1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Dự án cáp treo nối chùa Hương với chùa Tiên xin cấp phép môi trường

Thế Kha

(Dân trí) - Cáp treo Hương Bình có tổng mức đầu tư 1.726 tỷ đồng giúp việc di chuyển từ chùa Hương (Hà Nội) tới hang động chùa Tiên (Hòa Bình) chỉ hơn 9 phút, thay vì mất 2-3 giờ di chuyển 50km đường bộ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công khai tham vấn cộng đồng Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường cho Dự án cáp treo Hương Bình (xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình và xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

Dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.726 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV Du lịch Thái Bình làm chủ đầu tư đã được khởi công vào tháng 5/2023.

Dự án cáp treo nối chùa Hương với chùa Tiên xin cấp phép môi trường - 1

Dự án cáp treo Hương Bình có tổng mức đầu tư trên 1.726 tỷ đồng (Ảnh minh họa: Thanh Bình).

Sử dụng nhiều đất rừng, xây dựng loạt biệt thự nghỉ dưỡng

Dự án có quy mô trên 35ha (bao gồm diện tích hành lang an toàn 30m của tuyến cáp treo), chiều dài toàn tuyến gần 3km, đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Trên địa bàn huyện Lạc Thủy (Hòa Bình), dự án sử dụng trên 37.000m2 đất rừng thuộc hành lang an toàn tuyến cáp treo. Toàn bộ diện tích đất thuộc xã Phú Nghĩa đã được chủ dự án thực hiện thuê đất và được cấp các giấy chứng nhận sử dụng đất.

Ở địa bàn huyện Mỹ Đức (Hà Nội), dự án có 2.720m2 đất rừng đặc dụng chiếm dụng vĩnh viễn để xây dựng móng trụ cáp, hiện trạng là núi đá, không có cây rừng - đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội xác nhận.

Báo cáo gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, chủ đầu tư sẽ xây dựng 86 căn biệt thự nghỉ dưỡng (tổng diện tích 32.400m2), đáp ứng phục vụ được 428 khách. Trong đó có 42 biệt thự nghỉ dưỡng cỡ lớn có diện tích 400m2/lô, 44 căn biệt thự diện tích vừa khoảng 350m2/lô và đều cao 2 tầng, nằm ở vị trí sườn đồi.

Khu thương mại dịch vụ sẽ xây dựng cao tối đa 2 tầng với tổng diện tích trên 20.000m2, có khả năng đón tiếp 370 khách.

Ngoài ra, chủ đầu tư sẽ xây dựng khu đất trồng cây xanh - mặt nước, sân vườn cảnh quan, cổng chào đón tại trục cảnh quan chính dẫn vào dự án.

Doanh nghiệp cho rằng dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ ô nhiễm môi trường theo Phụ lục II của Nghị định số 08/2022 của Chính phủ nên hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội khu vực dự án và lân cận.

Nước thải của dự án sau khi xử lý sơ bộ sẽ được dẫn vào các hệ thống xử lý nước thải chung của dự án có tổng công suất 130m3/ngày đêm (hệ thống khu ga Hòa Bình công suất 30m3/ngày đêm và hệ thống khu ga Hà Nội là 100m3/ngày đêm) để xử lý.

Dự án cáp treo nối chùa Hương với chùa Tiên xin cấp phép môi trường - 2

Vị trí tuyến cáp treo Hương Bình nằm tại vùng trũng của tam giác tâm linh chùa Hương, chùa Tiên và quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc (Ảnh: CĐT).

Đến nay, theo chủ đầu tư, dự án cáp treo Hương Bình đã cơ bản hoàn thiện xong các hạng mục công trình bảo vệ môi trường.

Di chuyển giữa 2 danh thắng chỉ hết 9 phút

Dự án cáp treo Hương Bình được đầu tư với mục tiêu kết nối quần thể danh lam thắng cảnh hang động chùa Tiên (Hòa Bình) và quần thể danh thắng chùa Hương (Hà Nội) tạo thành quần thể "Hương Tiên Động" du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

Khi dự án hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển qua lại giữa hai địa danh trên chỉ còn hơn 9 phút đi cáp treo, thay vì khoảng 2-3 giờ di chuyển 50km đường bộ.

Chủ đầu tư cam kết sẽ lắp đặt hệ thống báo cháy, ngăn cháy, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu vực rừng được giao quản lý.