto, Canada
* Bác sĩ Andrew Pan - Tập đoàn Y tế Parkway, Singapore:
- Phó Chủ tịch Hiệp hội Y học giấc ngủ Singapore.
- Bác sĩ tham vấn Hiệp hội bệnh động kinh Singapore.
- Nguyên Trưởng khoa động kinh và điện não đồ - Bệnh viện đa khoa quốc gia Singapore
Cuộc giao lưu còn có sự hỗ trợ chuyên môn của Bác sĩ Đặng Văn Dương:
- Phó chủ nhiệm bộ môn Giải phẫu bệnh - ĐH Y Hà Nội.
- Phó giám đốc Trung tâm Giải phẫu bệnh Bệnh viện Bạch Mai.
Đại diện tập đoàn Parkway tặng hoa và quà lưu niệm cho TBT Báo Khuyến học và Dân trí trước buổi giao lưu. |
Nội dung giao lưu
Bác sỹ cho em hỏi. Em bị đau lưng gần 1 năm nay, đi chụp X quang, em được biết bị gai cột sống, đốt số 1. Bệnh đau lưng này ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của em. Vì em đang cho con bú nên không uống thuốc giảm đau được. Em muốn hỏi các bác sỹ: Bệnh này có chữa khỏi hoàn toàn được không? Em ở Hà Nội, nên chữa ở bệnh viện nào? Em nên chơi môn thể thao nào để cải thiện bệnh?
(Hà Thị Hương Giang, 27 tuổi, Nữ, SN 3, ngõ 166, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, Nhân viên kế toán)
Bác sĩ Prem Pillay: Vì bạn đã bị đau lưng lâu rồi nên có thể có 1 tổn thương ở cột sống. Đĩa là một mô mềm giữa 2 đốt sống. Khi nó bị tổn thương thì có thể bị trượt ra ngoài làm cho bạn bị đau và gây ra tình trạng đau lưng của bạn. Khi có thai, phải ngồi nhiều và luyện tập không đầy đủ sẽ làm tình trạng đau lưng nặng lên. Trong trường hợp như vậy bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa về cột sống và nên làm xét nghiệm X-quang đặc biệt là MRI. Sau khi có sự thăm khám và phim chụp MRI thì mới có thể chẩn đoán và điều trị tốt cho bạn. Nếu như bạn không uống thuốc được thì có thể dùng các biện pháp vật lý trị liệu để cải thiện tình trạng, giúp mình đỡ đau hơn.
Em là nhân viên kế toán nên thường xuyên phải ngồi làm việc với máy tính, trong giờ làm việc ít khi đứng dậy hoạt động nên khi hết giờ làm rất hay bị đau lưng và mỏi vai. Thưa bác sĩ làm sao để khắc phục được tình trạng này?
(Quỳnh Anh, 24 tuổi, Nữ, Cầu Giấy - Hà Nội, nhân viên kế toán)
Bác sĩ cho em hỏi: Em bị đau vai trái đã hơn 1 năm nay, đi chụp X quang, không có vấn đề gì, chụp cả đốt sống cổ cũng không sao. Vậy tại sao em ngồi nhiều lại bị tê hết bên vai trái và cảm giác rất khó chịu. Có cách nào biết và chữa dứt được tình trạng này không? Công việc của em đòi hỏi ngồi nhiều. Xin cám ơn bác sỹ!
(Thúy Hằng, 27 tuổi, Nữ, Hà Nội, Kỹ sư Tin học)
Bác sĩ Prem Pillay: Bạn nên kiểm tra lại chiều cao của ghế ngồi xem có phù hợp với chiều cao của cơ thể hay không. Ghế bạn có tựa lưng phù hợp không. Ngoài ra bạn cũng nên tập thể dục, không nên ngồi lâu quá.
Khi ngồi làm việc liên tục trên máy tính cả ngày, tôi thường bị đau dây thần kinh ở giữa vai và cổ. Nhiều lần đau đến mức không thể nhấc tay lên được. Vậy tôi phải làm gì?
(Hoa, 28 tuổi, Nam, Khu TT Thuỷ Lợi, Kỹ sư XD)
Bác sĩ Andrew Pan: Có thể là bạn có 1 tổn thương nào đó ở dây thần kinh vùng cổ. Tôi khuyên bạn cứ sau mỗi nửa giờ làm việc nên dừng nghỉ và chuyển động cổ nhẹ nhàng, rướn cổ lên một chút. Nếu muốn biết chi tiết về việc luyện tập, bạn có thể đến dự buổi hội thảo vào sáng thứ Bảy này để biết rõ hơn.
