1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Gần 100 tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Đông Nam

Nguyễn Phê

(Dân trí) - UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt kế hoạch thực hiện điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Đông Nam Nghệ An đến năm 2040.

Kế hoạch này của tỉnh Nghệ An nhằm cụ thể hóa nội dung của đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam Nghệ An đến năm 2040, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/2/2023.

Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho KKT Đông Nam Nghệ An giai đoạn 2023-2028 là hơn 60 tỷ đồng cho công tác lập quy hoạch; khoảng 96 tỷ đồng cho các dự án đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật khung.

KKT Đông Nam Nghệ An sẽ có diện tích gần 21.000ha.

Khu vực 1 gồm 10 xã thuộc huyện Nghi Lộc, 6 xã thuộc huyện Diễn Châu và 2 phường của thị xã Cửa Lò.

Khu vực 2 gồm toàn bộ diện tích Khu công nghiệp Hoàng Mai và Khu công nghiệp Đông Hồi thuộc thị xã Hoàng Mai. 

Gần 100 tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Đông Nam - 1

Hạ tầng trong Khu kinh tế Đông Nam ở Nghệ An ngày càng hoàn thiện (Ảnh: Nguyễn Phê).

Khu vực 3 gồm toàn bộ diện tích Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An (thuộc xã Hưng Đạo, xã Hưng Tây và thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên), cùng xã Hưng Chính (thành phố Vinh).

Tỉnh Nghệ An đưa ra một số giải pháp huy động nguồn lực cho KKT Đông Nam, gồm: Tối ưu hóa vốn ngân sách Trung ương để đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, phối hợp với các bộ, ngành để bổ sung nguồn lực thực hiện các định hướng phát triển lớn của tỉnh.

Một giải pháp khác của Nghệ An là tạo nguồn thu bền vững để cân đối ngân sách địa phương và đầu tư vào các công trình hạ tầng kỹ thuật; khuyến khích thu hút vốn ODA và đẩy mạnh đầu tư PPP cho các công trình hạ tầng trọng điểm, góp phần lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án hiệu quả.

UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Ban Quản lý KKT Đông Nam là cơ quan chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện kế hoạch, theo dõi và báo cáo kịp thời các vấn đề phát sinh. 

Các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng được yêu cầu thực hiện đúng quy hoạch, đảm bảo tiến độ và hiệu quả các dự án, tích cực thu hút đầu tư thứ cấp để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và tăng thu ngân sách địa phương.