1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Gặp lão nông chế tạo kèn đồng to nhất Việt Nam

(Dân trí) - Phải mất tới hơn 300kg đồng và sau 4 tháng chiếc kèn đồng với kích thước dài 5,5m, đường kính loa kèn 1,25m nặng hơn ba tạ mới hoàn thành xong. Khi chiếc kèn hoàn tất ông Mạnh thổi thử, tiếng vang như sấm dội, bà con khắp làng nghe thấy kéo đến xem đều ngỡ ngàng về sự tài hoa của ông.

Tới xã Xuân Tiến, Xuân Trường, Nam Định hỏi thăm lão nông Đinh Văn Mạnh không ai là không biết, ông nổi tiếng vì là người chế tạo ra chiếc kèn đồng lớn nhất Việt Nam.

Sinh ở làng nghề chuyên làm đồ đồng, bản thân gia đình ông Mạnh cũng có xưởng chế tác đồng gia truyền. Từ khi còn bé, ông hay vào các nhà thờ quanh vùng xem các nhạc công chơi kèn, nhìn ngắm những chiếc kèn vàng óng ánh, lắng nghe những giai điệu trầm hùng của thứ nhạc cụ đặc biệt, dần dần niềm đam mê được chơi kèn tây ngấm vào người từ lúc nào không hay. Đợi lúc các nhạc công rảnh rỗi, ông thường lân la đến để nhờ họ chỉ dạy về nhạc lý và cách chơi kèn.

Lão nông Đinh Văn Mạnh

Lão nông Đinh Văn Mạnh

Với niềm đam mê của mình, năm 15 tuổi ông Mạnh đã chơi thông thạo được hầu hết các loại kèn đồng. Không dừng lại ở đó, bắt đầu từ năm 20 tuổi, sau khi tiếp quản xưởng chế tác đồng của ông cha để lại, ông Mạnh tự mình mày mò và thử học cách tự chế tạo ra một chiếc kèn đồng.

Ông mua nguyên liệu đồng về dát mỏng, tự tay vẽ các bản mẫu và làm thử. Tất cả các công đoạn làm kèn, ông Mạnh đều chủ yếu làm bằng tay. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm, mặc dù chiếc kèn đầu tiên ra đời hình thức đã tương đối đẹp nhưng về phần hơi thì tậm tà tậm tịt, thổi không ra tiếng. Ông Mạnh vẫn còn nhớ như in: “Mấy chiếc kèn đầu tiên làm đều hỏng bộ hơi nên bỏ đi hết, phải đến khi làm tới chiếc kèn thứ 21, tiền bỏ ra đã tốn ngang với mua vài chục tạ thóc mới thành công. Lúc làm thành công chiếc kèn đầu tiên thì vui mừng lắm, sau bao nhiều ngày đêm mất ăn, mất ngủ cuối cùng cũng được mãn nguyện, cả ngày cứ ôm kèn ngắm, vuốt, thổi ra thổi vào, mân mê mãi mà không biết chán”.

Chiếc kèn ông Mạnh chế tạo đầu tiên là loại kèn Trombone, từ sau đó đến nay ông đã chế tạo được hầu hết các loại kèn đồng khác nhau. Nhiều người biết tiếng bắt đầu đến đặt ông làm kèn, dần dần thương hiệu kèn ông Mạnh đã trở thành một cái tên nổi tiếng trong vùng.

Những chiếc kèn ông chế tạo ra thường có giá rẻ hơn rất nhiều so với những chiếc kèn của phương tây mà chất lượng không hề thua kém. Trên mỗi chiếc kèn làm ra, ông đều khắc ngày, tháng, năm sản xuất và bảo hành vĩnh viễn cho người mua.

Chiếc kèn đồng khổng lồ do ông Mạnh chế tạo

Chiếc kèn đồng khổng lồ do ông Mạnh chế tạo

Biết về sự tài hoa của lão nông kèn đồng, vào năm 2005, giám mục Hoàng Văn Tiệm tại nhà thờ xứ Bùi Chu đến đặt ông Mạnh làm một chiếc kèn đồng khổng lồ để trưng bày trong khuôn viên vườn Thánh.

Mới đầu nghe yêu cầu của khách, ông Mạnh khá ngạc nhiên, nhưng đã có kinh nghiệm chế tạo kèn, lại say mê sáng tạo, ông Mạnh đồng ý làm chiếc kèn đồng khổng lồ.

Để làm xong chiếc kèn đồng, ông Mạnh tiêu tốn hơn 300kg đồng

Để làm xong chiếc kèn đồng, ông Mạnh tiêu tốn hơn 300kg đồng

Sau nhiều đêm thức trắng để tính toán, vẽ phác thảo hình dáng, đặt số đo, kích thước của chiếc kèn, ông Mạnh tự mình cất công đi đặt mua đồng về để tiến hành công việc chế tác. Các công đoạn làm kèn như tán đồng, cuộn, hàn liền mối, lắp, tiện, đánh bóng…ông Mạnh đều chủ yếu làm bằng tay. Trong quá trình làm kèn, có thêm người con rể cùng 3 người thợ phụ giúp ông Mạnh.

Chiếc kèn khổng lồ lớn gấp hàng nghìn lần chiếc kèn thông thường

Chiếc kèn khổng lồ lớn gấp hàng nghìn lần chiếc kèn thông thường

Phải mất tới hơn 300kg đồng và sau 4 tháng chiếc kèn đồng với kích thước dài 5,5m, đường kính loa kèn 1,25m nặng hơn ba tạ mới hoàn thành xong. Chiếc kèn khổng lồ lớn gấp hơn 1.000 lần những chiếc kèn cùng loại bình thường khác, nhiều người ôm không xuể nhưng độ chính xác gần như tuyệt đối.

Riêng phần làm bộ hơi hay còn gọi là bộ phiếm của kèn đồng là mất thời gian hơn cả, bởi đây là bộ phận quyết định âm thanh của kèn, chỉ cần bất cẩn là có thể “xôi hỏng bỏng không” và phải làm lại từ đầu.

Khi chiếc kèn hoàn tất ông Mạnh thổi thử, tiếng vang như sấm dội, bà con khắp làng nghe thấy kéo đến xem đều ngỡ ngàng về sự tài hoa của ông.

Lê Tú