1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Đòi trường đại học bồi thường vì bị giữ bằng cử nhân 30 năm

Thế Kha

(Dân trí) - Ông Dương Thế Hảo (65 tuổi, Hà Nội) đề nghị tòa án giải quyết yêu cầu đòi trường Đại học Kinh tế quốc dân bồi thường thiệt hại, tổn thất tinh thần do giữ bằng cử nhân của mình gần 30 năm.

Ban Nội chính Trung ương mới đây có văn bản gửi TAND Tối cao đề nghị giải quyết sự việc ông Dương Thế Hảo (65 tuổi, trú tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) phản ánh tòa án ở Hà Nội chậm trễ xử lý yêu cầu đòi trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội bồi thường thiệt hại.

Ông Hảo là cựu sinh viên Khoa Kinh tế công nghiệp khóa 26-27 hệ chính quy của trường Đại học Kinh tế quốc dân, đã hoàn thành khóa học và kỳ thi tốt nghiệp nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc nhận bằng tốt nghiệp.

Theo ông Hảo, suốt thời gian dài trường Đại học Kinh tế quốc dân giữ bằng tốt nghiệp và các giấy tờ gốc có liên quan của ông. Sau khi bị ông Hảo khởi kiện, năm 2019 tại tòa án, trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã trả bằng tốt nghiệp đại học và hồ sơ gốc cho ông Hảo.

Liên quan đến sự việc, lãnh đạo TAND Tối cao đã có ý kiến đề nghị Chánh án TAND TP Hà Nội xem xét phản ánh của ông Dương Thế Hảo về việc mở phiên tòa giải quyết yêu cầu được bồi thường thiệt hại do trường Đại học Kinh tế quốc dân gây ra.

Đòi trường đại học bồi thường vì bị giữ bằng cử nhân 30 năm - 1

Ông Dương Thế Hảo phản ánh tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân năm 1989 nhưng đến năm 2019 mới được nhà trường trả bằng và các hồ sơ gốc liên quan sau khi ông khởi kiện ra tòa (Ảnh: Thế Kha).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Dương Thế Hảo khẳng định, mình tốt nghiệp đại học năm 1989 nhưng không được cấp bằng tốt nghiệp mà chỉ được cấp giấy xác nhận đã hoàn thành khóa học, đã thi tốt nghiệp để đi xin việc.

"Ngay từ năm 1990 tôi đã đi đòi bằng tốt nghiệp đại học của mình nhưng nhà trường cứ khất lần, nay hứa mai hẹn với lý do thiếu phôi bằng tốt nghiệp. Hồ sơ lý lịch gốc của tôi cũng bị giữ lại trường. Bao nhiêu năm trời tôi gặp không ít khó khăn, vất vả khi đi xin việc làm, ổn định cuộc sống do hậu quả của việc đó gây ra", ông Hảo nói.

Ông Hảo thống kê, tính từ năm 1989 đến năm 2019 khi TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử việc ông khởi kiện trường Đại học Kinh tế quốc dân là 30 năm.

"Ra tòa họ mới trả bằng đại học cho tôi, sau đó họ thông báo đã tìm thấy hồ sơ và trả lại Sơ yếu lý lịch, Hồ sơ đoàn viên, Bằng tốt nghiệp cấp 3, Học bạ cấp 3, Lý lịch quân nhân, Quyết định xuất ngũ cho tôi. Tất cả đều là bản gốc, bản chính", ông Hảo nói và cho biết đang cất giữ các giấy tờ này để sẵn sàng đưa ra tòa đòi bồi thường.

Sau khi nhận được giấy tờ, ông Hảo tiếp tục yêu cầu trường Đại học Kinh tế quốc dân phải bồi thường thiệt hại, tổn thất về tinh thần cho cá nhân mình.

Từ vụ báo chí phản ánh sự việc cựu quân nhân Nguyễn Ngọc Lợi (Phú Thọ) 32 năm "cõng đơn" khiếu nại và được Thanh tra Chính phủ giải oan khuất, buộc trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên trả lại hồ sơ, giấy tờ và bồi thường thiệt hại, ông Dương Thế Hảo càng vững tin vì sự việc của mình cũng có tính chất tương tự.

Đòi trường đại học bồi thường vì bị giữ bằng cử nhân 30 năm - 2

Ông Dương Thế Hảo phản ánh, sau khi TAND quận Hai Bà Trưng tổ chức hòa giải không thành, sự việc rơi vào im lặng (Ảnh: Thế Kha).

Thông tin với phóng viên Dân trí, đại diện Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) đánh giá, sự việc của ông Dương Thế Hảo không thuộc trách nhiệm bồi thường nhà nước do trường Đại học Kinh tế Quốc dân là đơn vị sự nghiệp công lập. Nếu ông Hảo và nhà trường không thỏa thuận được với nhau về mức bồi thường tổn thất về kinh tế lẫn tinh thần thì phải giải quyết sự việc ở tòa án.

TAND quận Hai Bà Trưng đã mời ông Dương Thế Hảo và đại diện trường Đại học Kinh tế quốc dân tới trụ sở để hòa giải nhưng không thành công. Sau đó sự việc rơi vào im lặng, khiến ông Hảo phải gửi đơn thư tới Ban Nội chính Trung ương và TAND Tối cao.

Yêu cầu đính chính năm tốt nghiệp đại học

Thời gian qua, ông Dương Thế Hảo nhiều lần đề nghị Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Bộ Giáo dục và Đào tạo đính chính thông tin trên bằng tốt nghiệp đại học của mình.

Ông Hảo khẳng định tốt nghiệp đại học năm 1989, nhưng nhà trường nhầm lẫn, ghi tốt nghiệp năm 1994. Việc này đã khiến nhiều bạn bè cùng khóa, cùng lớp với ông bất ngờ. Nhiều người bạn ủng hộ ông Hảo đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm