DNews

Đồng Nai muốn xây cầu Cát Lái sớm, TPHCM lại chưa muốn xây

Phước Tuần Tâm Linh

(Dân trí) - UBND Đồng Nai cho rằng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đang quá tải, việc xây dựng cầu Cát Lái là cấp thiết trong bối cảnh sân bay Long Thành đưa vào khai thác năm 2026.

Đồng Nai muốn xây cầu Cát Lái sớm, TPHCM lại chưa muốn xây

Ngày 30/8, UBND tỉnh Đồng Nai cho hay, vừa có văn bản gửi UBND TPHCM về phương án kết nối giữa hai địa phương, gồm cầu Cát Lái. Trước đó lãnh đạo 2 địa phương đã làm việc 5 lần nhưng chưa thống nhất được thời gian xây cầu.

Đồng Nai rất muốn sớm xây cầu Cát Lái

Trong văn bản mới gửi UBND TPHCM, UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất hướng tuyến xây cầu Cát Lái theo ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ (ngày 9/5/2017) và quy hoạch chung đô thị Nhơn Trạch với quy mô 6 làn xe. Bên cạnh đó, nhằm sớm xóa bỏ phà Cát Lái hiện nay đã quá tải, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục đề xuất thời gian triển khai thực hiện dự án trong giai đoạn năm 2021-2025.

Đồng Nai muốn xây cầu Cát Lái sớm, TPHCM lại chưa muốn xây - 1

Ông Nguyễn Bôn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết, sau 5 lần làm việc với Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hiện hai địa phương chưa thống nhất được phương án, đang rà soát lại về mặt quy hoạch. Theo ông Bôn, tỉnh Đồng Nai cần triển khai sớm cầu Cát Lái vì đây là công trình rất quan trọng không chỉ kết nối giao thông giữa TPHCM và Đồng Nai mà còn cho cả khu vực.

Hiện tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đã quá tải, thường xuyên ùn tắc vào cuối tuần, trong khi dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào khai thác vào năm 2026. Nếu đợi sau năm 2030 mới khởi công dự án theo đề xuất trước đó của TPHCM thì áp lực quá tải giao thông liên kết vùng rất lớn.

Được biết dự án đầu tư xây dựng cầu Cát Lái vượt sông Đồng Nai nối Đồng Nai và TPHCM thay thế phà Cát Lái hiện hữu, đã được quy hoạch từ 20 năm nay. Theo kế hoạch cầu có điểm đầu kết nối nút giao Mỹ Thủy (trên đường Vành đai 2) và điểm cuối kết nối với tỉnh lộ 25B, cách bến phà Cát Lái khoảng 1km.

Cầu thay phà Cát Lái là dự án cầu đường bộ có vai trò rất quan trọng và được kỳ vọng tạo đột phá kết nối giữa khu Đông Sài Gòn với các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Dự án dự kiến có tổng mức đầu tư dự kiến trên 7.200 tỷ đồng, thiết kế dây văng, rộng 37m, 6 làn ô tô, 3 làn xe thô sơ, và lề đi bộ mỗi bên 1,5m...

Đồng Nai muốn xây cầu Cát Lái sớm, TPHCM lại chưa muốn xây - 2

Đường vào phà Cát Lái vẫn là điểm nóng về kẹt xe tại TPHCM nhiều năm qua (Ảnh: H.G).

Rất nhiều lần, hai địa phương TPHCM và Đồng Nai "ngồi lại" với nhau, cùng bàn bạc thống nhất phương án xây, địa điểm xây, nguồn vốn, địa phương chủ đầu tư và thời điểm xây, tuy nhiên đã hàng chục năm trôi qua, dự án vẫn chưa biết ngày nào được chính thức khởi công.

TPHCM lại chưa muốn xây

Ông Nguyễn Bôn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai cho biết, phía TPHCM có khó khăn do tuyến đường Nguyễn Thị Định là tuyến độc đạo vào khu vực cảng Cát Lái đang quá tải và thường xuyên bị ùn tắc. 

Trước đó, giữa tháng 7, UBND TPHCM có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai có ý kiến thống nhất các nội dung về phương án kết nối giữa TPHCM với Đồng Nai về việc xây cầu Cát Lái.

Đồng Nai muốn xây cầu Cát Lái sớm, TPHCM lại chưa muốn xây - 3

Cầu Nhơn Trạch dài 2,6km nối TP Thủ Đức sang huyện Nhơn Trạch là cầu lớn nhất trong dự án đường Vành đai 3 TPHCM với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng (Ảnh: Hoàng Bình).

Đối với cầu thay phà Cát Lái, UBND TPHCM đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất hướng tuyến theo ý kiến chấp thuận của Thủ tướng với quy mô đầu tư 6 làn xe. Thời gian đầu tư xây dựng khi tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - Vành đai 3 hoàn thành đưa vào khai thác.

Lý giải về việc chưa thống nhất, TPHCM nêu rõ các lý do. Cụ thể, về thời gian đầu tư cầu thay phà Cát Lái, hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đang đầu tư cầu Nhơn Trạch với quy mô 4 làn xe. Dự kiến, dự án sẽ tiếp tục bổ sung đầu tư 4 làn xe phục vụ nhu cầu kết nối giao thông cho xe thô sơ. Thời gian dự kiến hoàn thành vào năm 2026.

Khi hoàn thành cầu Nhơn Trạch, về cơ bản đã giải quyết được một phần nhu cầu kết nối giữa huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và TPHCM. Ngoài ra, hiện nay tuyến đường Nguyễn Thị Định ra vào cảng Cát Lái phía TPHCM đã quá tải, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Đây là cửa ngõ vào cảng Cát Lái, lượng xe ra vào cảng rất lớn.

Do đó, TPHCM đang nghiên cứu chủ trương đầu tư xây dựng đường Liên cảng Cát Lái - Phú Hữu, kết nối từ đường Nguyễn Thị Định đến nút giao vành đai 3. Thời gian dự kiến hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2026-2030.

TPHCM cho rằng thời gian xây dựng phà Cát Lái sẽ thực hiện khi hoàn thành tuyến đường Liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - Vành đai 3 và đưa vào khai thác (dự kiến giai đoạn 2026-2030) là phù hợp.

Đầu tháng 7/2022, Sở Giao thông vận tải TPHCM đã có văn bản đề nghị Văn phòng UBND TPHCM tham mưu Chính quyền TPHCM xem xét đề xuất 5 phương án xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái hiện hữu. Một trong các phương án đề xuất đã được chọn, đó là phương án 4, được đánh giá khả thi nhất.

Cảng Cát Lái có lượng phương tiện ra vào rất lớn hàng ngày (Ảnh: D.T).

Cảng Cát Lái có lượng phương tiện ra vào rất lớn hàng ngày (Ảnh: D.T).

Theo phương án này, hướng tuyến có điểm đầu trên đường trục Bắc - Nam, qua Rạch Dĩa, cắt đường Nguyễn Lương Bằng và đi trùng với đường Hoàng Quốc Việt, cắt đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TPHCM), vượt sông Đồng Nai qua các xã Phú Hữu, Phú Đông (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Tiếp đó rẽ phải đi trùng đường quy hoạch kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành tại điểm cuối dự án. Tổng chiều dài toàn tuyến 13,71km; riêng chiều dài phần cầu vượt sông là 3,5km.

Lùi thời gian xây cầu là không đúng tinh thần Nghị quyết 98

Trao đổi với Dân trí, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường TPHCM, đưa ra quan điểm cần sớm đầu tư cầu thay phà Cát Lái.

Theo TS, về mặt quy hoạch, các dự án cầu kết nối với giữa TPHCM và Đồng Nai đã được Trung ương hoạch định đầy đủ. Về mặt hạ tầng thì đương nhiên việc đấu nối hạ tầng giao thông mang tính cấp bách, đặc biệt là cầu đường.

Đồng Nai muốn xây cầu Cát Lái sớm, TPHCM lại chưa muốn xây - 5

Cảng Cát Lái có đến 5 cổng ra vào nhưng chỉ có mỗi tuyến đường độc đạo khá hẹp để dẫn vào, cùng với lượng xe du lịch qua phà Cát Lái những dịp lễ dồn lại khiến tình trạng kẹt xe nghiêm trọng hơn (Ảnh: Trần Đạt).