Thưa các bác sĩ, tôi đang bị TVĐĐ (thoái vị đĩa đệm) cổ c4-c5, đã chụp MRI. Hiện tại bị đau nhức vai và cánh tay trái, tê ngón trỏ đặc biệt là tư thế ngồi làm việc. Tôi đã điều trị một đợt nội khoa theo toa bác sĩ tây y nhưng không bớt. Vậy xin hỏi có cách điều trị nào hiệu quả hơn không, địa chỉ ở đâu? Nếu trước đây đã mổ hở và dùng Đĩa đệm nhân tạo và nẹp vít ở cổ thì nay bị TVDĐ đốt khác có được kéo cổ khi vật lý trị liệu không,cách kéo ra sao? Xin cảm ơn Bác sĩ.
(Vũ Minh Trường, 44 tuổi, Nam, Tp.Hồ Chí Minh, KS.xây dựng)
Bác sĩ Andrew Pan: Bạn cần tìm hiểu nguyên nhân của từng dấu hiệu đau. Vấn đề đau bạn đang gặp có thể do thoát vị đĩa đệm, cũng có thể do chèn ép rễ thần kinh. Nếu bạn đau ở những tư thế ngồi nhất định thì phải xem lại tư thế ngồi có đúng không. Việc sử dụng thuốc phải đúng cho từng nguyên nhân đau. Có những loại thuốc đặc trị cho đau dây thần kinh, hoặc có thuốc tiêm điều trị vấn đề đau do chèn ép rễ thần kinh. Bạn nên cân nhắc trước khi quyết định phẫu thuật lần 2. Lời khuyên của tôi là bạn không nên tác động đến đốt sống cổ trước khi có những đánh giá thật cẩn thận.
Tôi có những hiện tượng đau mỏi vai gáy những khi sử dụng máy tính thời gian lâu, đứng lên ngối xuống cũng thấy đau lưng tuy nhiên ở mức độ chịu đựng được. Cũng đoán rằng có thể bị hội chứng vai gáy, thoái hoá cột sống, tiền sử bị loãng xương nhưng không dám bổ sung uống nhiều can xi vì sợ bị sỏi thận. Tôi rất mong được tư vấn.
(Nguyễn Thái Lang, 41 tuổi, Nữ, A11 Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Cán bộ văn phòng)
Bác sĩ Prem Pillay: Tôi khuyên bạn nên ăn các thực phẩm giàu can-xi, như sữa ít béo, phô mai và nên tập thể dục thường xuyên.
Tôi thường hay bị ê mỏi tòan bộ vùng lưng trên (từ thắt lưng trở lên). Cũng hay bị đau ở đốt sống ngang dây áo ngực, nhất là mỗi khi ấn tay vào thì thấy đau buốt. Vậy xin hỏi tôi có thể khắc phục tình trạng trên bằng cách nào? bị bệnh gì?
(Trần Thủy, 28 tuổi, Nữ, Thanh Xuân, Hà Nội, Nhân viên văn phòng)
Bác sĩ Prem Pillay: Bất kỳ triệu chứng đau tại một điểm cột sống nào cũng cần được kiểm tra cẩn thận, đặc biệt khi triệu chứng đau đi kèm một số biểu hiện liên quan như sốt, giảm cân, cảm giác tê yếu chân. Vấn đề có thể đơn giản do tư thế ngồi sai hoặc nghiêm trọng hơn, do viêm cột sống hoặc do có khối u ở cột sống. Bạn nên đi khám chuyên khoa sớm.
Tôi luôn bị đau đầu mỗi khi đội mũ, ngày nào đi làm về cũng trong tình trạng đau đầu, mệt mỏi. Hai hôm nay, tôi bị sốt nhẹ, người đau nhức, chán ăn. Mỗi khi đi đến đoạn có ổ gà, người thấy đau mỏi và cả đầu cũng đau. Công việc của tôi không vất vả lắm. Tôi mới lập gia đình, đang muốn có baby. Liệu tôi bị làm sao?
(Đinh Thị Nhung, 26 tuổi, Nữ, số nhà 31 ngõ 103 Văn Cao, nhân viên văn phòng)
Bác sĩ Andrew Pan: Có thể do bạn chưa quen với cuộc sống gia đình mới, quá mong muốn có con cũng có thể gây ra áp lực làm bạn mệt mỏi và đau đầu.
Đau đầu do đội mũ thông thường không phải do vấn đề não. Nếu vùng đau ở quanh đầu, có thể do bạn đội mũ quá chật. Nếu cảm giác đau căng, nặng quanh đầu, có thể bạn mắc hội chứng đau đầu do căng thẳng. Triệu chứng có thể nặng hơn do bạn thiếu ngủ.
