1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Gặp lại những người trở về từ cõi chết

Chúng tôi tìm gặp những người thợ mỏ không may gặp phải tai nạn hầm lò, nhiều giờ bị chôn vùi dưới độ sâu gần 100m dưới lòng đất nhưng đã thoát nạn một cách kỳ diệu nhờ ý chí và khát vọng được sống...

Gặp lại những người trở về từ cõi chết - 1

Anh Bển trở lại với cuộc sống đời thường, ngày ngày đưa đón vợ đi chợ.
 
Cuộc "thoát hiểm ngoạn mục"

 

Hơn nhiều tháng trôi qua, nhưng những giây phút kinh hoàng đã xảy ra với anh và các đồng nghiệp công tác tại Xí nghiệp than Khe Tam, Cty than Hạ Long vẫn ám ảnh Nguyễn Văn Bển. Đó là lần thoát nạn cuối cùng trong đời làm thợ mỏ của anh.

 

Ngồi trong căn nhà ấm cúng không khí gia đình, anh Bển nói: "Tôi không tin mình còn sống"... Anh đã  từ cõi chết để trở về với vợ con - điều kỳ diệu nhất mà cuộc sống mang lại cho anh.

 

Đó là đêm 10/8/2008 (khoảng 3h sáng) như thường lệ,  anh Bển cùng các đồng nghiệp bắt đầu ca làm việc thu dọn thiết bị trong đường lò Tây Khe Sim, ở đường lò + 82, cách cửa lò trên 1.000 m.

 

Đang làm việc thì nhóm thợ nghe thấy một tiếng "uỳnh" rất lớn. Tiếp theo là một luồng gió mạnh hất cả tốp thợ ngã vật xuống đường lò. Không gian trở nên tối thui, không khí bắt đầu cô đặc khiến cả tốp thợ như  ngộp thở. Ngay sau đó, nước và bùn than dồn vào đường lò, nhanh chóng dâng lên đến đầu gối, rồi đến thắt lưng. Anh và các nhóm thợ hoang mang tột độ. Hình ảnh về kết cục bi thảm đã lởn vởn trong đầu mỗi người.

 

Sau những giây phút khủng khiếp ấy, anh kịp thời trấn tĩnh lại và hiểu rất nhanh thảm hoạ gì đang xảy ra: Bục nước và sẽ bị chôn sống dưới đường lò. 30 phút trôi qua, nước và bùn than tiếp tục dâng cao, không khí dần cạn kiệt vì hệ thống thông gió cung cấp dưỡng khí đã ngừng hoạt động, khiến lồng ngực của mọi người như muốn nổ tung vì thiếu ôxy.

 

"Phải tìm đường sống" -  Nghĩ vậy nên anh Bển cùng 6 đồng nghiệp cố gắng lết từng bước tìm đến đường lò mức 97 (mức cao hơn) để trú chân chờ cứu hộ và tìm dưỡng khí. Khi cả nhóm lết tìm thấy đường lò ấy thì nước cũng tràn lên. 8 giờ đã trôi qua kể từ khi vụ tai nạn xảy ra. Tuyệt vọng, mệt mỏi, một người đã nằm vật dưới bùn than và nước, chấp nhận buông xuôi.

 

Không thể để mình và đồng nghiệp chết một cách dễ dàng như vậy mặc dù vừa đói lại vừa kiệt sức vì lạnh, thiếu dưỡng khí, anh Bển động viên đồng nghiệp tiếp tục lần tìm đường sống trong đường lò tối thui đầy bùn, nước.

 

Ngay sau đó, Bển cùng mọi người dùng tay bới từng vốc bùn than đen kịt đang lấp kín đường lò ấy, lần tìm lên đường lò 135. Khoảng hơn 2h tiếp tục đào bới,  nhóm thợ gặp nạn bới được khoảng 35m đường lò thì thần chết lại như thể trêu ngươi một lần nữa.

 

Phía trước mặt các anh, than, bùn vẫn kín, ken đặc. Không còn đường tiến, cổ họng đã khô rát vì không có nước, tay chân te tua máu vì bới than. Kiệt sức, anh và các đồng nghiệp đều nghĩ rằng sẽ phải buông tay, đón nhận cái chết.

