1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đỉnh triều làm vỡ hàng loạt bờ bao, TPHCM ngập sâu

(Dân trí) - 18h30 chiều qua, đỉnh triều đo tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn đã lên đến mức 1.49m, lập lại đỉnh triều lịch sử ngày 28/10/2007, làm vỡ và tràn hàng loạt bờ bao, gây ngập úng nhiều nơi tại TPHCM.

Ngay từ 4h30 sáng sớm qua (16/10), đỉnh triều đã đạt mức 1,46m làm nhiều đoạn bờ bao tại quận 12 bị vỡ, nhiều đoạn ở quận Thủ Đức bị tràn bờ, làm hàng trăm hộ dân sống trên địa bàn phường Thạnh Lộc, An Phú Đông, Thạnh Xuân (quận 12) và phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) phải chịu cảnh ngập úng suốt ngày hôm nay kéo dài đến rạng sáng nay. 

Đặc biệt, tại rốn ngập do triều lâu nay của quận Thủ Đức là khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, nước sông tràn bờ xâm nhập khu dân cư rất nhanh, làm ngập đồ đạc của nhiều gia đình, một số người dân phải chuyển đồ đi nơi khác “tị nạn”. 

Đỉnh triều làm vỡ hàng loạt bờ bao, TPHCM ngập sâu - 1
 Nước dìm quận Thủ Đức từ ngày 15/10 đến nay.

Trong đợt triều giữa tháng này, chỉ tính từ rạng sáng ngày 15 cho đến trưa ngày 16/10 đã làm vỡ 25 vị trí bờ bao. Trong đó đợt triều ngày 15 làm vỡ 11 điểm trên các tuyến đê bao thuộc địa bàn quận 12, quận Thủ Đức và huyện Củ Chi. Còn đợt triều rạng sáng 16 làm vỡ 11 đoạn bờ bao tại quận 12, 3 đoạn ở củ chi. Còn số vị trí tràn bờ thì lên đến hàng trăm.  

Đó là chưa kể số vị trí sạt lở và tràn bờ trong đợt triều đạt đỉnh 1,49m vào chiều tối ngày 16/10 và rạng sáng ngày 17/10 vì chưa thống kê được. Nhưng dự kiến là sẽ rất cao, nhiều khu vực tại Hiệp Bình Phước, An Phú Đông đã bị tràn bờ vào chiều tối ngày 16/10, dù buổi sáng, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão TP đã có công văn chỉ đạo các địa phương khẩn cấp gia cố các bờ bao sạt lở trước đó để đối phó với đỉnh triều ngày 16. 

Đỉnh triều làm vỡ hàng loạt bờ bao, TPHCM ngập sâu - 2
Khu vực quận 12 cũng lênh láng nước.

Hôm qua, Chi cục Kiểm lâm TP đã tiến hành kiểm tra các trại nuôi động vật hoang dã ăn thịt như cá sấu, gấu… nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở, triều cao khiến các thú dữ này có thể sổng chuồng, thoát ra khu dân cư.

 

Các chủ chuồng, trại cá sấu đều cam kết sẽ túc trực 24/24 để đảm bảo cá sấu không sổng chuồng.

Cho đến 7h sáng nay, nhiều khu vực thuộc quận Thủ Đức như phường Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh vẫn còn ngập sâu trong nước, có nơi sâu đến 80cm (khu vực này ngập liên tục từ ngày 5/10). Nhiều tuyến đường bị ngập như tuyến đường 38, 40 làm cho nhiều xe bị chết máy. Các hộ dân sống ven kênh rạch thì phải sơ tán khỏi nhà. 

Còn trong khu vực nội thành, hàng loại địa điểm nước triều theo đường cống thoát nước tràn vào gây ngập lênh láng, gây kẹt xe trong giờ cao điểm. Cụ thể như tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (gần Hàng Xanh), dù nước chỉ ngập chừng 30 cm nhưng do vị trí này bị chắn bởi nhiều lô cốt nên tình trạng kẹt xảy ra khá nghiêm trọng. 

