1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cựu quân nhân 32 năm "cõng đơn" khiếu nại đòi bồi thường 12 tỷ đồng

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến các bộ ngành về việc ông Nguyễn Ngọc Lợi (71 tuổi, cựu quân nhân, bác sĩ) yêu cầu bồi thường tổng số tiền 12 tỷ đồng cho 32 năm "cõng đơn" khiếu nại oan sai.

Theo nguồn tin của phóng viên Dân trí, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH xin ý kiến về việc ông Nguyễn Ngọc Lợi (trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) yêu cầu bồi thường tổng số tiền 12 tỷ đồng cho  32 năm "cõng đơn" khiếu nại oan sai. Vụ việc này đã được Dân trí phản ánh trong thời gian dài.  

Thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, cuối năm 2021, Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên đã bàn giao cho ông Nguyễn Ngọc Lợi 19 loại giấy tờ, tài liệu có liên quan đến ông Lợi để thực hiện các thủ tục hưởng các chế độ chính sách theo quy định pháp luật.

Cựu quân nhân 32 năm cõng đơn khiếu nại đòi bồi thường 12 tỷ đồng - 1

Ông Nguyễn Ngọc Lợi trao đổi với phóng viên Dân trí trưa 21/12 (Ảnh: Thế Kha).

Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên đã chi trả cho ông Lợi gần 3,2 tỷ đồng. Trong đó, trường này thực hiện đóng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tiền lãi bảo hiểm xã hội trên 607 triệu đồng; ông Lợi phải đóng gần 94 triệu đồng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để được hưởng lương hưu.

Vì vậy, số tiền mà ông Nguyễn Ngọc Lợi còn nhận thực tế gần 2,5 tỷ đồng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay ông Lợi có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị có ý kiến chỉ đạo để Bộ này vận dụng các luật lệ, quy định của Nhà nước trích ngân sách phục hồi mọi quyền lợi chính đáng hợp pháp của cán bộ mất việc do bị xử lý oan sai.

Tổng số tiền còn lại ông Nguyễn Ngọc Lợi yêu cầu bồi thường trên 8,86 tỷ đồng, gồm 9 khoản: Tiền đào tạo các chứng chỉ sau đại học; tiền hỗ trợ mua nhà đang thuê của Nhà nước theo Nghị định 61/CP; tiền bù đắp ngoài lương do mất việc làm; tiền bù đắp tổn thương sức khỏe, tâm thần; tổn thương danh dự, mất cơ hội thăng tiến, mất khả năng tiếp cận dịch vụ công; tổn thất do bị tước quyền đi hợp tác lao động nước ngoài; thiệt hại do không có hồ sơ làm chứng chỉ hành nghề từ năm 2013; tiền bảo hiểm y tế cho người phụ thuộc (mẹ quân nhân); lãi suất chậm lương và phụ cấp trong 32 năm.

"Qua xét thấy, vụ việc ông Nguyễn Ngọc Lợi là chưa có trong tiền lệ", lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay.

Bộ này đề nghị các bộ ngành trên cho ý kiến về cơ sở pháp lý, thẩm quyền thẩm định số tiền mà ông Lợi yêu cầu bồi thường thiệt hại và phục hồi chính sách; trình tự, thủ tục để thực hiện việc chi trả 9 khoản đền bù thiệt hại và phục hồi chính sách theo yêu cầu của ông Lợi (nếu có).

Trao đổi với phóng viên Dân trí trưa 21/12, ông Nguyễn Ngọc Lợi cho rằng gần 40 năm trước khi ông bị vướng vào những chuyện oan trái thì chưa có Luật Bồi thường trách nhiệm của nhà nước.

"Tôi có những phần thiệt thòi không thể nào bù đắp được, đó là tổn thất về sức khỏe, tinh thần, danh dự và mất đi toàn bộ cơ hội lao động, học tập, sự thăng tiến về trình độ khoa học, học vị, học hàm và cấp bậc trong công vụ. Vụ việc của tôi xảy ra ở thời bao cấp, vì vậy tôi mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cần vận dụng các luật lệ, quy định của Nhà nước để trích ngân sách phục hồi mọi quyền lợi chính đáng hợp pháp của cán bộ, công nhân viên chức mất việc làm do bị xử lý oan sai", ông Lợi nói.

Ông Lợi nói do thuộc nhóm biệt phái, lưu dung tại Ủy ban Thống nhất của Chính phủ nên vụ việc của ông mới được Thủ tướng các nhiệm kỳ trực tiếp chỉ đạo giải quyết. 

Ông Nguyễn Ngọc Lợi mong muốn sự việc sẽ sớm có kết quả cuối cùng, bởi 32 năm khiếu nại đã khiến gia đình ông quá mệt mỏi.

Sự việc chưa từng có tiền lệ

Ông Nguyễn Ngọc Lợi sinh năm 1953 ở Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Vĩnh Phú (cũ), nay là tỉnh Phú Thọ, nguyên là quân nhân, thuộc diện cán bộ đi B, sau giải phóng miền Nam được Ủy ban Thống nhất của Chính phủ điều động về Ban Tổ chức tỉnh Vĩnh Phú và được tiếp tục cho đi học hoàn thiện văn hóa lớp 10 ở tỉnh Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ).

Sau khi ông Lợi tốt nghiệp cấp III, Ban Tuyển sinh - Ban Tổ chức tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt cho ông Lợi đi học; đồng thời Ủy ban Thống nhất của Chính phủ có Quyết định số 54/1977 điều động ông Lợi đến học tại Phân hiệu Đại học Y khoa miền núi (sau chuyển thành Đại học Y Bắc Thái, nay là Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên).

Ông Lợi được công nhận tốt nghiệp vào năm 1988 nhưng do việc bàn giao hồ sơ của Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên với Sở Y tế Vĩnh Phú thực hiện chưa đúng nên ông Lợi không được phân công công tác, không thể xin được việc làm chính thức và không được hưởng chính sách và các chế độ theo quy định.

Dù đã được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo nhưng sự việc vẫn không được các cơ quan có trách nhiệm liên quan giải quyết thỏa đáng.

Đến năm 2021, Thanh tra Chính phủ vào cuộc, ban hành kết luận khẳng định những việc làm đó đã gây ra hậu quả để ông Nguyễn Ngọc Lợi không được phân công công tác theo quy định của Chính phủ, không thể xin được việc làm chính thức, không thực hiện được các thủ tục để được hưởng các quyền lợi liên quan như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhà đất, chế độ dành cho người có công với cách mạng, chế độ sinh hoạt phí và các quyền, lợi ích chính đáng khác theo quy định pháp luật.

Sau khi kết luận được ban hành, các cơ quan liên quan mới cùng "ngồi lại" để tìm cách tháo gỡ, giải quyết oan sai và bồi thường cho ông Nguyễn Ngọc Lợi.

"Tôi không được công nhận là bộ đội, không phải công dân vì khi Chứng minh nhân dân hết hạn thì không được đăng ký lại, vì không có hộ khẩu. Lấy vợ không được đăng ký kết hôn vì không có cơ quan nào xác nhận. Con sinh ra không được khai sinh", ông Lợi từng trao đổi với phóng viên Dân trí như vậy sau khi vụ việc được Thanh tra Chính phủ kết luận.