 

Dưỡng khí gần như không còn. Anh cùng mọi người phải úp mặt xuống bùn than, vét từng chút không khí ít ỏi có trong đó, bởi trong than có không khí. (Phần không khí nặng hơn thì chìm ở dưới, còn khí độc thì ở phía trên). Thời gian nặng nề trôi...

 

Tưởng đã an bài, nhưng thêm một lần nữa, khát vọng được sống, phải tìm đường sống bằng mọi giá như ngọn lửa nhỏ sắp lụi tắt bỗng bùng cháy hối thúc nhóm thợ tiếp tục vùng vẫy tìm cơ hội sống. Là thợ lâu năm trong nghề nhất, có kinh nghiệm hơn các đồng nghiệp trẻ tuổi đang chung hoạn nạn, anh Bển  như người cầm lái của con thuyền sắp lật.

 

Không thể để mình và đồng nghiệp chết một cách dễ dàng như vậy được, mặc dù lúc ấy vừa đói vừa kiệt sức vì lạnh, thiếu dưỡng khí, anh động viên đồng nghiệp tiếp tục lần tìm đường sống trong đường lò tối thui đầy bùn nước. Trong đầu anh luôn vang lên câu: Phải sống!!!

 

Anh cố gắng động viên mọi người vắt chút sức lực cuối cùng bới than và bùn, tìm đường quay trở lại đường lò 97 và bới tiếp ra đường lò 105. Anh biết cách khoảng 1.500m trước mặt là cửa lò. Nơi ấy có ánh sáng và không khí của sự sống.

 

Đã hơn 15 giờ  trôi qua trong thảm hoạ, sức lực của anh và nhóm đồng nghiệp gần như đã khô kiệt vì đói, khát, thiếu dưỡng khí. "Còn sức thì còn tìm đường sống" - nghĩ vậy, anh và nhóm thợ vừa nằm sát mặt với bùn than để lấy dưỡng khí, vừa dùng tay bới từng vốc than chuyền tay nhau chuyển ra phía sau.

 

Vừa bới, họ vừa dùng tay gõ vào đường ống dẫn nước để báo hiệu ra ngoài cho lực lượng cứu hộ biết. Cứ thế, nhóm công nhân gặp nạn lần tìm từng centimét trong vô thức để tìm về sự sống. Trên quãng đường đi từ nơi cận kề cái chết ra sự sống ấy, không ít lần một trong các đồng nghiệp của anh lăn ra bất tỉnh vì kiệt sức. Rồi họ đã thành công...

 

Ngày về hạnh phúc

 

Nhớ lại những giây phút kinh hoàng ấy, đến giờ anh Bển cũng không tin nổi là mình và các đồng nghiệp gặp nạn hôm ấy vẫn còn sống. "Với tôi, cuộc sống thật kỳ diệu, tôi đã nhìn thấy cái quan tài mà người ta đã chuẩn bị hậu sự cho mình. Nhưng tôi không phải chui vào đó. Thật kỳ diệu" -  anh Bển cười.

 

Sau lần thoát khỏi vụ tai nạn kinh hoàng ấy, anh và 6 đồng nghiệp được đơn vị cho đi nghỉ dưỡng sức và lên Hà Nội thăm Lăng Bác. Rồi do sức khoẻ bị suy giảm, chỉ còn 61% sau nhiều năm làm nghề và biến cố, anh xin đơn vị cho về nghỉ chế độ mất sức. Giờ, anh ngày ngày cơm nước cho vợ con  trong căn nhà nhỏ, nép mình sau chợ dốc Hà Tu, TP Hạ Long, Quảng Ninh.

 

Chị Phạm Thị Tuyết, vợ anh, nhớ lại cái ngày mà mười phần thì chị xác định đã mất chồng tới chín phần ấy, vẫn nghe bàng hoàng. Chị kể, nghe tin anh gặp nạn mà bủn rủn chân tay. Khi anh đang đấu tranh với thần chết ở dưới thì trên cửa lò, chị nhiều lần ôm đứa con gái lớn và ngất lịm vì tuyệt vọng.

