Đường "treo" 12 năm: Dân ngăn thi công vì bồi thường chưa thỏa đáng?
(Dân trí) - Liên quan đến tuyến đường Giá Rai - Phó Sinh đoạn qua địa bàn huyện Giá Rai (Bạc Liêu) xây hơn 12 năm chưa xong, người dân khẳng định đất đều là họ hiến nên không có chuyện “kẹt” mặt bằng.
Sau hơn 7 tháng báo Dân trí có bài phản ánh về tuyến đường Giá Rai- Phó Sinh dài 16km xây hơn 12 năm chưa xong, đến nay (13 năm) công trình này vẫn còn lắm ngổn ngang và chưa biết khi nào mới hoàn thành. Trong đó, bức xúc nhất là đoạn qua địa bàn ấp 21 thuộc xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu) chỉ còn chừng 3km nhưng việc xây dựng các cầu Lẫm Cháy, Ranh Hạt và các tuyến đường dẫn lên cầu vẫn diễn ra một cách ì ạch.
Ngày 15/4, PV Dân trí trở lại tuyến đường này ghi nhận cho thấy tình trạng khu vực các cầu bỏ hoang là cầu Lẫm Cháy và cầu Ranh Hạt (huyện Giá Rai) có thay đổi chút ít là các cầu được bắc qua sông và đường dẫn lên cầu đã được đổ đất, cát trông thoáng hơn cách đây 7 tháng; trong khi đó cầu Một Ngàn (huyện Phước Long) vẫn còn “dậm chân tại chỗ”.
Theo người dân cho biết, đơn vị thi công trước Tết Nguyên đán 2014 cho đổ đất, cát để làm đường lên cầu nên người dân có thể tạm thời qua lại được, không cần sử dụng cầu tạm bằng cây. Tuy nhiên, việc đi lại cũng gặp nhiều khó khăn do đường bị sụp lún, các xe máy phải bường rướng hết sức vất vả. “Tui không hiểu sao từ trước Tết mấy ổng cho đổ đất cát đó rồi chẳng làm gì nữa nên người dân chúng tôi đi lại khó khăn lắm. Công trình này cứ lúc làm lúc không chẳng biết bao giờ mới xong cho được”, một người dân ngao ngán nói.
Khi tiếp xúc với PV Dân trí, một số người dân còn cho hay là “nghe mấy ông trên tỉnh nói công trình này còn vướng mặt bằng nên xây dựng chưa được”. Tuy nhiên, người dân cho biết, mặt bằng tuyến đường toàn bộ đều do người dân hiến đất, cây cối để làm chứ không nhận bất cứ một đồng tiền bồi hoàn. Do đó, mặt bằng làm đường luôn trống để có thể xây dựng bất cứ lúc nào.
Một số hộ dân thẳng thắn cho biết, do trong quá trình xây dựng cầu Ranh Hạt và Lẫm Cháy (chủ yếu là đóng các trụ, mố cầu) đã làm nứt, hư hỏng nhà cửa của họ nhưng không được bồi thường thỏa đáng nên họ ngăn cản không cho thi công tiếp.
Bà Ngô Thị Trường (nhà cách cầu Ranh Hạt chừng hơn 10m), cho biết, bà được bồi thường hơn 32 triệu đồng tiền hư hại nhà cửa. Theo bà Trường, số tiền bồi thường này là không thỏa đáng so với thiệt hại của bà. “Nhà tôi hầu như bị nứt hết tôn, tường, nền, sụp lún nhưng bồi thường với số tiền đó thì tôi không thể sửa chữa được. Căn nhà tôi cất kế bên cũng bị hư hại nhưng không được bồi thường. Tôi có làm đơn yêu cầu xem xét bồi thường thêm nhưng cho đến nay vẫn không ai giải quyết. Nếu không xem xét thỏa đáng, tôi sẽ tiếp tục ngăn cản không cho thi công nữa”, bà Trường bức xúc.
Hộ của ông Hồ Văn Vĩnh được bồi thường khoảng 15 triệu đồng. Hộ này cũng cho rằng, số tiền bồi thường là quá ít, trong khi đó phần sàn bằng ximăng trước nhà cặp mé sông vừa mới làm khoảng 1 tháng bị hư hại bởi chấn động của việc xây cầu Ranh Hạt nhưng cũng không được bồi thường.
Còn hộ bà Ngô Thanh Lam và hộ ông Nguyễn Văn Công (nhà kề bên cầu Ranh Hạt) là hai trong nhiều hộ chịu thiệt hại nặng nề nhất. Trong đó, bà Lam được bồi thường hơn 42 triệu đồng, ông Công được khoảng 19 triệu đồng. Tình trạng nhà của các hộ này bị hư hại rất nặng như sụp nền, nứt tôn, cột, hỏng toàn bộ chân tường…Theo các hộ này, việc bồi thường quá ít, thậm chí hộ ông Công không dám ở nhà nữa mà phải qua nhà người bà con ở tạm vì sợ nhà sập.
Trong khi đó, tại đoạn cầu Lẫm Cháy, một số hộ dân ngăn cản thi công cũng vì số tiền bồi thường thiệ thại nhà cửa của họ là chưa thỏa đáng. Tình trạng hư hại nhà cửa của một số hộ như hộ bà Nhiễm cũng tương tự các hộ ở cầu Ranh Hạt.
Trước những phản ánh trên, ngày 15/4, trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo UBND xã Phong Thạnh cho biết, việc bồi thường cho các hộ dân bị hư hại nhà cửa cũng là căn cứ vào quá trình khảo sát kiểm tra hiện trường rồi mới định số tiền từng hộ để bồi thường. Theo lãnh đạo xã, đến nay chỉ còn 3 hộ là có khiếu nại việc này.
Khi PV đặt câu hỏi về những bức xúc chưa thỏa đáng trong việc bồi thường thiệt hại của một số hộ dân thì ông Đặng Tấn Hoài- Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Phong Thạnh- cho rằng: “Trách nhiệm của xã chỉ là vận động người dân, còn việc bồi thường thế nào là của cấp tỉnh mà trực tiếp là Sở Giao thông- Vận tải tỉnh Bạc Liêu”.
Nói về tình trạng tuyến đường hiện nay, ông Hoài cũng cho rằng, ông rất bức xúc vì đơn vị thi công cho đổ đất, cát rồi để đó chứ chưa thấy làm gì thêm khiến việc đi lại của người dân còn lắm khó khăn, đặc biệt là mùa mưa sắp đến.
Huỳnh Hải