Việc UBND TPHCM muốn lùi thời gian xây cầu thay phà Cát Lái là không đúng tinh thần Nghị quyết 98. Nghị quyết 98 được áp dụng tạo cơ hội để TPHCM trên đà liên kết các vùng miền, nhất là các vùng phụ cận như Đồng Nai. Trên tinh thần Nghị quyết 98 thì việc đầu tư cầu là quá cần thiết, không chỉ phục vụ giao thông mà quan trọng hơn cả là phát triển liên vùng.

"Vì vậy nên tiến hành xây cầu thay phà Cát Lái đồng thời với cầu Nhơn Trạch thuộc đường Vành đai 3. Càng có cầu sớm thì càng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo lưu thông tiết kiệm thời gian và tiền bạc", TS Phạm Viết Thuận lý giải.

Mặt khác, UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị đầu tư xây cầu thay phà Cát Lái trước năm 2025 với mục đích sớm xóa bỏ phà hiện hữu. TS Phạm Viết Thuận không đồng tình với việc bỏ phà, mà cho rằng vẫn phải sử dụng song song với cầu bắc ngang sông.

Theo chuyên gia, thứ nhất, hoạt động phà cũng là một nguồn thu của hai địa phương. Doanh thu từ phà Cát Lái trước đây có sự sụt giảm do ảnh hưởng của tình trạng kẹt xe ở cửa ngõ bến phà, gây trì trệ lưu thông, thời gian và lượng phí.

Đồng Nai muốn xây cầu Cát Lái sớm, TPHCM lại chưa muốn xây - 6

Theo TS Phạm Viết Thuận dù xây thêm cầu mới nhưng phà Cát Lái vẫn giữ lại để phục vụ nhu cầu đi lại cao của người dân (Ảnh: Hoàng Bình).

Song TPHCM cũng đang nghiên cứu chủ trương xây dựng đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu kết nối vào đường Nguyễn Thị Định đến nút giao Vành đai 3 để giải quyết tuyến đường ra vào cảng Cát Lái thường xuyên ùn ứ quá tải giao thông (dự kiến hoàn thành vào 2026-2030).

Nhu cầu giao thông vận tải giữa TPHCM và các vùng rất lớn. Trong tương lai khi đường đi phà thông thoáng hơn, sẽ tạo điều kiện cho lưu thông dân sinh lẫn hàng hóa, giảm tải cho cầu đường. Tuy nhiên, TS Phạm Viết Thuận đặt vấn đề, vướng mắc lớn nhất vẫn là nguồn vốn.

"Muốn phát triển địa phương hay đất nước thì đầu tư hạ tầng vẫn là tiêu chí hàng đầu. TPHCM muốn phát triển nhanh thì ngoài tập trung phát triển hạ tầng, còn cần tận dụng cơ chế mới để tranh thủ nguồn vốn, sớm triển khai xây dựng các cây cầu đấu nối liên vùng", chuyên gia nói.

Đồng Nai muốn xây cầu Cát Lái sớm, TPHCM lại chưa muốn xây - 7

Đường dẫn vào phà Cát Lái vào ban đêm, dòng xe nối đuôi dài chờ lên phà (Ảnh: Hải Long).

Bổ sung quy hoạch cầu Đồng Nai 2 và Phú Mỹ 2

Ngoài cầu thay phà Cát Lái, trong văn bản vừa gửi UBND TPHCM, UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất bổ sung cầu Đồng Nai 2 và cầu Phú Mỹ 2 vào quy hoạch tỉnh với quy mô 6 làn xe. Giai đoạn đầu tư năm 2026-2030.

Trong đó, cầu Đồng Nai 2 kết nối từ đường vành đai 3 - TPHCM tại nút giao Gò Công (thuộc phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức) kết nối với tuyến đường tỉnh 777B (thuộc xã Tam An, huyện Long Thành).

Còn cầu Phú Mỹ 2 kết nối từ đường Nguyễn Hữu Thọ đi theo đường Hoàng Quốc Việt, vượt sông Đồng Nai theo hướng vuông góc kết nối sang huyện Nhơn Trạch, đi cắt ngang khu dân cư Phú Hữu.