Tôi thường đau thường xuyên phía sau gáy cổ, choáng váng khi nghe tiếng động lớn và chát chúa kèm theo đau lưng, mỏi, chân đi hơi nặng. Bấm huyệt có thể khỏi được không? Có phải kết hợp uống thuốc không?
(Nguyen Le Uyen, 38 tuổi, Nữ, 32 H3 tt Nguyen Cong Tru Ha Noi, can bo)
Bác sĩ Andrew Pan: Tôi khuyên bạn đầu tiên nên sử dụng các thuốc giảm đau đơn giản và nhẹ như paradol, một số dầu xoa bóp vào các vùng bị đau. Bạn cũng nên tập thể dục và phương pháp tập sẽ được trình bày trong buổi hội thảo tại khách sạn Hilton tới đây của tập đoàn Parkway.
Thời gian gần đây tôi hay gặp hiện tượng đau lưng và vai mỗi khi vừa đặt lưng xuống giường nằm hoặc khi thức dậy. Xin hỏi có phải là triệu chứng của một bệnh gì không và có cách nào khắc phục không?
(Trương Như Quỳnh, 34 tuổi, Nữ, 218/3 Tây Sơn Hà Nội, Kỹ sư)
BS Prem Pillay: Tốt hơn hết là bạn nên đến khám bác sĩ và nếu cần sẽ phải chụp X-quang cột sống và tốt nhất là chụp cắt lớp.
Tôi được biết bên Singapore có phương pháp kích điện như Thorax Stimulator (kích ngực) hay Brain Stimulator (kích não). Các phương pháp này thực hiện như thế nào? Áp dụng cho những bệnh nhân bị bệnh gì? Có nhiều biến chứng khi thực hiện phương pháp này không?
(Hải Nam, 35 tuổi, Nam, TPHCM, Kỹ thuật viên máy tính)
BS Andrew Pan: Hai phương pháp này được dùng để điều trị bệnh Parkinson, trong các trường hợp bệnh nhân không thở được liên quan đến thần kinh trung ương và phương pháp này sẽ kích thích thần kinh, giúp phục hồi chức năng thở. Ví dụ như dây thần kinh kích thích hoạt động của cơ hoành.
|
Tôi bị đau đầu hơn 2 tuần, kèm theo đó là bị chóng mặt, buồn nôn, đau gáy và đau buốt đằng sau đầu. Khi đi khám sau khi được điện não đồ và điện lưu huyết não bác sĩ bảo tôi bị thiếu máu não. Tôi xin hỏi bị thiếu máu não có ảnh hưởng gì không? Hiện nay tôi đang uống thuốc do bác sĩ kê có thấy khá hơn trước nhưng vẫn rất mệt. Triệu chứng thiếu máu não có hết được không? Tôi xin cảm ơn.
(Nguyễn Thị Thanh Hằng, 26 tuổi, Nữ, 195 Lê Duẩn - Hà Nội, Kiến trúc sư)
Bác sĩ Andrew Pan: Điện não đồ và lưu huyết não chưa đủ để kết luận nguyên nhân của triệu chứng đau đầu. Tôi nghĩ bác sĩ của bạn cho rằng nguyên nhân đau đầu của bạn là do vấn đề về mạch máu não. Nếu bạn đau giật từng cơn, và nếu ánh sáng chói, âm thanh lớn làm bạn đau nhiều hơn thì có thể bạn mắc hội chứng đau nửa đầu. 30% bệnh nhân mắc hội chứng đau nửa đầu có đau cả gáy nữa. Bạn uống thuốc thấy đỡ là rất tốt, nhưng triệu chứng bạn đang gặp có thể là dấu hiệu của một bệnh nguy hiểm hơn.
Dấu hiệu nguy hiểm:
- Đau đầu tại một điểm, đau liên tục, ngày càng nặng hơn
- Cơn đau làm bạn tỉnh giấc ban đêm
- Đau đầu đi kèm yếu nửa người, nhìn mờ, nói khó
- Cơn đau đầu nặng hơn khi bạn ho, đi ngoài
- Đau đầu dữ dội, đột ngột
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào nêu trên, bạn nên tới gặp bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra sớm.
Công việc của tôi đòi hỏi lúc nào cũng có mặt ở văn phòng. Mặc dù mới 23 tuổi nhưng tôi cảm thấy thần kinh của mình lúc nào cũng căng thẳng, đau đầu, nhìn thấy ai cũng muốn cáu gắt. Tôi còn cảm thấy rất hay đau bụng. Và bụng của tôi rất nhiều mỡ. Xin cho hỏi cách phòng và điều trị?
(Nguyễn Thị Vân, 23 tuổi, Nữ, Thanh Hà - Hải Dương, Kế Toán)
Bác sĩ Andrew Pan: Nếu cảm thấy căng thẳng trong công việc thì chắc chắn công việc của chị quá stress. Chị nên nghỉ ngơi 1 - 2 ngày, nghỉ ngơi vào buổi tối, ngủ đủ giấc và có các bài tập nhẹ nhàng.
Tư thế ngồi làm việc như thế nào là đúng và có thể tránh các bệnh về cột sống? Tôi hay bị đau đầu, nguyên nhân vì sao, cách chữa trị?
(Dương Vân Anh, 26 tuổi, Nữ, 147/50 phố Tân Mai, Nhân viên văn phòng)
Bác sĩ Andrew Pan: Thứ nhất, bạn cần một chiếc ghế tốt, có thể dựa lưng hoàn toàn, thẳng (không quá cúi về phía trước hay quá ngả về phía sau). Thứ hai, màn hình máy tính ngang tầm mắt. Bàn làm việc phải đỡ được cổ tay và khuỷu tay, ít nhất mắt bạn phải cách màn hình máy tính 30cm, không ngồi quá lâu một tư thế. Nghỉ giải lao sau 1-1,5 giờ làm việc.
Tôi là nhân viên kế toán, do đặc tính nghề nghiệp nên tôi thường ngồi làm việc với máy tính khoảng 5-6 tiếng trong ngày. Vậy tôi có nguy cơ mắc bệnh gì?
(Pham Thuy Nga, 30 tuổi, Nữ, P.Thanh Trì- Q.Hoàng Mai, Ke toan)
Bác sĩ Andrew Pan:
Làm việc bên máy tính 5-6 tiếng/ngày, bạn có nguy cơ bị các bệnh sau:
- Các bệnh về cơ do ngồi lâu
- Đau gân, đau cổ tay do bạn giữ nguyên một tư thế đánh máy trong thời gian dài
Các triệu chứng còn lại có thể liên quan tới một nỗi lo lắng nào đó của bạn. Có 2 cách giúp bạn:
- Thay đổi môi trường làm việc
- Thay đổi phản ứng của bản thân trong công việc.
- Nên có các quãng giải lao trong suốt thời gian làm việc. Trong lúc giải lao bạn có thể đứng dậy tập một số động tác giãn cơ cổ, lưng, cánh tay và điều tiết mắt nhìn ra xa.
- Không nên uống nhiều cà phê
Ông Richard Tan (Quản lý thị trường Việt Nam của bệnh viện Parkway) và Ông Ben Taat (đại diện tập đoàn Parkway tại Hà Nội) đang theo dõi cuộc giao lưu trực tuyến. |
Xin cho biết biểu hiện của hội chứng vai - gáy, thoái hoá cột sống, thoát vị đĩa đệm. Vậy tại sao lại bị thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, dị dạng mạch máu não...? Nếu mắc bệnh thì liệu pháp nào là tối ưu nhất?
(Vũ Thị Hương, 32 tuổi, Nữ, Quang Ninh, Nhân viên Văn phòng)
Bác sĩ Prem Pillay: Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi rất thú vị. Có nhiều nguyên nhân của thoái hoá cột sống và thoát vị đĩa đệm trong đó có di truyền. Ngoài ra là do hội chứng gánh vác nặng (làm việc quá sức, tập thể dục quá sức), đặc biệt là làm việc quá nhiều tại văn phòng. Về các dị dạng ở mạch máu não thì nguyên nhân đầu tiên là do di truyền, bẩm sinh. Tiếp đó là do cao huyết áp và bệnh tim mạch.
Để điều trị thoái vị đĩa đệm, trước tiên phải tự điều chỉnh tư thế đứng ngồi, tiếp đó là tập thể dục đúng cách và tham gia các đợt vật lý trị liệu và có thể tham khảo tại trang web: www.aquaphysio.com. (lý liệu pháp bằng nước). Trong trường hợp nặng, cần được can thiệp bằng phẫu thuật và phương pháp hiện đại mới nhất hiện nay là vi phẫu thuật, tức là có thể thay đĩa đệm.
Với bệnh dị dạng mạch máu não mà cụ thể là phồng mạch máu não thì nên phẫu thuật sớm vì nếu không nó có thể bị vỡ. Phẫu thuật có thể là phẫu thuật mở, hoặc phẫu thuật Endovascuilar Coiling (Platinum Coil) tức là đưa vào trong mạch máu 1 ống xoắn nhưng đây là một phẫu thuật đòi hỏi chi phí rất lớn.
Tôi hay đau nửa đầu, không biết có phải do rối loạn tiền đình không nhưng đi khám bác sĩ bảo rối loạn thần kinh thực vật. Trong khi đau đầu tôi hay đau các đốt sống cổ, đi chụp phim bác sĩ nói là hẹp các đốt sống nên dẫn đến đau đầu. Tôi phải điều trị như thế nào?
