"Độc chiêu" chống rét của nữ cửu vạn
(Dân trí) - Các chị quả quyết với tôi là có thể đun sôi nước trong chai nhựa. Và đúng là nó sôi thật. Rót thứ nước chè chát ấm nóng từ chai nhựa, đưa cốc nước bốc hơi lên miệng, các chị rạng rỡ cười xua tan cái rét.
Những bếp lửa được nhóm lên trên vỉa hè...
Co ro chịu rét chờ người tới thuê
Đó là mấy bác làm nông; chứ hàng trăm phụ nữ vùng ven vào thành phố Vinh làm thuê thì rét đến mấy cũng không dám nghỉ buổi làm nào. Trời lạnh không có người thuê, họ đành túm tụm vào nhau tìm cách chống rét.
Bà Nguyễn Thị Liên (xã Nghi Liên, Tp Vinh) cùng khoảng gần chục người trong nhóm cửu vạn “đóng quân” tại khu vực vườn hoa Cửa Bắc cho biết: “Mấy bữa ni lạnh quá cũng không có việc làm. Ngày mô cũng xách cặp lồng cơm, quang gánh đi rồi về không”. Trong nhóm cửu vạn của bà chỉ có 4 người may mắn được một chủ thầu xây dựng gọi đi bốc gạch, số còn lại ngồi co ro cùng giá rét.
Đã quá trưa nhưng chưa thấy 4 người kia về nên cả nhóm cũng chưa ăn cơm. “Mỗi người một cặp lồng riêng, cũng chỉ có cơm với rau dưa và khúc mắm kho mặn thôi nhưng đợi chị em về ăn luôn một thể cho vui”, bà Liên cho biết thêm. Những chiếc cặp lồng cơm nguội ngơ nguội ngắt vẫn yên trên giỏ xe.
Lạnh, không có việc, hàng chục cửu vạn ngồi sát vào nhau để tìm hơi ấm. Nhặt nhạnh những thanh gỗ mục, cành cây hay “mót” những thanh gỗ phế phẩm ở các công trình xây dựng, họ nhóm lửa lên sưởi. Giữa dòng xe cộ lao vùn vụt để trốn cái lạnh, những bếp lửa hồng tỏa hơi ấm và khói trắng cả một vùng xung quanh. Cứ chỗ nào có cửu vạn đóng quân, ở đó những bếp lửa được nhóm lên.
Những đôi tay tê cóng hơ hơ trên ánh lửa, những đôi mắt nheo lại vì khói nhưng những đôi má sạm đen vì gió rét lại hồng hào cả lên. Thấy cánh cửu vạn nhóm lửa ngồi sưởi, mấy bác xe ôm cũng bỏ xe đến ngồi ké. “Ngồi bếp ấm quá nhiều khi có khách gọi cũng lười chạy lắm”, bác xe ôm tên Thành (trú tại phường Đông Vĩnh, Tp Vinh) cho biết.
Và cũng có lẽ không ở đâu trên đất nước này lại có cách “hâm” nước chè lạ đời như ở đây. Đun nước sôi trong chai nhựa. Người Nghệ vốn thích uống nước chè xanh, những người lao động chân tay lại càng khoái cái món “chè xanh xứ Nghệ, càng chát lại càng ngon” này. Bởi lẽ nó vừa rẻ, vừa lành lại rất đã cơn khát. Ngày đông lạnh cắt da cắt thịt nhưng các chị, các bà cửu vạn cũng chịu khó nấu nước chè, cho vào chai nhựa mang theo.
Thợ chụp ảnh vỉa hè cũng nhóm lửa chống rét
Chai nước chè xanh lạnh ngắt, uống một miếng nước cái buốt chui tuột vào tận bụng. Phải hâm lại cho ấm mới uống được. Sẵn bếp đỏ lửa, than rừng rực, san một ít nước ở chai to và cái chai nhựa nhỏ rồi… đặt lên bếp đun. Nếu không tận mắt chứng kiến tôi sẽ không bao giờ có thể tin người ta có thể đun nước trong chai nhựa. Lửa đỏ bao quanh chai, chiếc chai nhựa oằn đi một chút rồi thôi, nước trong chai cũng bắt đầu ấm dần lên.
Cách nấu nước chè có một không hai của cửu vạn thành Vinh
Các chị cửu vạn quả quyết với tôi là có thể đun sôi nước trong chai nhựa! Và đúng là nó sôi thật. Rót thứ nước chè chát ấm nóng từ chai nhựa, đưa cốc nước bốc hơi lên miệng, nụ cười các chị rạng rỡ hơn. Cái giá lạnh dường như cũng được xua đi.
Thưởng thức cốc nước chè xanh nóng hổi
Trời dần về chiều, bếp than cũng đã vạc cả đi, cửu vạn thành Vinh lục tục đứng lên, dắt cái xe cà tàng xuống đường. Nhiều người còn chưa được tháo quang gánh sau xe xuống để kiếm dăm chục bạc đủ mua mớ cá về cho con. Ngày mai, cũng có thể sẽ khó tìm được việc làm, nhưng gánh nặng cơm áo, học hành cho con họ vẫn phải tung chăn mà bật dậy. Cũng có thể ngày mai, họ lại phải nhờ đến những bếp lửa giữa thành phố để chống lại giá lạnh ngày đông, nhưng họ vẫn không thể nghỉ làm. Và cũng có thể, những cái bếp sẽ được nhóm lên trong suốt mùa đông này. Cách chống rét của người lao động nghèo xứ Nghệ đơn giản mà hiệu quả là vậy.
Hoàng Lam