 

Hôm ấy, sau hơn 10 giờ đồng hồ chờ đợi trong tuyệt vọng, gia đình và người thân đã dựng rạp, đưa di ảnh của anh lên bàn thờ. “Nhưng điều kỳ diệu ấy đã đến với anh ấy, với tôi và hai con gái. Khoảng 7h tối cùng ngày, ngoài trời mưa vẫn tầm tã, tôi đã gần như tuyệt vọng thì nghe thấy tiếng hô của ai đó: Thấy rồi, còn sống”, chị Tuyết kể trong nghẹn ngào hạnh phúc.

 

"Chút nữa em lỡ mất một mối tình"

 

Phải khó khăn lắm tôi mới tìm được chỗ ở của anh Đỗ Ngọc Chuyển, một trong những người thợ mỏ đã may mắn thoát khỏi tử nạn trong vụ tai nạn khủng khiếp ấy cùng anh Nguyễn Văn Bển. Đêm ở thành phố bên vịnh biển xuống mau, tôi tìm vào khu tập thể nghèo dành cho những gia đình thợ mỏ của Cty than Hạ Long, tổ 23, khu 2, phường Hà Phong, TP Hạ Long, Quảng Ninh.

 

Khu tập thể là một dãy nhà cấp 4, chật hẹp và ẩm thấp. Đang ngồi bên mâm cơm đạm bạc cùng bố mẹ, anh Chuyển buông bát đĩa và tiếp chuyện chúng tôi.
 
Gặp lại những người trở về từ cõi chết - 2

Chuyển và mẹ

 

Anh nhớ lại lần thoát nạn kỳ tích: "Đấy là một may mắn của chúng em. Hôm ấy, khi đứng giữa lằn ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, trong em dâng lên khát vọng sống mãnh liệt hơn khi nào hết. Bởi em hiểu lúc ấy nếu đầu hàng với số phận có nghĩa là chấp nhận cái chết".

 

Chuyển năm nay 27 tuổi, mới vào nghề được vài năm thì gặp vụ tai nạn. Trong khi phải đối mặt với cái chết, người mà anh nghĩ đến nhiều nhất là bố mẹ. Bố anh cũng là thợ mỏ, sau nhiều năm công tác, nhiều lần gặp phải tai nạn hầm lò, sức khoẻ ông đã suy sụp và cuối cùng ông cũng phải bỏ dở cuộc đời làm thợ của mình khi tuổi vừa ngoài 50.

 

Giờ sức khoẻ của ông rất yếu. Mẹ, người phụ nữ nhỏ bé có gánh nổi mất mát quá lớn nếu mất mình? Những ý nghĩ ấy cứ ám ảnh anh trong những lúc anh muốn buông xuôi số mệnh vì kiệt sức và tuyệt vọng. Cũng như gia đình các công nhân gặp nạn hôm ấy, sau gần 16 giờ đồng hồ chờ đợi cứu hộ trong vô vọng, gia đình anh cũng đã chuẩn bị hậu sự cho anh.

 

Họ không nghĩ, không thể tin anh còn sống sau ngần ấy thời gian bị vùi lấp trong đường lò. Nhưng điều kỳ diệu nhất đã xảy ra, anh đã may mắn thoát nạn sau nhiều giờ đồng hồ cùng các đồng nghiệp vắt đến cùng kiệt sức lực của mình, cố gắng bới từng vốc than đào đường tìm đến sự sống.

 

Mẹ anh, hôm ấy như hoá tượng khi thấy những người cứu hộ lôi anh lên khỏi hầm lò sâu hun hút.  Hạnh phúc quá lớn đối với người mẹ. Bởi trong ý nghĩ của bà, mọi hy vọng gần như đã tắt lịm. Hạnh phúc thật kỳ diệu.

 

Một người phụ nữ khác hôm ấy cũng hạnh phúc không kém, đó là bạn gái của anh. Chuyển bảo, đến ngày gặp tai nạn anh và bạn gái đầu đời của mình mới kịp ngỏ lời yêu nhau chưa đầy tháng. Ý nghĩ người con gái ấy đang đứng đợi anh ngoài cửa lò, cũng thôi thúc anh gắng gượng tiếp tục đào bới đường lò đặc quánh than và bùn để tìm sự sống. "Chỉ chút nữa thôi em lỡ mất một mối tình", Chuyển cười, đầy hạnh phúc.

 

Theo Hà Thiều
Gia đình & Xã hội