1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đình chỉ kíp trực không lưu sau vụ 2 máy bay suýt đối đầu

Ngọc Tân

(Dân trí) - Công ty Quản lý bay miền Nam tạm thời đình chỉ các kiểm soát viên không lưu liên quan để xác minh việc hai máy bay suýt đối đầu nhau. Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam cũng đã lập tổ điều tra vụ việc.

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết đã nhận được báo cáo sơ bộ của Công ty Quản lý bay miền Nam về việc xuất hiện cảnh báo xung đột ngắn hạn (STCA) khi điều hành các chuyến bay thuộc phạm vi phụ trách của Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh.

Sự việc liên quan đến các chuyến bay VJC 244 từ TPHCM đi Thanh Hóa, HVN 1575 từ Hà Nội đi Đà Lạt và chuyến HVN 1557.

Đình chỉ kíp trực không lưu sau vụ 2 máy bay suýt đối đầu - 1

Đài kiểm soát không lưu tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (Ảnh: Vietnam+).

Trước đó, sáng 19/6, trong quá trình cấp huấn lệnh điều hướng các chuyến bay trên, kiểm soát viên không lưu đã để xảy ra tình huống cảnh báo xung đột ngắn hạn (STCA). Đây là một phần mềm của đơn vị quản lý bay với chức năng phát báo động khi các máy bay ở quá gần nhau (vi phạm cự ly phân cách tối thiểu).

Theo báo cáo của VATM, ngay khi cảnh báo xung đột ngắn hạn xuất hiện, kiểm soát viên không lưu đã cấp huấn lệnh cho các máy bay vòng tránh nhau, trở lại cự ly an toàn.

Ngay khi sự việc xảy ra, kíp trực đã báo cáo, sau đó Công ty Quản lý bay miền Nam tạm đình chỉ các kiểm soát viên không lưu liên quan và tiến hành xác minh sự việc, cũng như báo cáo cấp có thẩm quyền.

VATM khi tiếp nhận thông tin đã lập tức ra quyết định thành lập Tổ điều tra xác minh nội bộ để làm rõ nguyên nhân sự việc.

Trong hàng không, yêu cầu về phân cách tối thiểu giữa các chuyến bay cũng giống như quy định về khoảng cách an toàn giữa xe cộ lưu thông trên đường, để ngăn ngừa va chạm.

Điểm khác là tài xế ô tô có thể dùng mắt thường để ước lượng và duy trì khoảng cách an toàn, còn các phi công sẽ kết hợp giữa hệ thống định vị sẵn có trên máy bay và chỉ dẫn của lực lượng không lưu. 

Các lớp "hàng rào" được thiết lập để đảm bảo khả năng máy bay va chạm trên trời là gần như không thể xảy ra. Tuy nhiên, tình huống STCA phát cảnh báo cho thấy có thể đã xuất hiện lỗi của con người.

Vào năm 2002, một lỗi vi phạm khoảng cách giữa 2 chuyến bay đã dẫn tới thảm họa khi chiếc máy bay Tupolev 154 của Nga va chạm trên không với máy bay vận tải Boeing 757 ở Ueberlingen (Đức) khiến 71 người thiệt mạng.