1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nghệ An:

Gần 8.900 hộ nghèo tham gia bảo vệ rừng được hỗ trợ gạo

Hoàng Lam

(Dân trí) - Gần 8.900 hộ nghèo tự nguyện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng tại 4 huyện miền núi cao của tỉnh Nghệ An sẽ được hỗ trợ gạo. Số gạo hỗ trợ cho đối tượng này trong 2 năm là hơn 11.100 tấn.

UBND tỉnh Nghệ An vừa phê duyệt Đề án kéo dài chính sách hỗ trợ gạo cho hộ nghèo nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng giai đoạn 2021-2022. Đề án này áp dụng cho hộ nghèo đang cư trú hợp pháp tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông và Quế Phong.

 Gần 8.900 hộ nghèo tham gia bảo vệ rừng được hỗ trợ gạo - 1
Một hộ dân ở huyện Quế Phong chăm sóc khu vực rừng nhận khoanh nuôi (ảnh T.Thanh).

Trước đó, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tự nguyện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trong thời gian chưa tự túc được lương thực trên địa bàn 4 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông và Quế Phong được hỗ trợ gạo theo Quyết định 2345/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện chính sách này không chỉ tăng hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ và tăng diện tích rừng ở các địa phương mà còn góp phần đẩy nhanh tiến trình xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, miền núi. Từ năm 2016 tới nay, tỉ lệ hộ nghèo ở 4 huyện trên giảm từ hơn 13% đến gần 24%.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, Quyết định 2345/QĐ-TTg hết hiệu lực.

Để thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ lương thực kịp thời cho các hộ dân tự nguyện nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng thay thế nương rẫy, góp phần ổn định và cải thiện cuộc sống cho nhân dân vùng miền núi, tỉnh Nghệ An đã xây dựng đề án kéo dài chính sách hỗ trợ gạo cho đối tượng này trong giai đoạn 2021-2022.

Theo thống kê, hiện có 8.899 hộ nghèo với 40.464 nhân khẩu thuộc 4 huyện miền núi trên đang tham gia bảo vệ gần 60.000 ha rừng.

Thực hiện Đề án trên, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Thủ tướng Chính phủ xuất cấp 11.146 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia (không thu tiền) để hỗ trợ cho hộ nghèo tự nguyện nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Một khẩu được hỗ trợ 15kg gạo/tháng, mỗi năm cấp thành 2-4 đợt.

UBND tỉnh Nghệ An cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho UBND các huyện, Sở NN&PTNT, Sở Tài chính rà soát, tổ chức thực hiện đảm bảo đúng đối tượng, đúng số lượng và thời gian theo quy định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm