(Dân trí) - Để được đứng trong hàng ngũ đội xe mô tô hộ tống, các cán bộ chiến sĩ phải đáp ứng các yêu cầu như quân dung sáng, đẹp; chiều cao (tối thiểu 175cm), cân nặng (tối thiểu 70kg), sức khỏe tốt...
"Cán bộ chiến sĩ lái mô tô hộ tống luôn là "lá chắn thép", nếu cần thiết, sẵn sàng lao thẳng vào đối tượng có ý định tấn công đoàn", Trung tá Thái Bình An (Phó đại đội trưởng Đại đội 3, Trung đoàn 375 Bộ Tư lệnh Cảnh vệ Bộ Công an) nói với phóng viên Dân trí.
Khác với suy nghĩ của nhiều người, ngoài thực hiện nhiệm vụ phục vụ nghi lễ Nhà nước, cán bộ chiến sĩ lái xe mô tô hộ tống thuộc Trung đội mô tô hộ tống, Đại Đội 3, Trung đoàn 375, còn được giao nhiệm vụ phối hợp bảo vệ nguyên thủ các nước sang thăm và làm việc tại Việt Nam; bảo vệ các đoàn khách cấp cao, các đại sứ trình quốc thư... đảm nhiệm trọng trách giữ gìn hình ảnh đẹp về đất nước Việt Nam trước bạn bè quốc tế.
27 năm đứng trong hàng ngũ Công an nhân dân, Trung tá An có đến 24 năm công tác tại Trung đội xe mô tô hộ tống. Thuộc hàng "tổ lái lão luyện" của đội, Trung tá An có cho mình một bộ sưu tập vô vàn những kỷ niệm về nghề.
Nhớ lại ngày dẫn đoàn cho nguyên thủ một nước ở châu Phi, Trung tá An kể khi đoàn gần đến cầu Chương Dương, một đối tượng lợi dụng lúc các lực lượng bảo vệ an ninh thực hiện nghi lễ chào khi đoàn xe đi qua để đi cắt ngang đoàn.
"Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, sĩ quan lái xe mô tô hộ tống luôn phải chủ động quan sát từ sớm, từ xa, phán đoán các tình huống có thể xảy ra trên đường đe dọa đến an ninh, an toàn cho đoàn trong quá trình di chuyển.
Vì vậy, khi phát hiện đối tượng đi xe máy ở phía bên kia đường chuẩn bị cắt ngang đoàn, ngay lập tức tôi đánh lái tách khỏi đội hình xe, bằng phản xạ nghề nghiệp vừa điều khiển phương tiện vừa tiếp cận, ngăn chặn, khống chế không để đối tượng vào đoàn xe. Sau khi vô hiệu hóa được đối tượng, tôi lập tức trở lại đội hình, đồng thời báo cho các lực lượng chức năng phối hợp xử lý", Trung tá An nói.
Anh kể, từ thời điểm đó, sự tự tin của đoàn hộ tống tăng lên bội phần.
Một kỷ niệm khác mà Trung tá An không thể quên, đó là khi anh hộ tống đoàn khách Nga từ sân bay về khách sạn. Trên đường di chuyển, trong khi quốc kỳ Việt Nam gắn ở đầu xe Trưởng đoàn tung bay trước gió thì quốc kỳ của Nga bị gió thổi cuốn vào cột, không thể phát hiện đó là quốc kỳ của nước nào.
Với bản lĩnh chính trị, sự nhạy bén về ngoại giao và sự tinh tế của sĩ quan nhiều năm trực tiếp tham gia các đoàn mô tô hộ tống, Trung tá An vừa điều khiển mô tô, vừa dùng tay gỡ lá quốc kỳ của Nga trở lại trạng thái ban đầu, tung bay song song với quốc kỳ của nước chủ nhà Việt Nam.
"Sau khi hoàn thành và trở lại đội hình mô tô, đối tượng cảnh vệ hạ kính ô tô, ra một cử chỉ thể hiện sự hài lòng. Tôi cảm nhận được hành động của mình dù nhỏ nhưng đã mang ý nghĩa rất lớn", Trung tá An chia sẻ.
Dưới ống kính truyền hình, hình ảnh trong mắt người dân, cán bộ chiến sĩ lái xe mô tô hộ tống lúc nào cũng trong trạng thái chỉn chu, uy nghiêm. Thế nhưng, ít ai biết được rằng, để giữ được phong thái hoàn hảo trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào như vậy, các chiến sĩ đã phải trải qua quá trình rèn luyện gian truân, vất vả, "đội nắng, tắm mưa".
Thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hộ tống khi gặp trời mưa, rồi lại nắng, quần áo ướt rồi lại khô, những tình huống phát sinh trên đường, trong bất kỳ hoàn cảnh nào các anh vẫn phải đảm bảo giữ nguyên đội hình, tốc độ di chuyển và trang phục.
Sau mỗi lần như vậy, cả đoàn hộ tống có không ít chiến sĩ bị cảm, một vài thiết bị điện tử bị trục trặc, nhưng họ luôn tự hào vì mình góp phần vào việc tạo ấn tượng tốt đẹp trong mắt các vị khách quốc tế, kể cả những nguyên thủ của các cường quốc hàng đầu thế giới.
"Có khi chúng tôi di chuyển từ điểm A đang mưa sang điểm B lại nắng. Áo mưa đang mặc, buộc phải mặc đến hết lộ trình. Hoặc khi đang nắng lại mưa, chúng tôi phải giữ nguyên đội hình di chuyển mà không có áo mưa.
Tôi nhớ vào khoảng năm 2000-2001, đoàn khách nước Moldova hạ cánh lúc 3h. Chúng tôi phải chuẩn bị trước đó 2 tiếng. Thời điểm đó lạnh chỉ khoảng 7-8 độ C nhưng các chiến sĩ vẫn triển khai đội hình hộ tống như bình thường, vẫn phải chỉn chu, cẩn thận", Trung tá An kể.
Một sự kiện đặc biệt lớn và quan trọng gần đây là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 được tổ chức tại Hà Nội năm 2019. Nhà lãnh đạo Triều Tiên đến Việt Nam bằng phương tiện tàu hỏa.
Đội xe mô tô hộ tống của Trung đoàn 375 được giao nhiệm vụ phối hợp cùng các lực lượng khác hộ tống đoàn xe chở Chủ tịch Kim Jong Un di chuyển từ Ga quốc tế Đồng Đăng (Lạng Sơn) về Hà Nội.
Với tính chất đặc biệt quan trọng của sự kiện, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đơn vị đã cử cán bộ trực tiếp tham gia đoàn tiền trạm của Bộ Tư lệnh. Việc tiền trạm, khảo sát kỹ lưỡng, cẩn thận đến mức các cán bộ chiến sĩ biết vị trí từng cây xăng; đoạn đường nào hẹp, xấu; đoạn nào qua cầu... để xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ đảm bảo sát tình hình thực tế. Đồng thời chọn, cử những "tay lái" xuất sắc nhất tham gia đội hình mô tô hộ tống.
Dù đã trải qua 24 năm công tác, trực tiếp tham gia hàng nghìn kỳ, cuộc bảo vệ nhưng Trung tá An chẳng thể nào quên được cảm xúc lần đầu tiên được tham gia đoàn mô tô hộ tống.
"Đó là chuyến hộ tống vào khoảng năm 2001, tâm lý, cảm xúc của tôi lẫn lộn lắm, vừa bồi hồi, lo lắng, cũng vừa tự hào, háo hức. Thậm chí đêm hôm trước tôi còn không ngủ được. Nhưng rồi khi hoàn thành việc hộ tống lần đầu tiên, rồi đến lần 2, lần 3 và đến giờ, tôi cảm thấy quen thuộc và tự tin", Trung tá An nói và không quên nhắc về sự vinh quang của nhiệm vụ, đi kèm với đó là trách nhiệm nặng nề.
"Vinh quang và trách nhiệm", chẳng dễ để chiến sĩ nào cũng có thể được đứng trong đội hình mô tô hộ tống.
Công tác tuyển chọn, "đầu vào" đối với các cán bộ, chiến sĩ đội xe mô tô luôn phải đảm bảo tiêu chí cốt lõi, tối quan trọng, đó là bản lĩnh chính trị vững vàng và phẩm chất đạo đức trong sáng, tuyệt đối trung thành...
Bên cạnh đó, do tính chất đặc thù và yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ chiến sĩ đội xe mô tô hộ tống còn phải đáp ứng các yêu cầu khác như: Quân dung sáng, đẹp; chiều cao (tối thiểu 175cm), cân nặng (tối thiểu 70kg), sức khỏe tốt...
Trung tá Trần Đức Trung (Đại đội trưởng Đại đội 3) cho biết, cứ 3-5 năm, Đại đội sẽ có những đợt tuyển chọn sĩ quan lái xe mô tô hộ tống, dựa theo các tiêu chuẩn nêu trên. Sau đó, công tác đào tạo được thực hiện để đảm bảo luôn có đầy đủ lực lượng thực hiện nhiệm vụ và lớp kế cận.
Tự hào chia sẻ, Trung tá Trung nói, nhiều cán bộ, chiến sĩ thuộc biên chế Đại đội 3 qua các thời kỳ, đã được lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, lãnh đạo Bộ Công an tin tưởng, đánh giá cao và cất nhắc bổ nhiệm lên các vị trí lãnh đạo Trung đoàn, thậm chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.
Khi chia sẻ về công tác đào tạo, Trung tá Trung hóm hỉnh kể về thời điểm năm 2000, khi anh và Trung tá Thái Bình An bắt đầu về công tác tại Đội xe mô tô hộ tống.
"Lúc đó nhiều đồng chí còn chưa biết đi xe máy, thậm chí có người chưa từng được tiếp xúc với xe máy, xe côn tay", vị Trung tá chia sẻ.
Sau khi đã được tuyển chọn, các cán bộ chiến sĩ sẽ bắt đầu với việc thi tuyển bằng lái xe A2, sau đó được đào tạo từ những thứ cơ bản như tính năng, tác dụng của xe; cách dựng chân chống, dắt xe, nổ máy, cắt côn - vào số... Quá trình đào tạo này buộc tất cả các chiến sĩ dù chưa biết lái xe hay đã biết lái xe đều phải tập luyện.
"Phải như vậy, các anh em khi làm chủ được xe, hiểu về xe thì khi thực hiện nhiệm vụ mới hoàn thành tốt được", Trung tá Trần Đức Trung nói.
Chia sẻ thêm về công tác đào tạo, Trung tá Thái Bình An cho biết, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, các chiến sĩ phải tập luyện các bài tập điều khiển mô tô có độ khó rất cao.
"Bài tập đầu tiên, đơn giản nhất là đi theo đội hình song song, tốc độ chậm/nhanh nhưng phải đồng tốc, để thành một đội hình, đáp ứng được yêu cầu về nghi lễ. 10 người phải giống một người, một người cũng như 10 người", theo Trung tá An.
Tiếp đó là các bài tập điều khiển mô tô di chuyển với tốc độ nhanh, chậm khác nhau; xử lý các tình huống trên đường, vượt chướng ngại vật, qua đường...
"Kỹ năng đi đường hẹp, tốc độ chậm kết hợp cua tay áo là cực kỳ khó khi điều khiển mô tô phân khối lớn. Xe rất nặng, mà thể hình người Việt Nam lại nhỏ, chênh lệch là rất lớn nên khi vào cua và đi chậm sẽ rất dễ đổ", Trung tá An chia sẻ.
Sau khoảng thời gian 2-3 tháng đào tạo nhuần nhuyễn các kỹ thuật, các "tay lái" mới được ghép vào các đội hình dự phòng. Quá trình chạy, các chiến sĩ mới sẽ được kèm cặp bởi những cán bộ nhiều kinh nghiệm.
Như vậy, việc "rơi rớt" các chiến sĩ trong thời gian huấn luyện là không thể tránh khỏi. Có khi một lớp đào tạo ban đầu có vài chục cán bộ nhưng khi kết thúc chỉ còn vài người đạt yêu cầu.
Theo Trung tá An, trước đây, các "thầy", những người đi trước đào tạo anh bằng kinh nghiệm. Đến khi anh có những kinh nghiệm riêng của bản thân, anh truyền lại cho các lớp kế cận. Giáo án từ đó được xây dựng, kết hợp với sự chọn lọc, học hỏi từ các chuyên gia nước ngoài.
Bên cạnh đó, giáo án còn đưa ra các tình huống có đối tượng cản trở, thậm chí có ý định tấn công đoàn. Từ đó, các chiến sĩ sẽ được huấn luyện, đào tạo phương án xử lý và trở thành phản xạ tự nhiên.
Phó đại đội trưởng Đại đội 3 cho rằng, cán bộ chiến sĩ của Đội xe mô tô hộ tống phải "yêu ngành, mê nghề" và đặc biệt phải có năng khiếu về lái mô tô.
"Nhiều người đáp ứng đủ các yêu cầu về phẩm chất đạo đức, quân dung nhưng thiếu yếu tố năng khiếu, thiếu bản lĩnh xử lý tình huống khi gặp sự cố trên đường. Ở trên sân tập có thể thực hành rất tốt nhưng khi ở môi trường thực tế thì lại run, căng thẳng, mất bình tĩnh", Trung tá An nói.
Từ thực tiễn công tác, mặc dù có nhiều tình huống chưa bao giờ xảy ra, xong với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, Trung tá An đã nghiên cứu, tìm tòi phương pháp và nội dung huấn luyện mới để bổ sung vào giáo trình huấn luyện, đào tạo lái xe mô tô hộ tống.
Đó là vừa điều khiển mô tô hộ tống, vừa thực hiện các thao tác sử dụng súng như ngắm, bắn…. Theo anh An, đây là động tác chưa từng có ở Việt Nam, thậm chí trên thế giới. Động tác này buộc các chiến sĩ nắm chắc kỹ năng lái xe và phải có một chút "liều" và trước khi chính thức đưa vào giáo trình huấn luyện, anh là người trực tiếp "thử nghiệm" động tá này nhiều lần.
"Chúng tôi tất nhiên mong rằng sẽ không bao giờ phải cần sử dụng đến súng khi tham gia hộ tống đoàn khách. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết phải sử dụng đến súng, cán bộ, chiến sĩ lái xe môtô hộ tống sẽ sử dụng thành thạo vũ để nhanh chóng tiêu diệt đối tượng tấn công nhằm bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Trưởng đoàn và đoàn khách" , Trung tá An chia sẻ.
Các bài tập huấn luyện được xây dựng làm sao sát nhất với thực tế địa hình, môi trường, hạ tầng giao thông của Việt Nam.
Tuy nhiên, đào tạo, "sách vở" chỉ là một phần, các tình huống xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là "muôn hình vạn trạng". Điều này, theo Trung tá Thái Bình An, yêu cầu các chiến sĩ phải có những tố chất đặc biệt, phải nhạy bén, nhãn quan vượt trội, bình tĩnh... để hoàn thành song song 2 nhiệm vụ thực hiện nghi lễ ngoại giao và đảm bảo an ninh an toàn cho đoàn.
Là người trực tiếp đứng lớp đào tạo nhiều lứa cán bộ, chiến sĩ lái xe mô tô hộ tống, Trung tá An không giấu được niềm vui, niềm hạnh phúc khi kể rằng có nhiều "học viên" sau huấn luyện còn giỏi hơn "thầy".
Quá trình huấn luyện, đào tạo, Phó Đại đội trưởng Đại đội 3 cho biết các chiến sĩ, và ngay bản thân anh, không tránh được sự đổ máu.
"Luyện tập, chúng tôi ngã rất nhiều, sưng chân, xước tay là bình thường. Nhưng, "thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu". Chúng tôi luôn cố gắng đến mức tối đa", Trung tá An nói.
Yamaha FJR 1300 là mẫu mô tô đang được Đại đội 3 sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ. Nói về mẫu xe này, Trung tá An cho biết khi tiếp nhận xe, hãng Yamaha đã cắt cử các thầy, các chuyên gia của hãng từ Nhật Bản sang để giới thiệu về tính năng, tác dụng của xe và hướng dẫn sử dụng, vận hành.
Đặc biệt, để hướng dẫn về cách "thuần" chiếc mô tô này, hãng còn đưa sang Việt Nam một cựu tay đua mô tô chuyên nghiệp, trực tiếp chỉ dẫn cho các cán bộ, chiến sĩ của Đại đội.
Trước đó, Đại đội 3 từng sử dụng các mẫu mô tô của hãng BMW, Honda... nhưng Trung tá An đánh giá cao nhất mẫu Yamaha FJR1300. Theo Trung tá An, mẫu xe này phù hợp với môi trường, thời tiết tại Việt Nam nên rất ít khi bị hỏng hóc và đảm bảo đầy đủ các tính năng cần thiết.
Hiện nay, Trung đoàn 375 có 35 chiếc Yamaha FJR1300. Mỗi chiếc được giao cho một chiến sĩ quản lý, chăm sóc, sử dụng. Điều này nhằm giúp các chiến sĩ hiểu và thuần thục "cầm cương" được "chiến mã".
Việc bảo quản, bảo dưỡng các xe mô tô này, theo Trung tá An là phải theo yêu cầu, hướng dẫn của hãng, như mỗi tuần bảo dưỡng 2 lần: Cho xe chạy, lau dầu...; xe nào cả tháng không đi hộ tống thì phải cho "chạy vận hành"...
Từ khi thành lập đến nay, Trung đội mô tô hộ tống luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là lá chắn tin cậy bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các đoàn khách quốc tế sang thăm và làm việc tại Việt Nam.