1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Đường sạt lở, sụt lún ở Đắk Lắk: Thiếu chặt chẽ trong thẩm định dự án

Thúy Diễm

(Dân trí) - Sự cố sạt lở, sụt lún nghiêm trọng trên trên tuyến tỉnh lộ 7 tại Đắk Lắk được xác định ngoài lỗi của chủ đầu tư, còn có lỗi của Sở Giao thông vận tải tỉnh trong thẩm định dự án.

Ngày 12/8, thông tin từ UBND tỉnh Đắk Lắk, tỉnh vừa thống nhất giải pháp xử lý, khắc phục hư hỏng trên tuyến tỉnh lộ 7 đoạn qua địa bàn huyện Lắk, sau khi tuyến đường này xuất hiện sạt lở, sụt lún gần một năm trước.

Đường sạt lở, sụt lún ở Đắk Lắk: Thiếu chặt chẽ trong thẩm định dự án - 1

Khu vực sạt lở, sụt lún trên tuyến tỉnh lộ 7 tại Đắk Lắk (Ảnh: Uy Nguyễn).

Dự án Cải tạo, nâng cấp và kéo dài tỉnh lộ 7 do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn (Ban QLDA) tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng. Dự án khởi công vào tháng 11/2019.

Tháng 6/2022, Sở Giao thông vận tải (GTVT) kiểm tra công tác nghiệm thu công trình chủ yếu dựa vào xem xét trực quan tại thực tế hiện trường, đối chiếu với hồ sơ, tài liệu của dự án mà không yêu cầu chủ đầu tư tổ chức kiểm định, đánh giá chuyên sâu.

Dự án được nghiệm thu hoàn thành vào tháng 12/2021 và bàn giao cho Sở GTVT quản lý. Đến tháng 10/2023 (sau hết hạn bảo hành 6 tháng) nền, mặt đường phía taluy âm bị sạt lở. Vết nứt chạy dọc theo taluy nền đường phía bên phải tuyến kéo dài 60m, lấn vào mặt đường khoảng 1m, mặt đường bị lún sâu 120-180cm.

Sau sự cố đến nay gần một năm, cơ quan chức năng rào chắn, cắm biển cảnh báo mà vẫn chưa tiến hành các phương án khắc phục sửa chữa. Trước sự việc, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các Sở, ngành, các đơn vị liên quan phải xác định rõ nguyên nhân của sự cố trên để có giải pháp khắc phục.

Mới đây, qua cuộc họp liên ngành tổ chức tại Sở GTVT Đắk Lắk đã chỉ ra các nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến sự cố sạt, lở trên tuyến tỉnh lộ 7.

Nguyên nhân khách quan được cho rằng do nền đường bị thấm, đọng nước lâu ngày gây suy giảm cường độ đất nền, đặc biệt là trong mùa mưa, mực nước dâng cao.

Về chủ quan, đối với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan, quá trình chuẩn bị, thực hiện dự án, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế không thực hiện khảo sát địa chất, thủy văn nền đường cũ là có thiếu sót dẫn đến chưa đánh giá được hết những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến công trình.

Quá trình thi công, chủ đầu tư nhận thấy có nguy cơ sạt lở nên đã tổ chức xử lý kỹ thuật điều chỉnh thiết kế, bổ sung gia cố mái taluy. Tuy nhiên, giải pháp thiết kế xử lý chưa được triệt để các yếu tố bất lợi, chưa có giải pháp xử lý triệt để dòng nước thấm vào nền đường.

Đường sạt lở, sụt lún ở Đắk Lắk: Thiếu chặt chẽ trong thẩm định dự án - 2

Tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu Sở GTVT rút kinh nghiệm và chủ đầu tư phải kiểm điểm trách nhiệm với các thiếu sót khi thực hiện dự án (Ảnh: Uy Nguyễn).

Nguyên nhân nữa được xác định do Sở GTVT chưa lường trước được hết những nguy cơ tiềm ẩn của nền đường cũ đang khai thác, Sở chỉ căn cứ thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công để thẩm định mà không yêu cầu chủ đầu tư bổ sung tài liệu chứng minh, làm rõ các vấn đề liên quan là thiếu chặt chẽ.

Với sự cố tại tuyến tỉnh lộ 7, UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu Ban QLDA tỉnh tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các thiếu sót mang tính chủ quan và yêu cầu Sở GTVT nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với các tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thẩm định hồ sơ thiết kế.

Được biết, để khắc phục các vị trí hư hỏng trên tuyến tỉnh lộ 7, các đơn vị đã đề xuất tỉnh bố trí kinh phí trên 11 tỷ đồng.

Như Dân trí đưa tin, tháng 10/2023, trên tuyến tỉnh lộ 7 đoạn tiếp giáp giữa thôn Buôn Tung 2 và thôn Kiến Xương (xã Buôn Triết, huyện Lắk) mặt đường xuất hiện nhiều vết nứt lớn, taluy âm sạt, sụt lún sâu, tình trạng hở hàm ếch ăn sâu vào giữa đường.

Do là đoạn đường cua, tầm nhìn bị che khuất, các phương tiện qua lại nhiều, dù cơ quan chức năng đã giăng biển cảnh báo, tuy nhiên, việc lưu thông vào ban đêm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.