1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đà Nẵng:

Đừng thu hút nhân tài về rồi... “ngược đãi”!

(Dân trí) - “Ở xa thì ta mời lên thảm, còn khi mời lên thảm rồi thì lại… ngược đãi”. Đây là vấn đề ưu đãi người giỏi, cần có những chính sách phù hợp để giữ chân họ.

Tổng kết 15 năm thu hút nhân tài về với địa phương, Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết đã tiếp nhận được 1.043 đối tượng, trong đó có gần 700 nữ và gần 350 nam. Đó là số liệu thống kê tại hội thảo “Đánh giá 15 năm thực hiện chính sách thu hút dưới góc nhìn về giới” do Sở Nội vụ TP Đà Nẵng tổ chức ngày 23/4.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng – ông Đặng Công Ngữ - trong số đối tượng nhân tài thu hút về Đà Nẵng làm việc có 13 tiến sĩ (chiếm 1%), 224 thạc sĩ (22%) và 806 đại học (77%); trong đó số đối tượng tốt nghiệp ở nước ngoài có 45 trường hợp (chiếm 4,3%).

Lần đầu tiên, TP Đà Nẵng đánh giá 15 năm công tác thu hút nhân tài về địa phương
Lần đầu tiên, TP Đà Nẵng đánh giá 15 năm công tác thu hút nhân tài về địa phương

Kết quả tiếp nhận có 827 trường hợp đầu quân về các sở, ngành (chiếm 79%), quận huyện có 91 trường hợp (chiếm 9%) và phường xã có 125 trường hợp (12%). Đặc biệt, nhóm ngành tiếp nhận nhiều nhất trong thời gian qua tại Đà Nẵng là nhóm ngành xã hội, kế đến là y tế và giáo dục; trong đó có 217 trường hợp về ngành y tế (có 3 tiến sĩ ngành y).

Ông Đặng Công Ngữ cho biết, trong 827 trường hợp hiện đang công tác trong các sở ngành có 138 vị trí được bổ nhiệm chức vụ từ phó trưởng phòng đơn vị trực thuộc sở ngành trở lên (chiếm 17%). Trong số này có 7 giám đốc, Phó giám đốc và tương đương cấp sở (chiếm 0,8%), 56 trưởng phó phòng thuộc sở (chiếm 6,7%)…

Kết quả khảo sát cũng cho thấy có 54% đối tượng thu hút hiện nay đã yên tâm công tác, 39% tạm yên tâm và có 7% chưa yên tâm công tác. Lý do chưa yên tâm công tác là chưa đảm bảo cuộc sống, vấn đề thu nhập và cơ hội thăng tiến của bản thân.

Nói về ưu điểm của chính sách thu hút nhân tài về Đà Nẵng, ông Đặng Công Ngữ cho biết: Đó là góp phần trẻ hóa đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của TP. Bổ sung nhân lực kịp thời khi đơn vị có yêu cầu. Bổ sung nguồn nhân lực có trình độ, năng lực, dám nghĩ dám làm góp phần vào sự phát triển của TP…

Tuy nhiên, ông Ngữ cho biết vẫn còn hạn chế về chính sách để thu hút nhân tài, đó là vẫn còn một tỉ lệ đối tượng thu hút chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Qua khảo sát cũng cho thấy đối tượng thu hút còn một số hạn chế về kỹ năng, chưa khiêm tốn.

Ngoài ra với mức lương và phụ cấp hiện nay chưa đảm bảo cho đối tượng thu hút sống bằng lương, việc thực hiện chính sách cho đối tượng thu hút chưa đầy đủ và kịp thời, năng lực của đối tương cũng còn một số hạn chế…
 
Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Đà Nẵng – Bác sĩ Trần Đình Vinh
Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Đà Nẵng – Bác sĩ Trần Đình Vinh

Hội thảo cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại biểu cũng như một số đối tượng là người đã được thu hút trong thời gian qua. Bác sĩ Trần Đình Vinh – Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Đà Nẵng cho rằng, với chính sách thu hút nhân tài vừa qua tại Đà Nẵng là một cách làm hay và có ý nghĩa.

Tại Bệnh viện Sản Nhi đến nay thành lập chưa được 1 năm nhưng đã có 46 bác sĩ trong diện thu hút nhân tài của Đà Nẵng về công tác. Đặc biệt trong số này có một bác sĩ là Phó khoa Nhi đã được học thạc sĩ và tiến sĩ tại Úc nên có chuyên môn rất vững vàng.

Tuy nhiên, bác sĩ Vinh cũng băn khoăn là trình độ ngoại ngữ của không ít đối tượng thu hút không đạt yêu cầu trong công việc. Ông đơn cử như ở bệnh viện Sản Nhi có nhiều bác sĩ mổ rất giỏi nhưng lại yếu về ngoại ngữ, do đó rất khó khăn trong vấn đề tiếp xúc hay làm việc với đối tác nước ngoài.
 
Tham luận của ông Bùi Văn Tiếng – Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng được trình bày tại hội thảo đáng chú ý. Ông cho rằng trước hết là phải đổi mới cách tìm người giỏi, từ cách thụ động trông chờ người giỏi đến với mình là chủ động thuyết phục người giỏi chấp nhận cộng tác/hợp tác với mình.
 
Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng – ông Bùi Văn Tiếng
Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng – ông Bùi Văn Tiếng

Ông nói: “Ở xa thì ta mời lên thảm, còn khi mời lên thảm rồi thì lại… ngược đãi”. Theo ông Tiếng, ở đây là vấn đề ưu đãi người giỏi sau khi mình đã mời họ về, nghĩa là phải có những chính sách phù hợp để giữ chân họ. Ông cũng cho rằng nên đa dạng hóa hình thức công tác của người tài giỏi, vì theo ông có thể họ sinh sống ở địa phương khác nhưng lại có đóng góp cho Đà Nẵng.

Mặc khác, việc hoạt động thu hút người tài giỏi gắn với các kỳ thi tuyển, vì bổ nhiệm người tài thông qua thi tuyển để họ không có cảm giác mình là… ngoại binh, chỉ chuyên là “lính đánh thuê”.

Ông Tiếng cũng đề nghị tạo điều kiện về mặt tâm lý để người tài phải được lao động trong môi trường thoải mái, tránh tình trạng chảy máu chất xám sau khi thu hút.

“Giải pháp mang tính quyết định để thu hút và giữ chân người giỏi là phải làm cho Đà Nẵng thực sự trở thành một đô thị phát triển theo hướng hiện đại, văn minh. Chỉ có như vậy thì người giỏi đến với Đà Nẵng mới có đất dụng võ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, mới có cơ hội bộc lộ hết tài năng và tâm huyết”, ông Tiếng phát biểu.

Công Bính