(Phan Quốc Thông, 48 tuổi, Nam, Đà Nẵng, kỹ sư xây dựng)
Bác sĩ Prem Pillay: Đau nửa đầu có liên quan đến tiền đình không là một vấn đề rất phức tạp, bạn cần phải đi khám chuyên khoa để xác định còn tôi không thể trả lời cho bạn qua một vài dữ liệu như thế này.
Nếu đau cột sống thì có thể bạn bị thoái hoá đĩa đệm. Lúc đầu bạn có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau, các phương pháp vật lý trị liệu. Khi cần thiết có thể sử dụng phương pháp phẫu thuật.
Trong thời gian 1 năm trở lại đây, khi ngồi làm việc trước máy tính, thỉnh thoảng tôi hay bị choáng rất nhanh khoảng 1,2 giây (giống như ngủ gật), sau đó mồ hôi rịn ra, tim đập nhanh, đứng lên đi loanh quanh một lúc thì hết. Hiện tại tôi mắc bệnh cao huyết áp. Vậy triệu chứng trên là bệnh gì, có nguy hiểm không? Rất mong được sự giải đáp của bác sĩ.
(Lê Tuấn Nam, 53 tuổi, Nam, Vĩnh Long, Chuyên viên văn phòng)
Bác sĩ Prem Pillay: Tôi không nghĩ đó là một vấn đề nghiêm trọng mà có thể là do bạn làm việc quá nhiều với máy tính. Tôi khuyên bạn nên rời khỏi máy tính mỗi tiếng làm việc, nghỉ giải lao 5 - 10 phút.
Nam giới bị mổ u ở cuối cột sống thì sẽ bị vô sinh, xin bác sĩ cho biết có đúng như vậy không ạ? Cháu xin cảm ơn!
(Hà, 24 tuổi, Nữ, 129D Trương Định, Sinh Viên)
Bác sĩ Prem Pillay: Hoàn toàn không đúng.
Tôi là nhân viên văn phòng. Tôi bị đau lưng đã hơn 1 năm nay, đi chụp cộng hưởng từ thì bác sỹ bảo bị thoát vị đĩa đệm số L4-5, và đã bị thoát nhân nhầy. Các bác sỹ khuyên tôi nên mổ. Vậy bác sỹ cho tôi hỏi: Đối với bệnh của tôi có nhất thiết phải mổ không và phương pháp điều trị nào là thích hợp nhất?
(Đặng Hồng Thắng, 32 tuổi, Nam, Hoàng Mai - Hà Nội, Kỹ sư)
Bác sĩ Prem Pillay: Chúng tôi phải xem cái phim cộng hưởng từ của bạn sau đó mới đánh giá được tình trạng tổn thương và đưa ra được lời khuyên bạn phải làm gì.
Bạn có thể tham khảo www.drprempillay.com.
Tôi bị thoái hóa cột sống thắt lưng và đốt sống cổ đã hơn 7 năm. Hiện nay, hàng tuần tôi chích thuốc MOBIC thì thấy giảm đau hẳn, nhưng không biết chích lâu dài thì có hại gì không?
(Nguyễn Nam, 46 tuổi, Nam, 247-Phan Đình Phùng - quận Phú Nhuận - TPHCM, Cán bộ ngân hàng )
Bác sĩ Prem Pillay: tôi không khuyên việc sử dụng thuốc giảm đau trong một thời gian dài bởi vì dùng các loại thuốc đó lâu dài có thể gây tổn hại tới cơ thể như loét dạ dày, tổn thương thận, gan mà nên dùng các phương pháp vật lý trị liệu và một trong những phương pháp điều trị mới gần đây là vật lý trị liệu bằng nước (www.aquaphysio.com).
Bệnh về thần kinh-cột sống và bệnh về mắt là rất phổ biến cho những người làm việc ở khối văn phòng. Xin bác sĩ cho biết các biện pháp để phòng tránh những bệnh trên. Tôi xin chân thành cảm ơn.
(Dao Thi Le, 25 tuổi, nữ, 186-Trường Chinh-Hà Nội, Nhân viên văn phòng)
Bác sĩ Prem Pillay: Tôi khuyên cứ mỗi tiếng làm việc, nên nghỉ ít nhất 5 phút, rời khỏi máy tính. Trong 5 phút đó nên cố gắng nhìn xa như nhìn qua cửa sổ, nhìn vào các nền xanh ở tận phía xa, giúp mắt được nghỉ ngơi. Trong thời gian đó cũng nên đứng dậy, duỗi chân tay, duỗi người để bảo vệ cột sống.
