1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Cầu bỏ hoang trên tuyến đường “treo”: Vướng mặt bằng?

(Dân trí) - Làm việc với PV Dân trí, đại diện chủ đầu tư tuyến đường Giá Rai - Phó Sinh (tỉnh Bạc Liêu) là Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu lý giải, đường và các cầu cho đến nay vẫn chưa làm xong là do chưa giải phóng hết mặt bằng.

Chiều ngày 27/9, PV Dân trí có buổi làm việc với lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Công trình giao thông (thuộc Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu) liên quan đến tuyến đường Giá Rai - Phó Sinh mà báo Dân trí có bài phản ánh. Ông Lê Thanh Nhã - Giám đốc Ban Quản lý Dự án công trình giao thông tỉnh Bạc Liêu - cho biết, ngay sau khi báo Dân trí phản ánh vụ việc, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh có yêu cầu Ban Quản lý báo cáo rà soát lại tiến độ xây dựng tuyến đường này.

Ông Nhã cho biết, tuyến đường Giá Rai - Phó Sinh thuộc dự án cải tạo nâng cấp đường Giá Rai - Cạnh Đền được lập từ năm 2001 do Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu làm chủ đầu tư. Năm 2003, đoạn tuyến Giá Rai - Phó Sinh dài hơn 16km đi qua địa bàn các huyện Giá Rai và huyện Phước Long của tỉnh Bạc Liêu được khởi công. Trong quá trình xây dựng đã gặp phải một số khó khăn nên cho đến thời điểm này, đã hơn 10 năm trôi qua nhưng tuyến đường vẫn chưa hoàn thành để đưa vào sử dụng như dự kiến.

Hiện trạng cầu Lẫm Cháy.
Hiện trạng cầu Lẫm Cháy.

Trên đoạn tuyến Giá Rai - Phó Sinh hiện có 4 cầu là Bà Tiết, Lẫm Cháy, Ranh Hạt, Một Ngàn (tổng số vốn 4 cầu hơn 13,2 tỷ đồng) thuộc gói thầu số 6 được triển khai từ tháng 1/2010 do Công ty TNHH Thanh Sơn (TPHCM) làm đơn vị thi công. Gói thầu này dự kiến làm trong 12 tháng nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn thành và hiện trạng là như báo Dân trí đã phản ánh.

Nói về nguyên nhân kéo dài gói thầu cho đến nay, ông Lê Thanh Nhã cho biết: Do phía địa phương là  UBND huyện Giá Rai và huyện Phước Long chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu thi công. “Vấn đề này Sở GTVT tỉnh đã làm việc rất nhiều lần với 2 huyện và cũng đã có báo cáo lên UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được”, ông Nhã nói.  

Theo ông Nhã, xung quanh đoạn tuyến có 4 cây cầu trên hiện vẫn còn 5 hộ dân chưa đồng ý với phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong đó cầu Lẫm Cháy còn 2 hộ, cầu Ranh Hạt 2 hộ và cầu Một Ngàn 1 hộ. Do đó, từ tháng 5/2013, gói thầu bị ngưng lại.

Qua tìm hiểu của PV Dân trí, trong quá trình thi công đóng cọc các cầu đã làm hư, nứt, lún nhà của một số hộ dân xung quanh nên người dân có khiếu nại và ngăn cản không cho thi công tiếp. Đại diện đơn vị thi công thừa nhận có việc này và khẳng định trách nhiệm bồi thường thuộc về địa phương. Trong khi đó, các hộ cho rằng, họ không được bồi thường thỏa đáng.

Theo ông Lê Thanh Nhã, việc giải phóng mặt bằng chủ yếu là thuộc trách nhiệm của phía địa phương có dự án đi qua mà ở đây là huyện Giá Rai và Phước Long. “Đối với các hộ ở cầu Lẫm Cháy, Sở GTVT tỉnh đã có cuộc họp nhằm xử lý khó khăn vướng mắt trong quá trình áp giá bồi thường, các bên tham gia cuộc họp (trong đó có Phó Chủ tịch UBND huyện và Giám đốc Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Giá Rai) đã thống nhất phê duyệt phương án bồi thường cho 2 hộ bị ảnh hưởng, trường hợp 2 hộ này không nhận tiền thì UBND huyện Giá Rai có trách nhiệm vận động chủ hộ nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay UBND huyện Giá Rai vẫn chưa có báo cáo gì”, ông Nhã cho hay.

Còn đối với 3 hộ bị ảnh hưởng ở cầu Ranh Hạt và cầu Một Ngàn, ông Nhã cũng cho biết, các địa phương đang tiến hành lập phương án bồi thường cho người dân. “Với tuyến đường này, thật sự chúng tôi đã làm rất quyết liệt nhưng do còn có những khó khăn nêu trên nên tiến độ thi công dự án đành phải chậm lại”, ông Nhã phân trần.

Cầu Một Ngàn chỉ mới làm được một mố cầu. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Cầu Một Ngàn chỉ mới làm được một mố cầu. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Trong khi đó, trước thông tin “hết vốn” nên đơn vị thi công không thể làm tiếp, ông Nhã khẳng định: “Nguồn vốn chúng tôi vẫn đang còn giữ nhưng với tình hình không có mặt bằng để làm tiếp dự án thì nhiều khả năng chúng tôi khó giải ngân được, chứ không có chuyện hết vốn để làm”.

Tại buổi làm việc, PV cũng đặt câu hỏi, tạo sao chưa giải phóng xong mặt bằng mà đã thi công để gặp phải khó như hiện nay, ông Nhã lý giải: “Nguồn vốn được cấp trong dự án có thời gian nhất định nên giải ngân được phần nào thì làm phần đó chứ không thể chờ đợi được”. PV cũng đặt vấn đề, việc xây một số hạng mục rồi để đó chờ đợi liệu có quá lãng phí, ông Nhã nhìn nhận: “Chúng tôi cũng xót lắm”. Và theo ông Nhã thì mưa nắng làm rỉ sét sắt, rong rêu các mảng bê tông là chuyện bình thường.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Đức Tàu- Giám đốc Công ty TNHH Thanh Sơn (đơn vị thi công các cầu) cũng cho rằng, gói thầu bị ngưng lại do chưa có mặt bằng. “Chúng tôi cũng đã có đề nghị ngành chức năng liên quan sớm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn này để chúng tôi tiếp tục làm cho xong dự án vì đã kéo dài quá lâu nhưng đến nay vẫn phải chờ đợi”, ông Tàu nói.
 
Một tuyến đường huyết mạch với quy mô không quá lớn được khởi công từ 10 năm qua nhưng vẫn chưa hoàn thành. Được biết, tuyến đường này có hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng, đã có 2/3 hộ dân được bồi thường thỏa đáng. Hiện chỉ còn “kẹt” 5 hộ dân mà phải tiếp tục chờ đợi nữa thì không biết các địa phương đã làm hết trách nhiệm của mình!

                                                                                                Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm