Đoạn quốc lộ qua Hà Tĩnh xuất hiện hàng loạt điểm hư hỏng
(Dân trí) - Sau mưa lũ, bề mặt quốc lộ 1, đoạn qua Hà Tĩnh xuất hiện nhiều điểm bong tróc, lồi lõm. Nhà đầu tư tuyến đường này trước đó bị xem xét dừng thu phí vì chậm khắc phục hư hỏng.
Những ngày qua, quốc lộ 1 đoạn phía nam cầu Bến Thủy đến bắc tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) xuất hiện hàng loạt điểm hư hỏng sau đợt mưa lũ.
Mặt đường đoạn qua các xã Việt Tiến, Thạch Kênh, Thạch Liên (huyện Thạch Hà); thị trấn Nghèn, xã Thiên Lộc, Vượng Lộc (huyện Can Lộc); phường Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh); xã Xuân Lĩnh (huyện Nghi Xuân) bị bong tróc, lõm sâu. Lớp bê tông nhựa bị phá vỡ kết cấu, tạo thành nhiều ổ gà, ổ voi.
Một số vị trí hư hỏng khá lớn, mặt đường nứt nẻ, hằn lún dài gần 1m, hố sâu 5-10cm.
Việc đoạn tuyến quốc lộ 1 hư hỏng khiến nhiều tài xế khi lưu thông qua đây lo ngại nguy cơ tai nạn.
Ông Lâm Hoàng Linh, Phó giám đốc Chi nhánh BOT tuyến tránh thành phố Vinh (đơn vị quản lý, bảo dưỡng), cho biết những ngày qua Hà Tĩnh mưa lớn kéo dài khiến đoạn tuyến quốc lộ 1 xuống cấp.
Một số vị trí nền đường thấp, hệ thống thoát nước không có, khi mưa lớn thì nước thẩm thấu ngược, nhiều xe chở quá tải trọng nặng hơn thiết kế đường chạy qua khiến công trình hư hỏng.
"Các điểm xuống cấp đa số nằm trong phạm vi của dự án trùng tu, đơn vị đang cố gắng khắc phục từ nay đến cuối năm bằng các gói vay khác nhau", ông Linh nói.
Quốc lộ 1 đoạn từ phía nam cầu Bến Thủy đến phía bắc tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh dài 36,75km, được đầu tư bằng hình thức BOT với tổng kinh phí hơn 2.400 tỷ đồng. Công trình do Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 đầu tư.
Sau khi được đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2014, tuyến đường BOT này liên tục hư hỏng. Theo thống kê, hiện toàn tuyến có khoảng 25.000m2 mặt đường hư hỏng, đến nay mới tập trung sửa chữa hơn 2.000m2.
Giai đoạn 2020-2022, công tác duy tu, sửa chữa các hư hỏng, xuống cấp của nhà đầu tư chưa kịp thời và không đảm bảo.
Tỉnh Hà Tĩnh nhiều lần gửi văn bản yêu cầu nhà đầu tư khai thác tuyến đường khẩn trương duy tu, sửa chữa hư hỏng, xuống cấp. Song đơn vị quản lý, khai thác chưa khắc phục sửa chữa hoặc khắc phục sửa chữa nhưng chưa triệt để.
Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã nhiều lần chỉ đạo Khu Quản lý đường bộ II tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc sửa chữa; trường hợp khắc phục chậm hoặc không đảm bảo chất lượng sẽ xem xét tạm dừng thu phí.