Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Bộ GTVT giữ đề xuất 350km/h
(Dân trí) - Báo cáo lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT tái khẳng định phương án tốc độ thiết kế 350km/h cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Ban chỉ đạo lập đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vừa nhóm họp phiên thứ 2 với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Tại phiên họp này, Bộ GTVT trình bày phương án đường sắt tốc độ cao với vận tốc thiết kế 350km/h, chủ yếu chở khách và có thể chở hàng khi có nhu cầu. Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu sẽ chuyển hết sang chở hàng hóa.
Bộ GTVT cho biết đã phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) đánh giá tác động của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đến nền kinh tế và cho thấy dự án có thể đóng góp khoảng 1 điểm % tăng trưởng GDP mỗi năm trong giai đoạn 2025-2037.
Các cơ quan liên quan cũng đã rà soát, hoàn thiện phương án huy động nguồn vốn, đánh giá tác động nợ công; đề án phát triển nguồn nhân lực; định hướng phát triển công nghiệp đường sắt…
Về khó khăn, vướng mắc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết các dự án đường sắt quan trọng quốc gia có quy mô lớn, tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp, đi qua nhiều địa phương nên cần xem xét cẩn trọng, kỹ lưỡng, công tác chuẩn bị đầu tư mất nhiều thời gian, cần sự phối hợp chặt chẽ của bộ ngành, địa phương.
Các dự án đường sắt mang lại hiệu quả lớn về mặt kinh tế nhưng hiệu quả tài chính dự án không cao, nên ngân sách nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo và ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư.
Công nghiệp đường sắt trong nước chưa sản xuất được phương tiện, thiết bị, linh kiện, phụ tùng cho đường sắt nói chung.
Nguồn nhân lực chưa tiếp cận với trình độ quản lý, kỹ thuật tiên tiến; thiếu chuyên gia về đường sắt.
GS.TS. Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, một người kiên trì đề xuất đường sắt tốc độ cao kết hợp chở hàng, cũng dự cuộc họp. Ông Khuê nhấn mạnh ngoài mục tiêu vận tải hành khách, tuyến đường sắt tốc độ cao phải tăng thị phần vận tải hàng hóa đường dài để giảm chi phí logistics. Chuyên gia cũng khẳng định dự án "dứt khoát phải liên thông với các tuyến đường sắt quốc tế".
Sau khi ghi nhận các ý kiến, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu, giải trình các ý kiến và hoàn thiện phương án đầu tư các tuyến đường sắt tốc độ cao bảo đảm đồng bộ, thống nhất quy chuẩn, tiêu chuẩn từ thiết kế, hạ tầng, phương tiện, hệ thống thông tin, điều hành…
"Phải giữ lại các nhà ga trung tâm ở các đô thị lớn mang tính biểu tượng, đồng thời bảo đảm hành lang an toàn bằng cách kết hợp với tuyến đi trên cao, đi ngầm", Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GTVT làm rõ hiệu quả kinh tế, công nghệ, kỹ thuật và kinh nghiệm vận hành đường sắt tốc độ cao kết hợp vận tải hành khách với hàng hóa trên thế giới; phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư; phương án vận hành...
Bên cạnh việc lập dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Ban Quản lý dự án đường sắt cũng đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây; Ngọc Hồi - Thạch Lỗi; TPHCM - Cần Thơ; Thủ Thiêm - Long Thành; Biên Hòa - Vũng Tàu...