1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Prapiroon
  3. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí

Dự án Vành đai 3 TPHCM qua Bình Dương thiếu hơn 600.000m3 cát

Phạm Diện

(Dân trí) - Dự án thành phần 5, đường Vành đai 3 TPHCM qua Bình Dương đến nay có khối lượng giải ngân đạt hơn 28%. Trong đó, khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án là thiếu hơn 600.000m3 cát san lấp.

Ngày 30/7, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương (BQL) cho hay, dự án Vành đai 3 TPHCM đoạn qua tỉnh Bình Dương có tổng diện tích đất thu hồi bổ sung gần 80ha; hơn 1.500 trường hợp bị ảnh hưởng.

Đến nay, tổng diện tích đất được thu hồi của dự án đạt 90,9%; đã chi trả tiền bồi thường đạt 89,2%. Trong đó, đoạn qua TP Dĩ An (gói thầu nút giao Tân Vạn), công tác bàn giao mặt bằng đạt 81%. Đoạn qua TP Thủ Dầu Một, công tác bàn giao mặt bằng đến nay đạt 91,4%; TP Thuận An đã chi trả tiền bồi thường đạt 90,3%, bàn giao mặt bằng đạt 61%.

Dự án Vành đai 3 TPHCM qua Bình Dương thiếu hơn 600.000m3 cát - 1

Công nhân thi công tại nút giao cầu Bình Gởi (Ảnh: Phạm Diện).

Theo BQL, tiến độ bàn giao mặt bằng chưa đạt theo kế hoạch đề ra, do đó ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công của các gói thầu.

Dự án Vành đai 3 TPHCM đoạn qua Bình Dương được chia làm 2 dự án thành phần: Dự án thành phần 5 (xây lắp), dự án thành phần 6 (giải phóng mặt bằng); trong đó, dự án thành phần 5 đến nay có khối lượng giải ngân đạt 28,62%.

Dự án cũng đang gặp khó khăn, vướng mắc đối với vật liệu. Cụ thể, khả năng cung ứng vật liệu đắp nền đường như cát, đá xây dựng cơ bản đáp ứng khối lượng triển khai các gói thầu. Riêng vật liệu đất, cát đắp nền đường đang gặp khó khăn.

Dự án Vành đai 3 TPHCM qua Bình Dương thiếu hơn 600.000m3 cát - 2

Dự án Vành đai 3 TPHCM qua Bình Dương đang thiếu hơn 600.000m3 cát (Ảnh: Phạm Diện)

Theo lãnh đạo BQL, mặc dù các nhà thầu đã rất nỗ lực để tìm kiếm các nguồn vật liệu cát đắp nền đường, khối lượng cát huy động về công trường chỉ khoảng 1.000m3/ngày, chưa đáp ứng nhu cầu của dự án. Ban đang tiếp tục đôn đốc các nhà thầu tập trung, khẩn trương tìm kiếm thêm các nguồn cát san lấp để đưa về công trường phục vụ thi công trong tháng 7 và các giai đoạn tiếp theo.

Tổng nhu cầu cát đắp của dự án thành phần 5 là hơn 700.200m3 nhưng khả năng cung ứng từ các mỏ hiện hữu khai thác khoảng 100.000m3, còn thiếu 600.200m3, chưa có nguồn cung cấp.

Để có nguồn cát san lấp cho dự án, lãnh đạo BQL cho biết, đơn vị đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, UBND TPHCM tiếp tục làm việc với UBND các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre và các địa phương liên quan sớm giải quyết các thủ tục cấp phép khai thác theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo số 283/ TB-VPCP ngày 26/6/2024.