Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

“Dù có cơ chế miễn trách nhiệm, anh em làm trực tiếp cũng rất lo lắng”

Hoài Thu

(Dân trí) - Bộ trưởng Tư pháp cho biết nguyên tắc khi xử lý những vấn đề rất nhạy cảm, phức tạp là miễn trách nhiệm nếu như những người tham gia không có vụ lợi. Dù vậy, anh em làm trực tiếp cũng rất lo lắng.

Sáng 23/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị bổ sung cơ chế xử lý trách nhiệm khi cơ quan không rà soát, đề xuất kịp thời việc xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật. Việc này để tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai nghị quyết.

“Dù có cơ chế miễn trách nhiệm, anh em làm trực tiếp cũng rất lo lắng” - 1

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Ảnh: Hồng Phong).

Cùng với cơ chế giao trách nhiệm trực tiếp cho người đứng đầu để đảm bảo hiệu quả trong thực thi, ông Bình đánh giá cao quy định xem xét miễn trách nhiệm cho cán bộ nếu tuân thủ quy trình và không có động cơ vụ lợi, qua đó góp phần cởi trói tâm lý sợ sai khi thực hiện nhiệm vụ công

“Cơ chế miễn trách nhiệm tuy có tính nhân văn nhưng lại chưa có tiêu chí kiểm chứng cụ thể, điều này có thể dẫn đến bị lợi dụng để bao che sai sót hoặc tránh né trách nhiệm”, vị đại biểu góp ý.

Ông đề nghị trong dự thảo nghị quyết cần làm rõ điều kiện để được miễn trách nhiệm, cụ thể là phải có kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra hoặc kiểm toán xác định cán bộ không sai phạm.

Về xử lý trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra vi phạm, dự thảo quy định đối với những cán bộ tham gia vào quá trình tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật, nếu thực hiện đầy đủ quy định có liên quan, không có vụ lợi trong quá trình thực thi nhiệm vụ nhưng vẫn gây ra thiệt hại, thì có thể được xem xét để loại trừ trách nhiệm hoặc miễn trách nhiệm.

“Dù có cơ chế miễn trách nhiệm, anh em làm trực tiếp cũng rất lo lắng” - 2

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (Ảnh: Hồng Phong).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Thị Thủy tán thành quy định này để tạo điều kiện cho cán bộ được tham gia quá trình này yên tâm tập trung vào việc rà soát, tháo gỡ, xử lý những khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật. Bà đề nghị bổ sung việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung về miễn trừ trách nhiệm hoặc miễn trách nhiệm xử lý, để trong tổ chức thực hiện có sự thống nhất và nhất quán.

“Những con tàu tốc hành đang mang đến cho đất nước rất nhiều cơ hội để phát triển nhưng thời gian tàu dừng lại ở mỗi ga là rất ngắn, không thể để lỡ cơ hội phát triển của đất nước chỉ vì những điểm nghẽn của pháp luật”, bà Thủy nói.

Bà kiến nghị nghị quyết này sẽ có hiệu lực ngay kể từ ngày Quốc hội bấm nút thông qua để các cơ quan có đủ thời gian, vật chất tập trung cho công tác rà soát, xử lý, tháo gỡ những điểm nghẽn của pháp luật.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đồng tình về việc Quốc hội sớm ban hành một nghị quyết về xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp.

Dù vậy, ông đề nghị bổ sung nguyên tắc đảm bảo minh bạch và không làm phát sinh các cơ chế xin - cho.

“Dù có cơ chế miễn trách nhiệm, anh em làm trực tiếp cũng rất lo lắng” - 3

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Ảnh: Phạm Thắng).

“Một số nội dung cần giao thẩm quyền xử lý cho bộ, ngành và địa phương, nếu không có nguyên tắc minh bạch này sẽ dẫn đến tùy nghi, khó áp dụng”, ông Đồng nêu quan điểm, đồng thời đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm giải trình cũng như công khai về phương án xử lý.

Giải trình làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhắc đến đề nghị của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Thị Thủy về việc giao Chính phủ quy định chi tiết việc miễn trách nhiệm hoặc miễn trừ trách nhiệm.

Ông Ninh nêu lại nguyên tắc khi xử lý những vấn đề rất nhạy cảm, phức tạp là miễn trách nhiệm nếu như những người tham gia không có vụ lợi. “Một câu này đã hàm chứa rất nhiều những nội dung, phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, tính chịu trách nhiệm và tính rõ ràng trong tham gia xử lý”, Bộ trưởng Tư pháp nói.

Ông chia sẻ thêm dù đã có cơ chế, những anh em làm trực tiếp hay tham gia thẩm định cũng rất lo lắng, chứ không phải có nghị quyết này Chính phủ muốn làm hoặc có thể lạm dụng được. “Cơ chế giám sát, cơ chế để chịu trách nhiệm ràng buộc rất lớn”, theo lời ông Ninh.

“Dù có cơ chế miễn trách nhiệm, anh em làm trực tiếp cũng rất lo lắng” - 4

Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh (Ảnh: Phạm Thắng).

Về hiệu lực, Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh những cơ chế đề xuất chỉ có hiệu lực đến hết ngày 28/2/2027 và trong khoảng thời gian này phải rà soát sửa đổi các luật để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Ông cũng đề nghị nghị quyết cần có hiệu lực ngay khi Quốc hội thông qua.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, việc xử lý vướng mắc do quy định pháp luật là công việc cấp bách, hệ trọng, phức tạp và nếu không giải quyết kịp thời sẽ dẫn đến ách tắc, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

“Do đó, đây là công việc cần phải làm ngay và làm quyết liệt, làm đến nơi, đến chốn; đây không chỉ là mục tiêu mà còn là mệnh lệnh chính trị đã được xác định trong Nghị quyết 66”, ông Định nhấn mạnh và nhắc đến mục tiêu trong năm 2025, về cơ bản xử lý xong khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật.