1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Gần 30 người chết và mất tích, hàng trăm tỷ đồng trôi theo lũ

(Dân trí) - Quảng Bình là tỉnh thiệt hại lớn nhất về người, với 14 người chết. Thiệt hại về kinh tế là rất lớn sau đợt mưa lũ lịch sử ở Miền Trung.

Tính đến 19 giờ ngày 5/10, Quảng Bình đã có 14 người chết vì mưa lũ, trong đó đáng chú ý là vụ chìm tàu Huy Hoàng (chưa rõ đơn vị chủ quản) chở xi-măng ở cửa biển Gianh khiến cả 5 người trên tàu thiệt mạng.

Đến 17 giờ chiều nay, nước trên các sông Gianh và Kiến Giang sau khi vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1985 đã bắt đầu rút chậm, nhưng vẫn ở mức cao trên báo động 3 từ 0,6 đến 1m. Hiện toàn tỉnh có 35.500 hộ dân bị ngập sâu trong nước, trong đó có 4.000 hộ phải di dời đến nơi an toàn.
Gần 30 người chết và mất tích, hàng trăm tỷ đồng trôi theo lũ - 1
6/7 huyện của Quảng Bình bị lũ tấn công

6/7 huyện đều bị lũ tấn công, riêng thành phố Đồng Hới đã bị ngập nhiều đoạn, các tuyến đường chính ở cửa ngõ thành phố đều bị ngập khiến giao thông tắc nghẽn. 8 đoàn tàu với khoảng 1.100 khách và hàng nghìn phương tiện đường bộ bị mắc kẹt tại Quảng Bình. 9 xã vùng nam Quảng Trạch và xã Tân Hóa bị cô lập hoàn toàn, công tác cứu trợ gặp khó khăn.

Hiện Quân khu 4, Hải quân vùng 3 và Binh chủng phòng không - không quân đã cử máy bay trực thăng, canô, tàu lớn để phục vụ công tác cứu trợ dân và tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Tại Quảng Trị, đợt mưa, lũ trong những ngày qua đã gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế đối với người dân tỉnh Quảng Trị. Để giúp dân vượt qua khó khăn,  ổn định đời sống, Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương trình Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 1.500 tấn gạo và 3.000 phao áo cứu sinhđể ứng cứu cho người dân vượt qua khó khăn.
Gần 30 người chết và mất tích, hàng trăm tỷ đồng trôi theo lũ - 2
Lũ cô lập nhiều khu dân cư

Toàn tỉnh đến thời điểm này đã có 3 người chết, trong đó có một trẻ em sinh năm 2008 (quê ở thôn Lương Điền, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng) do gia đình bất cẩn trong khi bận sắp xếp đồ đạc nên không chăm sóc dẫn đến em bé rơi xuống nước chết đuối. Có 2 người mất tích, đến nay vẫn chưa xác định được danh tính.

Theo báo cáo mới nhất, đến chiều tối ngày 5/10, Hà Tĩnh đã có 6 người chết, thiệt hại ước tính hơn 300 tỷ đồng

Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 7.200 nhà bị ngập, 1.800 ha rau màu các loại bị ảnh hưởng. Đặc biệt, đường Hồ Chí Minh đã sạt taluy tại 39 vị trí, với 20.097 m3 đất đá.

Tại nhiều điểm trên Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49A - B đã bị xói lở lề đường, sạt lở, hư mặt đường nặng. Ngoài ra, hệ thống đường đô thị, vành đai, đường tỉnh lộ, đường liên huyện, đường bê tông liên thôn cũng bị hư hại và xói lở nhiều…Riêng đường sông đã có 30 biển báo bị hư hỏng, trôi.

Tổng thiệt hại toàn tỉnh ước tính là 42,458 tỷ đồng.

Nhằm sớm khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống nhân dân trong vùng thiệt hại, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương xem xét hỗ trợ khẩn cấp những dụng cụ thiết yếu trong những đợt lụt bão sắp tới như: hỗ trợ 1.000 tấn gạo; 10 tấn mỳ tôm để giải quyết cho nhân dân trong vùng bị ngập lụt; 1000 phao áo phục vụ cứu hộ, cứu nạn và di dời dân.

Đồng thời, tỉnh cũng xin được hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn: 02 tàu 240CV chạy bằng dầu dilzen và 07 ca nô cao tốc 85CV.

UBND tỉnh TT- Huế cũng ban hành Quyết định trợ giúp đột xuất (một lần) từ nguồn ngân sách nhà nước cho các hộ gia đình gặp khó khăn do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, hộ có người chết, mất tích được hỗ trợ 4.500.000 đồng/người chết, mất tích; Hộ có người bị thương nặng phải đưa vào bệnh viện hoặc các Trung tâm y tế các huyện, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế chữa trị: 1.500.000 đồng/người bị thương nặng.

Hộ có nhà bị đổ, sập, trôi, cháy hoặc phải di dời nhà khẩn cấp đến nơi ở mới: 6.000.000 đồng/hộ. Đối với các hộ có nhà bị hư hỏng nặng thì tùy theo mức độ thiệt hại và khả năng tận dụng lại những vật liệu, tài sản để xây dựng, sửa chữa lại nhà ở mà hỗ trợ.

Ngoài ra, Quyết định cũng quy định 2 phương thức, hình thức hỗ trợ: hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.

 

Đà Nẵng điều máy bay trực thăng cứu trợ người dân vùng lũ
Chiều ngày 5/10, Trung đoàn trực thăng 954, thuộc Sư đoàn 372 cho biết: Trực thăng mang số hiệu Mi17 - 8411 do thượng tá Nguyễn Việt Hùng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 954 làm cơ trưởng đã cất cánh từ sân bay Đà Nẵng lên đường cứu trợ người dân vùng lũ.
Gần 30 người chết và mất tích, hàng trăm tỷ đồng trôi theo lũ - 3
Trực thăng cứu trợ của Trung đoàn C54 lên đường đi cứu trợ người dân vùng lũ (ảnh CTV).
 
Trực thăng Mi17 - 8411 mang theo hơn 1 tấn mì tôm, phao cứu sinh, cùng phương tiện cấp cứu và đoàn cán bộ gồm 8 cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 372 do đại tá Nguyễn Văn Định, Tham mưu trưởng Sư đoàn 372 làm chỉ huy lập trạm cứu trợ người dân bị thiệt hại do mưa lũ.
 
Đây là chuyến bay phối hợp tác chiến của Sư đoàn 372 với Quân khu 4 tiến hành cứu trợ người dân vùng lũ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị...
 
Nhóm phóng viên
Dòng sự kiện: Mưa lũ ở miền Trung