Đường sắt Cát Linh - Hà Đông tiếp tục “vỡ” tiến độ
(Dân trí) - Theo kế hoạch, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) sẽ vận hành thử nghiệm từ tháng 10/2017, tức là chỉ còn 15 ngày nữa. Tuy nhiên, Tổng thầu Trung Quốc cho biết, do khó khăn về tài chính nên dự án không thể đẩy mạnh thi công.
Đến thời điểm này, tổng mức đầu tư của Dự án là hơn 868 triệu USD, tương đương với hơn 18.000 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư này tăng hơn 300 triệu USD so với kế hoạch ban đầu. Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài gần 13 km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao.
Theo kế hoạch, cuối tháng 7/2017 Dự án sẽ hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị. Từ tháng 10/2017, Dự án Cát Linh - Hà Đông bắt đầu chạy thử liên động toàn hệ thống, thời gian chạy thử khoảng từ 3 - 6 tháng. Dự kiến, quý II/2018 Dự án sẽ đưa vào khai thác thương mại.
Ngày 15/9, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông đi kiểm tra tiến độ thi công dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Theo báo cáo của Tổng thầu Trung Quốc, dự án đang “dậm chân tại chỗ” vì thiếu vốn.
Hiện nay, trên công trường dự ánkhông khí thi công trầm lắng. Trong khi đó, nhiều hạng mục tiếp tục chậm trễ kéo dài so với kế hoạch. Khu Depot, các tòa nhà điều hành, nhà xưởng đều chưa xong các hạng mục cơ bản. Một số nhà ga chưa xong phần xây dựng, một số điểm trên tuyến mới đang kéo dây cáp điện.
Các hệ thống thiết bị các nhà ga vẫn ngổn ngang, thậm chí nhân công và máy móc trên công trường giảm đi do không có việc, thiết kế cụ thể của một số hạng mục chưa triển khai.
Đại diện Tổng thầu EPC Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc cho biết, nguyên nhân chậm là do thiếu vốn, China Eximbank vẫn chưa được giải ngân vốn đầy đủ.
Tổng thầu Trung Quốc thừa nhận, do quá trình thanh toán giải ngân, bổ sung vốn chưa được giải quyết kịp thời khiến Tổng thầu tăng dần khoản nợ đọng với thầu phụ, nhà cung ứng thiết bị. Dự án đang đối mặt với áp lực thiếu vốn nghiêm trọng và nguy cơ không thể hoàn thành theo đúng tiến độ đã đề ra.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, vấn đề quyết định đến tiến độ dự án trong giai đoạn hiện nay là vốn. Dự án đang trong giai đoạn cuối cùng nên nhu cầu về vốn rất lớn, nhưng việc cung cấp nguồn vốn bị chậm trễ.
Trước tình hình này, Thứ trưởng Đông yêu cầu Ban Quản lý dự án Đường sắt phải tổ chức họp về tình hình thực hiện dự án, trong đó yêu cầu Tổng thầu EPC báo cáo chi tiết tất cả các hạng mục và thời hạn hoàn thành cụ thể.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng cho biết, Bộ GTVT sẽ gửi văn bản đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc hỗ trợ thúc đẩy tiến độ, cũng như sẽ làm việc với lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn cục 6 Đường sắt Trung Quốc để yêu cầu đảm bảo tiến độ theo cam kết.
Dự án đang đối mặt với áp lực thiếu vốn nghiêm trọng và nguy cơ không thể hoàn thành theo đúng tiến độ đã đề ra.
Châu Như Quỳnh