F0 đi làm, sao để không lây bệnh cho người khác?

Quang Phong

(Dân trí) - Theo PGS Trần Đắc Phu, F0 đi làm cần phải tuân thủ triệt để nguyên tắc 5K để không lây bệnh cho người khác. Nếu chủ quan, chỉ một F0 sẽ lây bệnh cho cả cơ quan, xí nghiệp, dẫn đến thiếu hụt lao động.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, đề xuất cho F0 không triệu chứng đi làm hoàn toàn hợp lý trong điều kiện số ca mắc Covid-19 cao như hiện nay.

Nới lỏng nhưng không "buông trôi" dịch

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, số ca F0 tăng cao ở nhiều tỉnh thành. Với tỷ lệ người dân được tiêm vaccine cao như hiện nay, việc F0 tăng như vậy có đáng lo ngại không, thưa ông?

- Sau Tết Nguyên đán ca F0 tăng cao vì các hoạt động được nới lỏng. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá lo lắng vì điều này. Bởi dịch bệnh hiện nay vẫn kiểm soát được, số ca chuyển nặng không nhiều, tỷ lệ ca bệnh không triệu chứng lớn. Và đặc biệt là số người mắc bệnh dẫn đến tử vong ngày càng giảm so với trước đây.

Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta không nên chủ quan. Chúng ta nới lỏng nhưng không được buông trôi dịch bệnh. Bởi nếu để tỷ lệ mắc bệnh cao quá thì hệ thống y tế sẽ bị quá tải, dẫn đến không kiểm soát được dịch bệnh. Cụ thể, nếu nhiều người có bệnh nền, người già, người chưa được tiêm vaccine… mắc bệnh, chuyển nặng, trong khi hệ thống y tế quá tải thì những người cần sẽ không được can thiệp y tế, rất dễ dẫn đến tử vong.

F0 đi làm, sao để không lây bệnh cho người khác? - 1

PGS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

Với tâm lý "rồi ai cũng trở thành F0", nhiều người có những chủ quan trong phòng chống dịch. Ông có ý kiến gì về tình trạng này?

- Tôi cho rằng nhận thức "ai rồi cũng trở thành F0" là hoàn toàn sai lầm. Bởi dù được tiêm vaccine đầy đủ, khi mắc bệnh, không phải ai cũng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Trong khi đó, vẫn có những trường hợp dù đã được tiêm vaccine nhưng khi mắc bệnh, bệnh chuyển nặng, diễn biến nhanh dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, việc "thành F0" còn là trở thành nguồn lây bệnh cho người khác, đặc biệt là lây cho những người bị bệnh nền, người già, đối tượng chưa được tiêm vaccine.

Nếu "ai rồi cũng sẽ trở thành F0" thì số người mắc bệnh cao quá, rất dễ dẫn đến việc dịch bệnh bùng phát không kiểm soát được. Điều này gây quá tải hệ thống y tế, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao.

Đặc biệt, vẫn có nhiều trường hợp F0 khỏi rồi lại tái nhiễm, dù chúng ta chưa biết được tỷ lệ tái nhiễm là bao nhiêu. Bên cạnh đó, nhiều F0 còn gặp phải tình trạng hậu Covid-19.

Vậy nên tuyệt đối không được chủ quan, buông trôi dịch bệnh.

"Đề xuất F0 được đi làm là phù hợp"

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, Bộ Y tế đưa ra đề xuất cho F0 không có triệu chứng đi làm và chỉ cách ly đối với F1 chưa tiêm vaccine. Ông nhìn nhận thế nào về đề xuất này?

- Đề xuất này hoàn toàn hợp lý trong điều kiện số ca mắc Covid-19 cao như hiện nay. Có nhiều F0 không có triệu chứng nên họ vẫn có thể làm việc online hoặc đến chỗ làm làm việc với một số ngành nghề, vị trí công việc cụ thể. Điều này phụ thuộc vào đặc thù lao động của từng cơ quan, xí nghiệp, chứ không phải F0 nào cũng có thể đi làm.

Tuy nhiên, với F0 đi làm cần phải áp dụng triệt để các biện pháp phòng bệnh (thông điệp 5K) để không lây lan cho người khác. Bởi nếu chủ quan, chỉ một F0 có thể lây bệnh, làm cả cơ quan trở thành F0, sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt lao động. Với người bệnh, phải thường xuyên theo dõi sức khỏe của mình. Việc này cũng cần thống nhất giữa cơ quan, doanh nghiệp với F0.

F0 đi làm, sao để không lây bệnh cho người khác? - 2

Theo PGS Trần Đắc Phu, với F0 đi làm cần phải áp dụng triệt để các biện pháp phòng bệnh.

Cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 mới đây, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, tỉnh thành không chủ quan lơ là với dịch bệnh, nhưng cũng phải từng bước "bình thường hóa" dịch Covid-19. Theo ông, đến khi nào có thể coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, như cúm mùa?

- Trước sau gì thì Covid-19 cũng trở thành một bệnh truyền nhiễm đặc hữu như cúm nhưng hiện tại thì chưa thể coi đây là bệnh đặc hữu vì chưa đánh giá hết được rủi ro của Covid-19.

Hơn nữa, biến thể Omicron lây lan rất nhanh, nếu thả nổi không có kiểm soát thì nguy hiểm, nhất là ở một số địa phương tỷ lệ tiêm vaccine chưa cao cũng như hệ thống y tế cơ sở chưa chuẩn bị kịp để đáp ứng với khả năng thu dung, điều trị cho trường hợp nặng. 

Để coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, cần có các yếu tố như độ ổn định ca nhiễm, khả năng miễn dịch cộng đồng (gồm miễn dịch tự nhiên và độ bao phủ vaccine), tỷ lệ ca tử vong, khả năng đáp ứng y tế và nguy cơ tác động nguy hiểm tới sức khỏe, đời sống xã hội. Ở thời điểm hiện tại, Covid-19 vẫn có nguy cơ gây quá tải hệ thống y tế, do vậy vẫn chưa thể xem đây là bệnh truyền nhiễm thông thường.

Báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ Y tế đề cập đến việc người nhiễm SARS-CoV-2 (F0) không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly tự nguyện tham gia làm việc.

Bộ Y tế đề xuất các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện các công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; hoặc được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh Covid-19 phù hợp với nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện nghiêm thông điệp 5K.

Đối với những người được bố trí thực hiện các công việc tại các cơ sở điều trị bệnh Covid-19 phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ theo quy định, thường xuyên theo dõi sức khỏe, xét nghiệm SARS-CoV-2; không được chăm sóc hoặc tiếp xúc với những người bệnh bị suy giảm miễn dịch hoặc có nguy cơ cao (người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người trên 50 tuổi).

Các trường hợp trên được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.