1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đắk Lắk:

Dự án cầu nối Đắk Lắk và Gia Lai bị thu hồi vốn, dở dang suốt 4 năm

Thúy Diễm

(Dân trí) - Không giải phóng được mặt bằng, thi công kéo dài thời gian, dang dở, dẫn đến dự án cầu 110 nối 2 tỉnh Đắk Lắk Gia Lai bị Bộ GTVT dừng dự án, thu hồi vốn.

Đắk Lắk xin được bố trí vốn hoàn thiện cầu bỏ không 4 năm

Mới đây, trao đổi PV Dân trí, ông Võ Văn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - xác nhận, tỉnh đã tiếp tục có văn bản kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ xem xét bố trí vốn để hoàn thiện dự án cầu 110 nối liền hai tỉnh Đắk Lắk - Gia Lai.

Dự án cầu nối Đắk Lắk và Gia Lai bị thu hồi vốn, dở dang suốt 4 năm - 1

Cầu 110 nối hai tỉnh Đắk Lắk - Gia Lai bị thu hồi vốn do không giải phóng được mặt bằng, chậm trễ trong thi công (Ảnh: Thúy Diễm).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, phía bên Gia Lai áp dụng giá đền bù khác và phía bên Đắk Lắk áp dụng mức bồi thường khác. Vì vậy, người dân tại Đắk Lắk so sánh, cho rằng giá đền bù thấp hơn nên không đồng ý bàn giao mặt bằng cho thi công.

"Cầu 110 là dự án thuộc Bộ GTVT đầu tư nên tỉnh Đắk Lắk không thể trích ngân sách tỉnh ra để thực hiện. Cây cầu chậm đưa vào sử dụng đã làm ảnh hưởng đến việc đi lại, lưu thông hàng hóa của tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh Bắc Tây Nguyên và Duyên hải Miền Trung nên rất mong Bộ GTVT sớm có chủ trương để phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng (GPMB), tiến hành thi công hoàn thiện", ông Cảnh chia sẻ.

Theo đó, UBND tỉnh đã kiến nghị bổ sung nguồn vốn cho cầu 110 khoảng 3,4 tỷ đồng (trong đó, khoảng 1,1 tỷ đồng cho công tác GPMB và số còn lại chi phí xây lắp).

Dự án cầu nối Đắk Lắk và Gia Lai bị thu hồi vốn, dở dang suốt 4 năm - 2

Đoạn cầu nối với tỉnh Đắk Lắk đã dừng thi công hơn 4 năm qua (Ảnh: Thúy Diễm).

Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị, trường hợp Bộ GTVT chưa bố trí vốn kịp thời, thì Bộ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ để thống nhất giao cho tỉnh Đắk Lắk ứng trước nguồn ngân sách địa phương để thực hiện và Bộ có văn bản cam kết hoàn ứng lại cho tỉnh trong giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, hiện nay Bộ GTVT chưa có phản hồi tỉnh về kiến nghị trên.

Dân so bì giá bồi thường giữa 2 tỉnh, không bàn giao mặt bằng

Theo hồ sơ, tháng 2/2017, Bộ GTVT có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án đường Hồ Chí Minh. Trong đó, có bổ sung hạng mục xây dựng cầu 110 có chiều dài 817m với chi phí khoảng 24 tỷ đồng và giao cho Ban quản lý dự án (BQLDA) đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư.

Tháng 7/2017, UBND tỉnh có công văn về GPMB thi công xây dựng cầu 110 đoạn qua địa phận tỉnh Đắk Lắk nhưng do hạng mục công trình xây dựng chưa có trong Kế hoạch sử dụng đất năm 2017 của huyện Ea H'Leo (UBND tỉnh phê duyệt tháng 12/2016), nên không thể ban hành thông báo thu hồi đất trong năm 2017.

Dự án cầu nối Đắk Lắk và Gia Lai bị thu hồi vốn, dở dang suốt 4 năm - 3

Khi hoàn thành, cầu 110 sẽ có cả chiều đi, chiều về thuận tiện cho việc lưu thông, kết nối giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh Bắc Tây Nguyên và Duyên hải Miền Trung (Ảnh: Thúy Diễm).

Tháng 4/2018, UBND huyện Ea H'leo phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB và đã tổ chức chi trả tiền cho các hộ theo phương án được phê duyệt.

Báo cáo UBND tỉnh Đắk Lắk nêu rõ, ngày 8/5/2018, huyện Ea H'leo tổ chức bàn giao mặt bằng, dù không gặp vướng mắc, cản trở từ phía người dân nhưng chủ đầu tư không thi công mà chờ bên phía huyện Chư Pưh (Gia Lai) bàn giao mặt bằng mới tổ chức thi công tiếp.

Cuối tháng 9/2018, huyện Chư Pưh chi trả tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng, đơn vị thi công tiếp tục triển khai các hạng mục của dự án thì 21 hộ dân thuộc thôn 1 (xã Ea H'Leo) ra ngăn cản không cho thi công và yêu cầu phải bồi thường như huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai). Tuy nhiên, phía huyện đối chiếu các quy định thì yêu cầu này của dân không có cơ sở xem xét giải quyết.

Dự án cầu nối Đắk Lắk và Gia Lai bị thu hồi vốn, dở dang suốt 4 năm - 4

Tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT có phương án trình Chính phủ sớm bố trí vốn hoàn thành cây cầu này (Ảnh: Thúy Diễm).

Tỉnh Đắk Lắk chỉ rõ nguyên nhân do 2 địa phương áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ không đồng bộ, dẫn đến các hộ dân chưa đồng thuận, so bì, cản trở, chống đối, không hợp tác với chính quyền địa phương.

Do đó, cầu 110 chỉ mới hoàn thành 88% dự án và còn lại 12% phải tạm dừng do vướng mắc mặt bằng. Bên cạnh đó, do nguồn vốn trái phiếu Chính phủ từ năm 2016-2018 cho dự án đường Hồ Chí Minh không được kéo dài sang năm 2019 nên đã bị thu hồi về ngân sách nhà nước.

Lỗi cả chủ đầu tư, lẫn phía huyện (!)

Dự án cầu nối Đắk Lắk và Gia Lai bị thu hồi vốn, dở dang suốt 4 năm - 5

Nhu cầu lưu thông qua lại tại cầu 110 của người dân rất lớn (Ảnh: Thúy Diễm).

Về trách nhiệm chậm GPMB, chậm thi công các hạng mục công trình, dẫn tới Bộ GTVT triển khai thủ tục dừng dự án, thu hồi vốn, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ rõ, vào thời điểm tháng 5/2018, việc chậm thi công sau khi nhận bàn giao mặt bằng, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và đơn vị thi công.

Vào thời điểm tháng 12/2018, khi người dân cản trở, tập trung đông người, trách nhiệm thuộc UBND huyện Ea H'leo khi bảo vệ thi công không thành, dẫn đến không thi công được.

Ngoài ra, giữa phía BQLDA đường Hồ Chí Minh và phía UBND huyện đã không có sự phối hợp với nhau trong việc triển khai dự án này.

Dự án cầu nối Đắk Lắk và Gia Lai bị thu hồi vốn, dở dang suốt 4 năm - 6

Phía chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cũng sẽ có tờ trình xin được bố trí vốn để sớm hoàn thành cầu 110 (Ảnh: Thúy Diễm).

Một đại diện BQLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, thời điểm thi công cầu 110 vướng mặt bằng do phía huyện Ea H'leo không bàn giao mặt bằng "sạch" nên không thi công và đơn vị đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk phê duyệt quyết định mới, tăng thêm khoảng 1,1 tỷ đồng GPMB.

"Tuy nhiên, khi phê duyệt xong xin kéo dài vốn của dự án thì không được vì Chính phủ đã quyết toán vốn đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Hiện không có vốn nên chưa thể hoàn thành dự án, phía Ban đang trình xin nguồn vốn mới và rất nóng ruột khi để dự án dở dang như vậy", vị đại diện BQLDA đường Hồ Chí Minh cho hay.