Du khách như "mất tích" khi ra vịnh Hạ Long vì không có sóng điện thoại
(Dân trí) - Trước thực trạng tại nhiều vị trí tham quan du lịch ở vịnh Hạ Long không có sóng điện thoại, tỉnh Quảng Ninh đang quyết tâm phủ sóng di động, internet trên vịnh Hạ Long.
Những năm gần đây, Quảng Ninh đã đầu tư nhiều sản phẩm du lịch cao cấp trên vịnh Hạ Long, cũng như quan tâm đến cải thiện chất lượng môi trường du lịch. Do đó, vịnh Hạ Long đang ngày càng thu hút lượng khách lớn, nhất là khách quốc tế.
Tuy nhiên, việc "lõm" sóng di động tại các điểm dừng chân, tham quan đang làm giảm trải nghiệm của du khách và ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý vịnh Hạ Long.
Theo khảo sát của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, các nhà mạng lớn như Viettel, Mobifone, Vinaphone, hiện tại đều chưa phủ sóng hết các vị trí trên các tuyến du lịch của vịnh.
Với mật độ phủ sóng như hiện tại, nhiều điểm tham quan các đảo, tuyến tàu chạy trên vịnh Hạ Long, tín hiệu mạng di động của các nhà mạng rất yếu, thậm chí mất sóng hoàn toàn do các dãy núi che chắn.
Thực trạng này không đáp ứng được yêu cầu quản lý của Ban Quản lý vịnh Hạ Long và nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế sử dụng dịch vụ Internet, thông tin liên lạc.
Ngoài ra không có sóng điện thoại còn ảnh hưởng tới công tác an ninh quốc phòng, phòng cháy chữa cháy, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên vịnh Hạ Long.
Ông Phạm Thanh Chiến, đại diện doanh nghiệp khai thác tàu nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long, cho biết sóng 3G không đủ để khách truy cập internet và thường xuyên bị mất sóng điện thoại, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình liên lạc điện thoại về bờ.
Theo ông, có những chuyến đi 2-3 ngày, du khách không thể liên lạc về nhà và đặc biệt không thể livestream, chia sẻ, đăng ảnh vịnh Hạ Long tại nơi tàu neo đậu hoặc di chuyển.
"Chúng tôi cũng không thể sử dụng thiết bị wifi để theo dõi và giám sát tàu du lịch. Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh cần nghiên cứu phương án mở thêm các trạm cung cấp sóng điện thoại, sóng 4G cho các khu vực này để phục vụ cho các tàu, nhất là tàu nghỉ đêm", ông Chiến nói.
Một giám đốc hãng lữ hành quốc tế từng chia sẻ, đối với khách quốc tế, khi đến bất cứ một điểm tham quan mới, họ đều muốn check-in, gọi video call, chụp ảnh gửi về cho người thân, bạn bè. Tuy nhiên, nhiều điểm tham quan trên vịnh Hạ Long không đảm bảo sóng internet để đáp ứng được, đây là một điều khá đáng tiếc.
Ngoài ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước, nhu cầu của du khách, việc lõm sóng di động cũng gây nhiều khó khăn cho đời sống của khoảng 2.000 ngư dân và những người dân cung cấp dịch vụ trên vịnh.
Trước thực trạng này, năm 2022, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã phối hợp với Viettel Quảng Ninh xây dựng Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hạ tầng trạm BTS trên vịnh Hạ Long.
Theo đó, để phục vụ công tác quản lý cũng như nhu cầu của du khách tham quan, Viettel Quảng Ninh sẽ lắp đặt 6 trạm phát sóng BTS tại 6 khu vực trong vùng lõi vịnh Hạ Long.
Sáu vị trí lắp trạm phát sóng BTS gồm: Khu vực làng chài Cửa Vạn, đảo Soi Sim, khu vực Cống Đỏ, khu vực hòn Đỉnh Hương, khu vực làng chài Vung Viêng, khu vực Bái Đông (hòn Mắt Rồng), nằm trong vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (khu vực bảo vệ tuyệt đối của di sản).
Nhằm đảm bảo việc đầu tư xây dựng trạm BTS phát sóng trên vịnh Hạ Long triển khai theo đúng quy trình, quy định của pháp luật hiện hành, Ban Quản lý vịnh Hạ Long và Viettel Quảng Ninh đã phối hợp xây dựng Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư và chủ động tham vấn ý kiến về chuyên môn của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Vấn đề trên cũng được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh báo cáo tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nhằm tổng kết hoạt động năm 2023 và đề ra nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, chiều 28/12/2023.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết việc xây dựng các trạm phát sóng tại vịnh Hạ Long đang gặp vướng mắc tại vùng lõi di sản theo quy định của UNESCO và quy định về chuyển đổi đất rừng.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giải thích rõ, một khu vực được UNESCO công nhận là di sản không có nghĩa là chúng ta phải dừng toàn bộ các hoạt động xây dựng.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Ninh trình hồ sơ theo quy định tới cấp có thẩm quyền. Chính phủ cũng sẽ phân cấp thẩm quyền chuyển đổi đất rừng như trong trường hợp này về cho địa phương.
Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Dân trí, Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long Vũ Kiên Cường, cho biết đơn vị đã nhận được công văn đề nghị phối hợp với các nhà mạng thực hiện khảo sát trên vịnh Hạ Long để lắp đặt trạm phát sóng BTS.
Theo ông Cường, việc lắp đặt các trạm phát sóng BTS gặp khó khăn do các đảo đều không có điện, địa hình đá vôi khó tiếp cận. Đồng thời, việc xây dựng các trạm sẽ tác động trực tiếp vào yếu tố gốc của di sản, gây ảnh hưởng đến cảnh quan.