Đỉnh triều làm vỡ hàng loạt bờ bao, TPHCM ngập sâu - 3
Ngập nước trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh tối 16/10.  

Tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh) thì bị ngập sâu dưới nước chừng 30-50 cm. Khu vực đường Quốc Hương (quận 2) triều dâng cũng rất cao, nhiều chỗ nước tràn vào nhà dân. Khu vực Thanh Đa - Bình Quới (Bình Thạnh) ngập có vị trí lên đến 30 cm (trên mặt đường), 40-50 cm tại các nhà dân gần mép sông. 

Nhưng rất may là trong ngày 16/10 không xảy ra trời mưa nên chỉ khoảng hơn 10 khu vực thấp hơn mực triều bị ảnh hưởng gây ngập cục bộ, thiệt hại không lớn như đợt triều lịch sử vào tháng 10 năm ngoái. 

Bắt đầu từ ngày 17/10, mức đỉnh triều giảm dần. Tuy nhiên, đỉnh triều trong 2 ngày 17/10, 18/10 vẫn còn ở mức cao, thuộc mức báo động cấp II đến cấp III. Do vậy, hiện tượng vỡ, tràn bờ bao và ngập úng tại các khu vực trũng thấp vẫn sẽ xảy ra. 

Nỗi khổ của người dân sống cạnh bờ bao ngăn triều

 

Hầu như tháng nào người dân các khu vực ngoại thành TPHCM cũng chịu hai đợt triều đầu và giữa tháng, các vị trí đê bao đều bị vỡ hay tràn trong suốt năm nên bà con đối phó cũng đã quen, nhiều gia đình đã tôn cao nền nhà, sắm sẵn xuồng thiếc để đối phó. 

 

Tuy nhiên, từ tháng 10 trở đi thì triều bắt đầu dâng rất cao, khi bờ bao bị vỡ thì nước tràn vào khu dân cư rất nhanh, mạnh, nhiều và ngập sâu nên rất khó đối phó. Điều khó hiểu là dù triều cao hay thấp thì bờ bao cũng vỡ (ngoại trừ mùa khô thì ít hơn). Trong khi đó thì kinh phí duy tu, sữa chữa và làm mới bờ bao hàng năm TP cấp cho các quận huyện chẳng địa phương nào xài hết.

 

Chị Nguyễn Thu Trang, nhà trên đường số 7, khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức than thở: “Cứ đến mùa này thì cả khu phố chìm trong nước, đi lại rất khó khăn. Không những vậy, nước từ các cống trồi lên, rác rến trôi khắp nơi, khiến cuộc sống đảo lộn, mọi sinh hoạt đều không đảm bảo vệ sinh”.

 

Một vài hình ảnh bà con sinh sống gần các bờ bao ngăn triều phải sống trong với nước triều (Hình chụp sáng 17/10):

Đỉnh triều làm vỡ hàng loạt bờ bao, TPHCM ngập sâu - 4

Bờ bao ngăn nước trước cửa trở nên vô tác dụng.

Đỉnh triều làm vỡ hàng loạt bờ bao, TPHCM ngập sâu - 5

Không thể đi đâu vì nước ngập quá sâu. 

Đỉnh triều làm vỡ hàng loạt bờ bao, TPHCM ngập sâu - 6
 Nấu ăn trong căn bếp lênh láng nước.

Đỉnh triều làm vỡ hàng loạt bờ bao, TPHCM ngập sâu - 7
 Nước ngập phá hỏng biết bao nhiêu vật dụng trong gia đình.
 
Đỉnh triều làm vỡ hàng loạt bờ bao, TPHCM ngập sâu - 8
 Cuộc sống vốn đã khó khăn nay càng khốn khổ.

Tùng Nguyên - An Hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm