1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

EU sẽ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường

(Dân trí) - Tiến sĩ Franz Jessen, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam khẳng định, EU không có bất cứ sự do dự nào trong việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Điều quan trọng là Việt Nam cần đáp ứng được 5 tiêu chí kỹ thuật mà EU đề ra.

Chiều ngày 29/1, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-EU (1990-2015).

EU sẽ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường

Tiến sĩ Franz Jessen, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam trong buổi họp báo

Trước câu hỏi của phóng viên về việc tại sao cho đến nay EU vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, Đại sứ Franz Jessen nói, EU không hề có bất cứ sự do dự nào trong việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, tuy nhiên, Việt Nam cần đáp ứng được 5 tiêu chuẩn kỹ thuật mà EU đề ra.

Theo ông Jessen, “Nền kinh tế Việt Nam có nhiều thay đổi tích cực trong thời gian gần đây và chính phủ Việt Nam đã hết mình để có được sự chuyển biến ấy. Tuy nhiên, để thỏa mãn được các tiêu chí kỹ thuật phải cần thời gian, chứ không phải trong một sớm một chiều.”

Ông hy vọng rằng khi kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) cũng là lúc Việt Nam đạt được những thành quả để khẳng định mình là nền kinh tế thị trường.

Đại sứ Franz Jessen cho biết, quá trình đàm phán Hiệp định FTA đến nay diễn ra khá suôn sẻ. Vấn đề còn tồn tại ở đây chỉ là khác biệt giữa sự kỳ vọng của EU và Việt Nam vào sự hình thành của Hiệp định FTA. Hai bên hiện đang nỗ lực làm việc cùng nhau để giải quyết vấn đề và cũng đã có những biến chuyển căn bản về thiện chí của hai bên.

Tuy nhiên, ông Jessen cũng cho rằng, "hiện tại nền kinh tế Việt Nam đang ở ngưỡng rất dễ bị rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình nên đã đến lúc chính phủ Việt Nam cần có những bước đi táo bạo hơn để đạt được sự phát triển cao hơn trong những năm tới."

Theo ông Jessen, Việt Nam và EU cần hợp tác chặt chẽ trong một số lĩnh vực như mua sắm chính phủ hay cách thức sử dụng nguồn quỹ minh bạch. Điều này rất quan trọng vì khi tiền của người dân được sử dụng minh bạch, sẽ giúp mang lại hiệu quả cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần chú ý nâng cao tính hiệu quả của mạng lưới phân phối hàng hóa để làm sao đem lại cho người tiêu dùng những hàng hóa có giá cả phù hợp hơn, đặc biệt là những hàng nhập khẩu.

Quan hệ Việt Nam-EU khăng khít hơn bao giờ hết

Đại sứ Franz Jessen nhận định rằng, “chưa bao giờ mối quan hệ EU-Việt Nam lại khăng khít và tốt đẹp như bây giờ, tạo ra những cơ hội mới cho hai bên trên các lĩnh vực có thể. Quan hệ Việt Nam-EU đã phát triển một cách mạnh mẽ từ hướng tập trung ban đầu là cung cấp viện trợ, tới mối quan hệ Đối tác sâu rộng và toàn diện hơn bao gồm cả đối thoại chính trị và hợp tác kinh tế chặt chẽ.”

Logo kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại
giao Việt Nam-EU

Logo kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-EU

Trong thời gian qua, Việt Nam và EU đã làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác song phương bằng Hiệp định Khung Hợp tác năm 1995 và mới đây là Hiệp định Khung về Đối tác và Hợp tác Toàn diện (PCA) năm 2012. Tính đến năm 2015, 20 trong tổng số 28 nước thành viên của EU đã thành lập Cơ quan đại diện ngoại giao tại Hà Nội, phản ánh vị thế chính trị quan trọng của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á.

Theo tinh thần này, EU sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu trong Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội. Việc tăng đáng kể khoản viện trợ không hoàn lại, từ 300 lên 400 triệu euro trong giai đoạn 2014-2020 dành cho Việt Nam, bất chấp bối cảnh chính sách tài khóa thắt chặt tại Châu Âu, là minh chứng rõ ràng cho những cam kết đó. Cho đến nay, EU cùng các quốc gia thành viên của mình đã trở thành nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam.

Theo Đại sứ Franz Jessen, để kỷ niệm 25 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, một chuỗi hoạt động ngoại giao nhân dân đa dạng sẽ được tổ chức xuyên suốt năm 2015 tại Việt Nam. Trong đó có các sự kiện dành cho giới trẻ, các diễn đàn công chúng với các học giả đến từ Châu Âu, Liên hoan phim và Liên hoan âm nhạc, cùng các hội nghị, hội thảo…

Nam Hằng