Ga tàu điện có “làm hại” cảnh quan quanh hồ Gươm?
(Dân trí) - Sở QHKT Hà Nội cho rằng, đặt ga C9 của tuyến đường sắt đô thị trên đường Đinh Tiên Hoàng (phía trước EVN Hà Nội) là hợp lý, giảm thiểu tác động di tích hồ Gươm. Tuy nhiên, nhiều kiến trúc sư lo ngại ga ảnh hưởng đến không gian kiến trúc quanh hồ...
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc (QHKT) Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo là dự án đầu tư trọng điểm quốc gia sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản. Quá trình xác định tính khả thi của dự án, các phương án về hướng tuyến đường sắt, địa điểm quy hoạch của các ga ngầm, trong đó có ga gầm C9 đã được Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội và đơn vị tư vấn nghiên cứu chi tiết dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố. Ngay từ năm 2008, UBND thành phố đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, theo đó vị trí ga C9 đặt tại vườn hoa trước đền Ngọc Sơn gần khu vực đền Bà Kiệu.
Đến tháng 10/2012, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội báo cáo quá trình lựa chọn, điều chỉnh địa điểm quy hoạch ga C9 từ vị trí đặt tại vườn hoa trước đền Ngọc Sơn gần khu vực đền Bà Kiệu sang địa điểm quy hoạch trước khu đất của Tổng Công ty điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội).
Ông Tuấn cho hay việc chuyển địa điểm này theo căn cứ của đoàn nghiên cứu dự án “Phát triển đô thị gắn kết với phát triển vận tải đô thị khối lượng lớn, tốc độ cao” - (HAIMUD) do UBND thành phố dưới sự hỗ trợ của JICA triển khai. Theo đó, đoàn nghiên cứu HAIMUD đã phân tích ba địa điểm quy hoạch ga C9. Phương án A, vị trí ga đặt tại vườn hoa trước đền Ngọc Sơn gần khu vực đền Bà Kiệu; Phương án B, cách vị trí ga đã đề xuất trong báo cáo nghiên cứu khả thi 60m về phía Nam, nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước EVN Hà Nội; Phương án C, cách vị trí ga đã đề xuất trong báo cáo nghiên cứu khả thi 185m về phía Bắc, nằm dưới khu phố cổ bao gồm cả nhà hát múa rối Thăng Long.
Dựa trên kết quả so sánh, đánh giá ba phương án nêu trên và kiến nghị của đoàn nghiên cứu HAIMUD, Ban chỉ đạo dự án HAIMUD đề xuất lựa chọn phương án B - là phương án hợp lý nhất đặt ga C9. Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Dương Đức Tuấn cho rằng, lý do đặt ga C9 tại khu vực này sẽ giảm thiểu tác động và bảo tồn khu vực di tích của hồ Gươm (gồm cả Tháp Bút và đền Bà Kiệu) hơn phương án A. Hơn nữa, đặt ga tại vị trí này du khách có khả năng tiếp cận thuận tiện vườn hoa Lý Thái Tổ, Bưu điện Thành phố và khu phố thương mại Tràng Tiền. Ông Tuấn cũng chỉ ra nhược điểm của phương án C về mặt kỹ thuật sẽ không đảm bảo bán kính cong cho vận hành đoàn tàu và phải di dời rất nhiều hộ dân trong khu vực phố cổ kém khả thi.
Nhà ga có “làm hại” cảnh quan quanh hồ?
Tuy nhiên, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, đây là không gian tâm linh, không gian lễ hội và là trung tâm hành chính, chính trị của thành phố, do vậy cần tìm địa điểm thích hợp hơn để đặt ga C9. “Cầm phải xem xét một cách tổng thể, bởi khu vực này là không gian lễ hội, không gian xanh… Vậy, đặt nhà ga ở vị trí này có hợp lý không?”, KTS Đào Ngọc Nghiêm băn khoăn.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm không nên chỉ lựa chọn ba địa điểm đặt nhà ga ở khu vực này như các bên đưa ra. Bởi ở đây còn có những vị trí khác hợp lý hơn phát triển được giao thông nhưng vẫn bảo vệ được cảnh quan hồ Gươm.
Vấn đề KTS Đào Ngọc Nghiêm lo ngại nhất là việc nhà ga sẽ “làm hại” cảnh quan quanh hồ. “Không gian kiến trúc cảnh quan, xung quanh hồ Gươm là những công trình của nhiều thời đại, nhiều giai đoạn lịch sử. Vậy thì, bản thân hình thức của nhà ga này có phù hợp với cái đặc trưng truyền thống của không gian hồ Gươm không. Trước đây, đã nhiều công trình phải sửa đi sửa lại, như tòa nhà Cá Mập, khách sạn Vàng, và cả trụ sở UBND thành phố cũng cần sửa nhưng hiện nay chưa sửa. Nhiều công trình trước đước đây đề xuất ra cũng đã không được xây dựng kể cả công trình công cộng do nhân dân không tán thành…”, KTS Đào Ngọc Nghiêm lo ngại.
Nhà ga C9 có làm ảnh hưởng đến không gian kiến trúc quanh hồ Gươm? (Ảnh: Việt Hưng)
Là KTS nhiều tâm huyết với Hà Nội, ông Trần Trọng Hanh cũng cho rằng việc đặt nhà ga C9 ở khu vực đã được phê duyệt không được đẹp. “Đây là vấn đề hội đồng quy hoạch - kiến trúc xem xét nhiều lần, và cho rằng nên đưa ga về phía EVN là tốt nhất nhưng không lấy được đất”, KTS Trần Trọng Hanh nói.
Việc đặt ga phục vụ du khách quanh hồ Gươm, theo KTS Trần Trọng Hanh là cần thiết nhưng phải tính toán kỹ vì đây là khu vực thu hút rất đông người ra vào. Quá trình xây dựng ga cũng phải được làm bằng công nghệ tốt nhất để không ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường quanh hồ Gươm.
Toàn tuyến đường sắt đô thị số 2 có tổng chiều dài 11,5km, trong đó có 8,5km ngầm và 3km trên cao. Dự kiến, năm 2017 tuyến sẽ có bốn toa tàu, sau năm 2017 sẽ tăng lên sáu toa, tới năm 2020 tàu sẽ vận chuyển khoảng 535.000 lượt hành khách mỗi ngày. Tuyến đường sắt đô thị số 2 xuất phát từ Nam Thăng Long (khu đô thị Ciputra), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng qua khu vực phố cổ (Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào) tới phố Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc ở đường Trần Hưng Đạo. |
Quang Phong