Dự án ì ạch do lãnh đạo, điều hành kém!
(Dân trí) - “Đồng chí Phó chủ tịch nói sự chậm trễ trong dự án xây các công viên có nguyên nhân yếu kém ở khâu chỉ đạo, điều hành. Vậy trách nhiệm cụ thể của các cấp như thế nào: cấp trên bao nhiêu %, cấp giữa bao nhiêu %, cấp dưới bao nhiêu %?”- đại biểu Bùi Thị An chất vấn lãnh đạo TP HN trong buổi họp sáng nay.
Đất đai: Không "nóng" như mong đợi
Buổi chất vấn sáng 21/7 mở đầu với vấn đề đất đai, hứa hẹn rất nhiều "năng lượng để dành" sẽ đồng loạt "giải phóng". Giám đốc Sở TN-MT&NĐ - Vũ Văn Hậu nhận được một số câu hỏi xung quanh vấn đề cải tạo các chung cư cũ trên địa bàn thành phố nói chung và đặc biệt là về 7 khu nhà gỗ nguy hiểm ngoài đê Chương Dương.
Trong số 17 khu nhà gỗ ở Chương Dương, có 6 nhà nguy hiểm, 1 nhà đã bị cháy. Ông Hậu cho biết, thành phố đã lập dự án và quy hoạch nhưng "mắc" ở chỗ Luật Đê điều chưa thông qua nên dù đã duyệt quy hoạch, duyệt dự án mà vẫn chưa tiến hành được.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiện phản ứng ngay với lời giải trình này. Ông đặt câu hỏi: "Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm với tài sản và tính mạng của dân khi những khu nhà này sập, trong khi chúng ta vẫn đang ngồi chờ Luật Đê điều?". Ông Hậu "chữa cháy": "Thành phố sẽ huy động khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp ở khu Cầu Diễn - Nhổn để tạm di dời dân những nơi có nguy cơ cao. Nhưng vấn đề trách nhiệm với những khu nhà nguy hiểm là của toàn thể Đảng bộ nhân dân thành phố, không thể quy định là trách nhiệm của ngành nào cụ thể được. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng để không xảy ra việc gì đáng tiếc".
Một trong những câu hỏi chất vấn trong danh mục mà ông Hậu được giao trả lời là giải quyết kiến nghị của cử tri Sóc Sơn xung quanh chính sách đền bù, đảm bảo môi trường, đời sống cho người dân khu vực bãi rác Nam Sơn. Bãi rác Nam Sơn hình thành từ năm 1999 với diện tích 83,4ha. Ông Hậu khẳng định: "Khu vực bãi rác này hiện đã được khắc phục, mùi hôi, ruồi nhặng giảm, đường sá sạch, không khí, nguồn nước mặt, nước ngầm đều đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam".
Sở TN-MT&NĐ cũng lý giải gần đây có hiện tượng ô nhiễm nguồn nước ao hồ ở đây là do nhiều người dân vào bãi nhặt rác gây ra. Trong tháng 7 này, cơ quan chức năng đã có biện pháp cấm dân nhặt rác ở khu vực này nên đã cơ bản khắc phục được việc ô nhiễm nước mặt.
Nội dung "báo công" về những chương trình xã hội tốt đẹp đã làm được ở khu bãi rác Nam Sơn này không thuyết phục được các đại biểu. Đại biểu Đỗ Căn cao giọng: "Sao Sở hứa cung cấp nước sạch cho dân nhưng đã 8 năm từ khi bãi rác đi vào hoạt động dân vẫn chưa có nước dùng. Dự án này đến bao giờ mới thành hiện thực?".
Chỉ có phần vế sau của câu hỏi được trả lời: "Dự án cung cấp nước cho 3 thôn này đang làm thủ tục hoàn thiện. Tháng 8 tới sẽ hoàn thành thủ tục để đấu thầu xây dựng và sẽ sớm có đường cấp nước cho 3 thôn này".
Phần chất vấn về đất đai kết thúc nhanh vì phần giải trình các câu hỏi “nêu trước” của Sở TN-MT&NĐ chiếm phần lớn thời lượng. Nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề mong đợi vẫn chưa kịp được đề cập. Với những câu hỏi trực tiếp, đại diện cử tri quận Đống Đa nhận xét: "Phần lớn các câu hỏi chưa sắc, chưa thể hiện đúng tầm của vấn đề đất đai”.
Dự án chậm do lãnh đạo, điều hành
Về sự chậm trễ của dự án cầu Vĩnh Tuy, theo ông Đỗ Hoàng Ân - Phó chủ tịch thường trực UBND TP, có một phần từ “dư chấn” của vụ PMU 18. Sự thay đổi một số lãnh đạo cấp cao của ngành Giao thông sau vụ này đã khiến cho những thủ tục cũng như những hỗ trợ của ngành cho thành phố bị chậm lại. Thêm vào đó, công tác giải phóng mặt bằng của quận Hai Bà Trưng dù được đánh giá cao nhưng cũng chậm hơn kế hoạch đến… hơn nửa năm. Ở phía bên kia, quận Long Biên vẫn còn thiếu 60-70% nhà tái định cư cho người dân.
Đại biểu Vũ Đức Tâm nêu vấn đề: người dân đang rất quan tâm đến nhà tái định cư ở Gia Lâm và đòi hỏi được biết nguyên nhân của việc phải chờ đợi? Ông Ân lí giải rằng, cho đến khi dự án được phê duyệt, việc chuẩn bị quĩ nhà đất cho di dân mới được bắt đầu.
Đại biểu Trần Văn Thanh tỏ ra “lăn tăn” về năng lực của chủ đầu tư gói thầu từ cầu Vĩnh Tuy đến đường 5, bởi quận đã giao mặt bằng nhưng không thấy chủ đầu tư vào cuộc, ngoài việc cho mấy chiếc máy đến “cào cào” vài nhát vào hôm bàn giao.
“Thành phố sẽ đốc thúc chủ đầu tư và trong trường hợp đốc thúc không có hiệu quả sẽ xem xét lại chủ đầu tư”, ông Ân trấn an.
Tiến độ “ì ạch” của hai công viên Định Công và Tuổi Trẻ được lãnh đạo thành phố lí giải bởi sự yếu kém của các cấp các ngành, yếu kém của các chủ đầu tư. Trong khi đó, công tác giải phóng mặt bằng tại công viên Yên Sở khá tốt, nhưng chủ đầu tư lại yếu và thành phố đang tính đến việc tìm các chủ đầu tư có lực hơn.
“Bắt” vào câu trả lời về sự yếu kém của các ngành, các cấp, đại biểu Bùi Thị An “tung” ra một câu hỏi chất vấn khá hay: “cấp trên bao nhiêu %, cấp giữa bao nhiêu % và cấp dưới bao nhiêu %?”. Không hiều vì sao câu hỏi này đã không được ông Ân trả lời.
Bà An nêu tiếp: “Nếu có vấn đề trong lựa chọn chủ đầu tư thì trách nhiệm thuộc về ai?”. Ông Ân “hoá giải” câu hỏi này bằng bối cảnh lịch sử: cách đây bảy năm thành phố chưa có qui chế về lựa chọn chủ đầu tư và chủ đầu tư công viên Tuổi Trẻ là do Thành đoàn giới thiệu, trong khi chủ đầu tư công viên Đống Đa do quận giới thiệu. Dẫu vậy, ông Ân cũng khẳng định, thành phố sẽ có những điều chỉnh, thay đổi.
Cấn Cường - Phương Thảo