Tôi bị đau hai bàn chân và sưng bàn chân, mắt cá chân đã gần một năm nay, mỗi lần ngồi dậy rất khó khăn, phải đứng một lúc mới đi lại được nhưng rất đau. Đã chữa trị nhiều nơi bác sỹ chẩn đoán là đau khớp nhưng điều đó chưa làm tôi thoả mãn vì điều trị không giảm, gần đây đau ở đốt sống lưng gần cổ và đau ở hai cổ tay, không thể nắm chặt được hai bàn tay và cầm vật nặng, một số khớp ở bàn tay và một bên đầu gối bị sưng. Tôi mong được sự giúp đỡ từ tập đoàn Tập đoàn Y tế Parkway. Xin chân thành cảm ơn!
(Lê Thanh Bắc, 35 tuổi, Nam, Vietcombank Huế, nhân viên văn phòng)
Bác sĩ Prem Pillay: Bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa và làm các xét nghiệm máu đặc biệt là xét nghiệm axit uric xem có phải bị gout và thử máu để xem có phải bị viêm khớp dạng thấp.
Do yêu cầu công việc nên tôi thường xuyên phải ngồi lâu bên máy tính. Gần đây tôi rất hay bị đau nửa đầu, choáng váng, mỏi lưng và đặc biệt không có nhu cầu sinh lý. Tôi phải làm gì để khắc phục tình trạng này?
(Luu Xuan Truong, 26 tuổi, Nam, , Lập trinh viên)
Tôi đi khám BS nói tôi bị thoái hoá 2 đốt sống cổ, tôi thường bị mỏi gáy và đau 2 vai mỗi khi thời tiết lạnh. Theo dân gian thì tôi thường lấy đồng bạc và bôi dầu đánh gió, khi chỗ đau lên những vết li ti màu đỏ tím thì cũng thấy đỡ đau. Tôi xin hỏi việc đánh gió đó có ảnh hưởng gì không? Biện pháp tốt nhất để giảm đau mỏi vai gáy? Môi trường làm việc văn phòng rất thiếu ô xy sẽ gây ảnh hưởng xấu nào cho sức khoẻ? Bình khí ô xy văn phòng nếu dùng có hiệu quả tốt không? liều lượng thế nào và mua ở đâu? Tôi xin chân thành cảm ơn và kính mong được giải đáp.
(Phan Duc Ngoc, 37 tuổi, Nữ, Hanoi, Cán bộ Ngân hàng)
Bác sĩ Andrew Pan:
Biện pháp tốt nhất để giảm đau gáy là bản thân bạn làm việc và vận động hợp lý, nghỉ giải lao trong thời gian làm việc. Nếu cần có thể uống, tiêm thuốc, vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật.
Có cách nào để điều trị bệnh động kinh mà không phải dùng thuốc không? Ở bên tập đoàn của bác sĩ có tiến bộ nào mới về điều trị cho bệnh nhân động kinh không?
(Thuý An, 57 tuổi, Nữ, TP Thái Bình, giáo viên về hưu)
Bác sĩ Andrew Pan: Có nhiều cách tránh các cơn động kinh:
Tránh mất ngủ, tránh đồ uống có cồn, tránh căng thẳng quá mức. Nếu bạn ốm sốt, cần điều trị ngay. Nếu bạn đang uống thuốc điều trị bệnh động kinh, không được dừng thuốc đột ngột hoặc không được quên uống thuốc. Điều trị cơ bản: dùng thuốc. Các phương pháp có thể cân nhắc tiếp là phẫu thuật, kích thích điện, nếu bệnh nhân là trẻ em, cần có chế độ ăn đặc biệt. Bác sĩ sẽ là người cho bạn lời khuyên về phương pháp điều trị tốt nhất.
Nguyên nhân gây bệnh ALS là gì? Hiện nay có liệu pháp nào phòng chống và trị được bệnh ALS hay không? Mẹ tôi đã bị chẩn đoán mắc bệnh này, và Bà đã mất cách đấy ít lâu, sau một thời gian sử dụng thuốc Rilutex, nhưng không hiệu quả.
(Nguyễn Lê Long, 43 tuổi, Nam, Bình Chánh, HCMC, kỹ sư máy tính)
Bác sĩ Andrew Pan:
Y học thế giới hiện nay vẫn còn biết rất ít về nguyên nhân căn bệnh này, nhưng cơ chế của bệnh là do thoái hoá tế bào thần kinh vận động. Hiện chưa có phương pháp nào để phòng căn bệnh này. Phương pháp điều trị cũng còn hạn chế. Trong một số hiếm trường hợp bệnh nhân có khối u gây ra căn bệnh này. Khi đó bệnh nhân thường được phẫu thuật để cải thiện tình trạng bệnh.
