Dự án Kim Chung - Di Trạch ở Hà Nội "vướng" những vi phạm nào?
(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng Hà Nội phải xử lý trong quá trình thực hiện Dự án Khu đô thị mới Kim Chung- Di Trạch, huyện Hoài Đức.
Kết luận thanh tra việc UBND TP Hà Nội, UBND huyện Hoài Đức thực hiện quản lý nhà nước về đất đai tại Dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch và việc chủ đầu tư dự án chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng đất vừa được Thanh tra Chính phủ công bố.
Chủ đầu tư không lưu giữ hồ sơ, bản vẽ, bản đồ quy hoạch chi tiết
Theo kết luận, sau 3 tháng kể từ khi có quyết định thu hồi đất tổng thể, UBND huyện Hoài Đức mới ban hành quyết định thu hồi đất đến từng hộ gia đình, cá nhân là không đúng quy định của Chính phủ.
Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hoài Đức không ban hành thông báo thu hồi đất đến từng hộ gia đình, cá nhân. 104 hồ sơ được kiểm tra đều thiếu thông báo thu hồi đất.
Huyện Hoài Đức thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất, không căn cứ diện tích đo đạc thực tế, không đúng với Nghị định 84/2007 của Chính phủ.
Tại thời điểm thanh tra, diện tích đất của dự án được bàn giao trên 136,4ha đất (giảm 1,68ha) so với diện tích đất được UBND tỉnh Hà Tây giao năm 2008, nhưng chủ đầu tư là Tổng công ty cổ phần thương mại và xây dựng (Vietracimex) và UBND huyện Hoài Đức chưa chủ động hoàn thiện hồ sơ để trình UBND TP Hà Nội điều chỉnh.
Thanh tra còn phát hiện việc chưa bàn giao đất theo quy định đối với 10,28ha đất, chưa nỗ lực thực hiện, gây khó khăn cho việc sử dụng đất của dự án.
"Trách nhiệm chính thuộc về Vietracimex, UBND huyện Hoài Đức và các phòng ban, cá nhân liên quan", Thanh tra Chính phủ kết luận.
Năm 2008 UBND tỉnh Hà Tây có quyết định thu hồi 138,17ha đất, giao Vietracimex thực hiện dự án nhưng không quy định cụ thể diện tích đất giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, thời hạn sử dụng đất,… để làm căn cứ cho việc xác định tiền sử dụng sử đất, không căn cứ vào Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được duyệt.
Trước khi ra quyết định giao đất cho Vietracimex, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tây (cũ) không thẩm định nhu cầu sử dụng đất của dự án.
UBND tỉnh Hà Tây có quyết định phê duyệt tiền sử dụng đất của dự án đối với 53,9ha (bao gồm đất liền kề, biệt thự, chung cư cao tầng và đất công trình hỗn hợp) là chưa đúng quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính.
Thanh tra Chính phủ xác định, các sở ngành, UBND TP Hà Nội chưa kiểm tra, xem xét, tính toán cụ thể để báo cáo Thủ tướng quyết định việc áp dụng chi phí rủi ro bất động sản và chi phí bảo dưỡng hạ tầng không đúng quy định trong quá trình xác định tiền sử dụng đất của dự án với số tiền trên 89 tỷ đồng. Việc này thể hiện việc chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi đó, Vietracimex đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình xây dựng và nhà ở của dự án mà không lưu giữ hồ sơ, bản vẽ, bản đồ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000, 1/500 được cơ quan nhà nước phê duyệt.
Doanh nghiệp này còn ký hợp đồng chuyển nhượng đất, nhà cho 16 khách hàng khi dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng.
Bên cạnh yêu cầu xác định rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo cơ quan liên quan phối hợp với Vietracimex khẩn trương rà soát, thực hiện các thủ tục thu nộp nghĩa vụ tài chính của dự án, đảm bảo thu đúng, thu đủ.
"Chỉ đạo Vietracimex nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc đầu tư xây dựng các công trình mà không lưu giữ hồ sơ, bản vẽ, bản đồ quy hoạch; sớm triển khai dự án theo quy định pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tránh gây lãng phí đất đai và dư luận không tốt với việc thực hiện dự án", cơ quan thanh tra yêu cầu.
Thu hồi vượt 8.756m2 so với nhu cầu giao đất dịch vụ
Tại kết luận vừa công bố, Thanh tra Chính phủ cũng làm rõ việc thu hồi đất khu vực Ao Đấu, thôn Dậu 1, xã Di Trạch (huyện Hoài Đức) để thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ, giao cho các hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp thuộc Dự án khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch.
Qua đó đã phát hiện Quyết định số 2094/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tây thu hồi gần 161.000m2 để thực hiện dự án, trong đó hơn 149.500m2 đất nông nghiệp trồng lúa, vượt 103.500m2 đất nông nghiệp trồng lúa theo kế hoạch sử dụng đất, không đúng Luật Đất đai.
Đặc biệt, diện tích đất dịch vụ đã thu hồi vượt 8.756m2 so với nhu cầu giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình đủ điều kiện tại xã Di Trạch.
Khi dự án chưa được phê duyệt, chưa có hồ sơ mốc giới, diện tích đất thu hồi, UBND huyện Hoài Đức và Sở Tài chính Hà Tây đã trình UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt phương án tổng thể bồi thường hỗ trợ.
Việc đưa toàn bộ khu đất Ao Đấu vào phần diện tích 149.5000m2 đất trồng 2 vụ lúa để lập hồ sơ thu hồi là chưa phù hợp với thực tế sử dụng đất.
Trong khu đất Ao Đấu, một số hộ dân đã xây dựng công trình trước tháng 7/2004 và một số hộ đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang trồng cây lâu năm, nhưng vẫn bị xác định là đất ruộng trồng 2 vụ lúa, dẫn đến thắc mắc, khiếu nại của công dân.
Dù chưa được cơ quan có thẩm quyền xác định loại đất, Hội đồng thẩm định giải phóng mặt bằng huyện Hoài Đức đã lập và phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ, chưa đủ căn cứ.
"Việc xử lý, khắc phục những vi phạm, thiếu sót trong thu hồi đất dịch vụ nói chung và thu hồi đất khu vực Ao Đấu nói riêng thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của UBND TP Hà Nội", Thanh tra Chính phủ nêu trong kết luận.
UBND huyện Hoài Đức và Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hoài Đức sử dụng nguồn kinh phí của Tổng công ty Vietracimex hơn 23,4 tỷ đồng để bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là chưa đúng quy định của Chính phủ.
Thanh tra đề nghị UBND TP Hà Nội kiểm tra, rà soát việc UBND huyện Hoài Đức phê duyệt bồi thường cho UBND xã Di Trạch diện tích đất công không giao thầu khoán, đất mương nội đồng với số tiền gần 2,9 tỷ đồng và diện tích 11.458m2 đất không giao thầu khoán nằm trong các thửa đất của các hộ gia đình, cá nhân với số tiền 236 triệu đồng.
UBND huyện Hoài Đức có trách nhiệm trả lại số tiền trên 23,4 tỷ đồng cho Vietracimex; đồng thời rà soát toàn bộ việc bồi thường, hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân trong dự án nhằm phát hiện sai sót để kịp thời chấn chỉnh.