1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

An Giang:

Gặp những "ân nhân" giúp hàng trăm người thoát thảm họa sạt lở kinh hoàng

(Dân trí) - Liên quan đến vụ sạt lở kinh hoàng, "nuốt trôi" 14 ngôi nhà ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang, có nhiều thông tin cho rằng nhờ tin báo của một người dân tắm sông mà hàng trăm người dân thoát được thảm họa. PV Dân trí đã đi tìm gặp người đàn ông này.

Người dân tắm sông mà nhiều phương tiện thông tin cho rằng là ân nhân cứu mạng của hàng trăm người dân trong vụ sạt lở kinh hoàng ngày 22/4 là ông Nguyễn Văn Bé, ngụ tại tổ 11, ấp Mỹ Hội.

Tiếp xúc với PV Dân trí, ông Bé kể, chiều hôm cách ngày xảy ra sạt lở 3 ngày, sau khi sửa cây cầu ở bến sông sau nhà, ông Bé xuống sông tắm thì bất ngờ phát hiện phần đất cặp bờ có dấu hiệu sụt lún hơn mọi ngày trên 1,5m. Khi lên bờ, ông tiếp tục phát hiện đường nứt chạy dài theo đường dẫn từ đường xuống sông…


Ông Nguyễn Văn Bé kể lại cho PV nghe việc ông phát hiện dấu hiệu sụt lún bất thường ở bờ sông Hậu.

Ông Nguyễn Văn Bé kể lại cho PV nghe việc ông phát hiện dấu hiệu sụt lún bất thường ở bờ sông Hậu.

Thấy sự việc bất thường, ông Bé đi ngay đến Công an xã Mỹ Hội Đông trình báo sự việc với các công an viên. Theo ông Bé, sau khi ông thông báo thì chỉ khoảng 10 phút sau, đại diện UBND đã đến tìm hiểu sự việc.

Xung quanh sự việc này, trao đổi với PV Dân trí, ông Hồ Đăng Nguyên - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hội Đông - cho biết ông lại nhận tin báo từ một người khác. "Vào khoảng 17 giờ ngày 20/4, tôi nhân tin báo từ ông Nguyễn Hùng Ban, ông Ban báo có dấu hiệu nứt ở nền nhà, mặt đường của một số người dân lân cận. Ngay sau đó, tôi báo với Đảng ủy, Ủy ban và các đồng chí chỉ đạo xuống xác minh ngay, báo về huyện trong buổi chiều hôm đó", ông Nguyên cho biết.

PV Dân trí tìm đến nhà ông Nguyễn Hùng Ban, ông kể: "Hôm đó (chiều 20/4), tôi thấy có vết nứt trước nhà; vợ của ông Nguyễn Văn Bé có qua nhà tôi báo tin là nhà cô ấy cũng như một số hộ lân cận đều xuất hiện vết nứt. Tôi có qua xem, sau đó bảo người cháu tên Trường cấp tốc lên ủy ban báo ngay sự việc bất thường này. Cháu tôi về nhà được một lúc thì cán bộ đến khảo sát và bảo chúng tôi chuẩn bị dọn nhà…".


Ông Nguyễn Hùng Ban cho rằng, cái quan trọng nhất là sau khi dân báo tin, cán bộ đến rất nhanh và quyết liệt trong công tác vận động người dân di dời... Nhờ đó dân bảo toàn được tính mạng và tài sản.

Ông Nguyễn Hùng Ban cho rằng, cái quan trọng nhất là sau khi dân báo tin, cán bộ đến rất nhanh và quyết liệt trong công tác vận động người dân di dời... Nhờ đó dân bảo toàn được tính mạng và tài sản.

"Đến hôm sau (21/4), sau khi cùng với các chú bộ đội dọn nhà đến chiều, tôi xuống sông tắm thì phát hiện phần đất gần bờ sụt lún khoảng 1m. Tôi nói với mấy đứa con trong nhà gấp rút dọn đồ và đêm nay không nên ngủ lại… Đúng như tôi tiên đoán, đến sáng hôm sau khoảng 9 giờ thì toàn bộ dãy nhà 14 hộ dân chúng tôi đổ sụp xuống sông trong nháy mắt", ông Ban kể thêm.

Ông Ban chia sẻ: "Tôi cho rằng ai báo tin, báo tin trước hay báo tin sau không quan trọng. Trong vụ việc này, bà con mất tài sản nhưng giữ được tính mạng là may mắn hạnh phúc lắm rồi. Ở đây tôi muốn nói thêm, nếu chính quyền địa phương không vì dân, không đặt tính mạng người dân lên trên, chậm trễ trong khâu xác minh hoặc lãnh đạo xã, huyện không quyết liệt trong việc di dời dân thì hậu quả đã rất nặng nề".

Qua đó ông Ban bày tỏ sự cảm kích khi chính quyền đã vào cuộc và có động thái quyết liệt ngay sau khi nhận được tin báo của dân, giúp nhân dân bảo toàn được tính mạng và hạn chế thiệt hại về tài sản.

Nguyễn Hành