Thuốc Rilutex không chữa được bệnh mà chỉ giúp kéo dài cuộc sống của bệnh nhân. Mặc dù ALS chưa thể chữa được nhưng chúng tôi có thể giúp bệnh nhân ngăn chặn một số triệu chứng bằng thuốc hoặc nhờ sự hỗ trợ của máy khi bệnh nhân khó thở.
Tôi bị vẹo cột sống từ khi còn học trung học do ngồi học sai tư thế. Từ đó, ngực của tôi bên phải thấp hơn hẳn bên trái (lồng ngực và cả ngực phải). Nay tôi đã 25 tuổi, có cách gì điều trị không?
(Hang, 24 tuổi, Nữ, HN, Văn phòng)
Bác sĩ Prem Pillay: Nếu bạn bị nhẹ thì tôi khuyên bạn nên dùng phương pháp vật lý trị liệu aquaphysio. Nếu đã nặng thì cần được phẫu thuật để chỉnh cho cột sống thẳng bằng phương pháp metal rods (các que kim loại bằng titannium).
Xin đuợc hỏi uống thuốc bổ dưỡng SHARK CARTILAGE có giúp ích gì cho sụn, đĩa đệm không? Nên uống thuốc gì để hạn chế quá trình vôi hoá các đốt sống?
(Đỗ Thành Trung, 53 tuổi, Nam, An Dương, Tây Hồ, cán bộ văn phòng)
Bác sĩ Prem Pillay: Thuốc này không có hiệu quả để chữa các rối loạn bệnh lý liên quan đến đĩa đệm cột sống. Để ngăn chặn quá trình vôi hoá cột sống bạn nên giữ tư thế cơ thể khi đứng, ngồi và đi được đúng. Rồi sau đó là tham gia các buổi vật lý trị liệu và nên uống nhiều nước bởi đĩa đệm bị tổn thương thường bị mất nước.
Làm thế nào để khắc phục bệnh hay quên ở tuổi trung niên thưa bác sĩ ?
(Phùng Thế Hợi, 53 tuổi, Nam, Thanh Xuân, giáo viên)
Bác sĩ Andrew Pan:
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hay quên (thậm chí người trẻ tuổi đôi khi cũng mắc triệu chứng này): thiếu ngủ, ngủ không ngon, trầm uất, điều tiết cơ thể kém ví dụ thiếu hormone tuyến giáp, thiếu vitamin B12, thiếu axit folic, đột quỵ não.
Với những người tuổi trung niên có sức khoẻ tốt, có thể khắc phục tình trạng hay quên bằng cách luyện tập trí não thường xuyên theo nhiều cách khác nhau, bao gồm học các kỹ năng mới, nghe nhạc, chơi cờ, giao tiếp. Xem TV nhiều cũng không tốt cho trí nhớ của bạn. Điều quan trọng là cho trí não của mình hoạt động theo nhiều cách khác nhau. Bác sỹ Đặng Văn Dương và bác sỹ Prem Pillay
Tôi bị mổ thoát vị đĩa đệm L4, L5 cách đây 5 năm xin bác sĩ cho biết cách sinh hoạt, phòng tránh, luyện tập thể thao như thế nào để phục hồi tốt và không làm ảnh hưởng tới cột sống.
(vuthuan, 35 tuổi, Nam, Cầu Giấy - HN, công chức)
Bác sĩ Prem Pillay: Vì bạn đã từng phẫu thuật nên cần chú ý bảo vệ cột sống cẩn thận như giữ tư thế đúng, tập thể dục nhẹ nhàng và đến dự cuộc hội thảo vào thứ 7 này tại khách sạn Hilton (Hà Nội) để biết thêm chi tiết.
Chào bác sĩ Prem Pillay. Tôi nghe nói có phương pháp trị liệu đối với bệnh cột sống mới là Aquaphysio Therapy nhưng tôi không biết phương pháp này làm như thế nào? Ứng dụng của phương pháp này trong điều trị những căn bệnh gì? Hiệu quả điều trị của phương pháp này? Biến chứng nếu có?
(Thu Hà, 25 tuổi, Nữ, , NVVP)
Bác sĩ Prem Pillay: Đây là một phương pháp vật lý trị liệu trong nước và nó đã có từ lâu (trước đây gọi là hydro physio therapy). Hiện nó được xem là phương pháp tiên tiến nhất với các bài tập đặc biệt. Bạn có thể tham khảo trang web www.aquaphyssio.com để biết rõ về phương pháp này.
Hi Doc, I noticed many professional is balding. Has this got to do with potential brain problem. (Chào bác sĩ, tôi được biết rất nhiều vị giáo sư thường bị hói đầu, vậy điều này có liên quan gì tới căn bệnh về não không?)
