1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

"Dồn lực" xử lý các vụ có giá trị trên 20 tỷ, 3 năm chưa thi hành xong

Thế Kha

(Dân trí) - Tập trung xử lý các vụ có điều kiện thi hành án, giá trị trên 20 tỷ đồng và 3 năm chưa thi hành xong; đặc biệt liên quan đến các ngân hàng lớn như Agribank, VPBank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank,...

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) vừa ký ban hành Kế hoạch năm 2022 của Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng.

Tổ công tác được yêu cầu tập trung chỉ đạo giải quyết, xử lý có hiệu quả các vụ có điều kiện thi hành, giá trị trên 20 tỷ đồng và 3 năm chưa thi hành xong. Đặc biệt tập trung vào các tổ chức tín dụng ngân hàng có số việc, tiền chưa thi hành lớn như Agribank, VPBank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Techcombank,…

Tổng cục Thi hành án dân sự cũng sẽ tiến hành kiểm tra việc tổ chức thi hành án tại một số địa phương có nhiều vụ việc thi hành án có điều kiện, giá trị lớn, còn tồn đọng như TPHCM, Hải Phòng, Hà Nội, tỉnh Nghệ An và Ninh Bình,…

Dồn lực xử lý các vụ có giá trị trên 20 tỷ, 3 năm chưa thi hành xong - 1

Cơ quan thi hành án dân sự đang tập trung phối hợp với các cơ quan chuyên môn xử lý các tài sản liên quan đến vụ án của Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm).

Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch này, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các địa phương phải chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả thi hành án liên quan đến khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đảm bảo kết quả thi hành án năm 2022 đạt tỷ lệ cao hơn năm 2021.

"Tập trung kiểm tra một số đơn vị có lượng án tín dụng ngân hàng có điều kiện thi hành, giá trị phải thi hành lớn, còn khó khăn, vướng mắc; đã bán đấu giá tài sản thành nhưng chưa giao cho người mua trúng đấu giá"- cơ quan này nêu rõ.

Qua việc theo dõi, rà soát số liệu năm 2021, Tổng cục Thi hành án dân sự nhận thấy, năm 2021, một số cơ quan lựa chọn tên các tổ chức tín dụng vẫn có tình trạng bị sai sót, nhầm lẫn, dẫn đến số liệu về việc và về tiền phải thi hành cho các tổ chức tín dụng chưa chính xác. Hơn nữa, phân loại việc chưa đảm bảo, số liệu tiền còn phải điều chỉnh nhiều lần.

"Do đó, đề nghị nghiêm túc thực hiện chế độ thống kê báo cáo trong năm 2022. Nhận được công văn này, yêu cầu Cục trưởng cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai thực hiện"- Tổng cục Thi hành án dân sự nhấn mạnh.

Như Dân trí phản ánh trước đó, Bộ Tư pháp cho biết trong năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng ngay sau khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng, các cơ quan thi hành án đã thu được trên 5.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thi hành xong lên trên 9.000 tỷ đồng.

Kết quả thu hồi tài sản đối với các vụ việc tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo cũng đạt được kết quả tích cực.

Trong đó, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp liên ngành Trung ương để tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thu hồi tài sản là đất nông nghiệp đã hết hạn sử dụng, tài sản là cổ phần, cổ phiếu trong vụ Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín), vụ Dương Thanh Cường (cựu Tổng Giám đốc Công ty Bình Phát), vụ Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB).

Đồng thời phối hợp với Thành ủy, UBND, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự TP Đà Nẵng tổ chức họp liên ngành Trung ương để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo trên địa bàn gồm: Vụ Phạm Công Danh, vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) và đồng phạm, vụ Trần Văn Minh…

Dồn lực xử lý các vụ có giá trị trên 20 tỷ, 3 năm chưa thi hành xong - 2

Bà Phạm Thị Bích Lương - nguyên Giám đốc Agribank Nam Hà Nội phải bồi thường gần 1.400 tỷ đồng nhưng mới chỉ nộp lại hơn 1 tỷ đồng đã... hết tài sản (?!).

Một số bản án tòa án tuyên với số tiền thu hồi đặc biệt lớn, nhưng tài sản để đảm bảo thi hành án rất ít. Cụ thể trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó phòng quản lý rủi ro Vietinbank chi nhánh TPHCM) có số tiền phải thi hành hơn 11.000 tỷ đồng nhưng số tài sản kê biên ước tính chỉ hơn 500 tỷ đồng; vụ Phạm Thị Bích Lương (cựu Giám đốc Agribank Nam Hà Nội) số tiền phải thi hành hơn 2.500 tỷ đồng nhưng tài sản kê biên, xử lý chưa được 10 tỷ đồng (!).