(thu lan, 35 tuổi, Nữ, haiphong)
Bác sĩ Andrew Pan: Hai vấn đề này không liên quan đến nhau. Vấn đề hói đầu chỉ liên quan đến hormone nam. Tuy nhiên theo ý kiến riêng của tôi, hói đầu cũng rất đẹp đấy chứ!
Tôi năm nay 27 tuổi. Sau khi sinh cháu xong tôi bị đau lưng, có lần đau đi lại và quay người rất khó. Tôi đi khám, chụp X quang bác sỹ nói tôi bị gai đốt sống lưng bẩm sinh. Tôi muốn hỏi bệnh này của tôi có chữa khỏi được không. Nếu tiêm thẳng vào đốt sống lưng thì sau này khi bị đau bắt buộc tôi lại phải tiêm vào đốt sống lưng mới đỡ được, điều này có đúng không. Có cách nào điều trị khỏi được bệnh này không. Tập thể dục như thế nào thì hiệu quả. Chạy trên máy tập thể dục và tập thể dục erobic có giúp gì được cho bệnh của tôi không. Xin chân thành cảm ơn.
(Lê Thu Thuỷ, 27 tuổi, Nữ, Khu tập thể công đoàn, Đống đa, HN, Nhân viên văn phòng)
Bác sĩ Prem Pillay: Việc tiêm vào đốt sống để chữa gai đôi là không đúng. Thật ra, tình trạng gai đôi cột sống gặp ở rất nhiều người và không gây ra tổn hại nào.
Có thể là bạn đã bị thoái hoá cột sống trước hoặc sau khi có thai. Nếu mới sinh cháu và có cân nặng vượt chuẩn bạn nên giảm cân và giữ cho tư thế cơ thể được tốt và tập thể dục nhẹ. Không nên tập aerobic nhưng có thể tập trên máy tập như đạp xe...
Vì là một hiện tượng bẩm sinh nên không thể điều trị khỏi hoàn toàn và cũng không nhất thiết phải điều trị bởi không gây tổn hại nào.
Chào bác sĩ Prem Pillay, tôi vừa thấy bác sĩ khuyên bệnh nhân sang Singapore, vậy thủ tục đi như thế nào, có phức tạp lắm không? Parkway có phòng khám ở Việt Nam không?
(thao lien, 40 tuổi, Nữ, xa Yen thang, nam dinh, giao vien); (Truong Vi Luong, 43 tuổi, Nam)
Hiện tại Parkway mới chỉ có 3 văn phòng đại diện tại Hà Nội, THHCM và Đà Nẵng. 3 văn phòng này làm nhiệm vụ tư vấn cho bệnh nhân trước mỗi chuyến đi sang Singapore chữa bệnh. Nếu bạn có nhu cầu muốn được khám chữa bệnh tại tập đoàn y tế Parkway Singapore thì có thể liên hệ với 3 văn phòng đại diện này hoặc tư vấn miễn phí qua đường dây nóng: 7472729/30
Nếu có nhu cầu khám chữa bệnh tại Singapore, cụ thể là tại tập đoàn y tế Parkway, bạn có thể mang hồ sơ bệnh án đến một trong ba văn phòng đại diện của tập đoàn y tế Parkway tại Việt Nam:
Tại Hà Nội:
Tầng 5 - 91B Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội
Điện thoại: 04.747.27.29/30 - 747.4442
Email: info@parkway.com.vn
Tại TPHCM:
Tầng 2 - Phòng 224 - 37 Tôn Đức Thắng - Quận 1 TPHCM
Điện thoại: 08.823.0096
Email: Parkwaymrchcm@vnn.vn
Tại Đà Nẵng:
Tầng 6 - Toà nhà Thiên Kim - 114116 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại: 0511.692.998
Email: Parwaydn@vnn.vn
Hồ sơ của bạn sẽ được dịch và chuyển sang cho các bác sĩ của tập đoàn tại Singapore tư vấn về hướng điều trị, chi phí điều trị, thời gian điều trị dự kiến. Văn phòng sẽ hỗ trợ bệnh nhân đặt lịch hẹn với bác sĩ, bố trí phiên dịch và việc ăn ở đi lại của bạn tại Singapore.
Hiện tại, số lượng câu hỏi của độc giả gửi đến buổi giao lưu đã lên đến hơn 1000 câu hỏi. Vì thời gian không cho phép, chúng tôi xin dừng cuộc Giao lưu trực tuyến tại đây. Những câu hỏi còn lại, chúng tôi sẽ chuyển đến các bác sĩ và đăng tải câu trả lời trong thời gian sớm nhất. Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của các quý vị độc giả. Xin chân thành cảm ơn sự nhiệt tình cộng tác của tập đoàn Parkway. |
BBT