Vụ trúng thầu 239 tỉ đồng bằng hồ sơ vi phạm tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM:
Điều chỉnh hồ sơ mời thầu theo hướng thiên lệch một doanh nghiệp?
(Dân trí) - Bộ Y tế, các nhà chuyên môn chỉ ra hàng loạt vi phạm về hồ sơ mời thầu lần 2 “gói thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống xạ trị gia tốc” trị giá 239 của Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Phó Thủ tướng cũng đã có ý kiến chỉ đạo huỷ thầu nhưng vẫn bị phía bệnh viện "phớt lờ".
Điều chỉnh hồ sơ mời thầu có nhiều vi phạm
Liên quan đến vụ việc Cty TNHH Dược phẩm trang thiết bị Y tế T.D trúng “gói thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống xạ trị gia tốc hướng dẫn hình ảnh” trị giá 239 tỉ đồng, bằng hồ sơ mời thầu có nhiều vi phạm, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã có ý kiến chỉ đạo, huỷ kết quả trúng thầu, đồng thời tổ chức đấu thầu bảo đảm tính cạnh tranh, công khai, minh bạch.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cũng yêu cầu UBND TPHCM phải xử lí nghiêm vi phạm, kiểm điểm trách nhiệm của đơn vị, cá nhân có liên quan trong vụ việc sai phạm.
Ngày 17/11, để có thông tin chính thức về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, phóng viên Dân trí đã liên hệ với ông Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM thì ông Dũng cáo bận. Còn ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc không trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí, sau đó cũng báo bận họp.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, trước khi Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình có ý kiến yêu cầu huỷ kết quả thầu, xử lí đơn vị, cán bộ để xảy ra vi phạm trong vụ đấu thầu trên thì Bộ Y tế đã khẳng định hồ sơ mời thầu lần 2 của Bệnh viện Ung bướu TPHCM được điều chỉnh lại có nhiều sai phạm, chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo đó, Bộ Y tế cho biết, hồ sơ mời thầu của Bệnh viện Ung bướu TPHCM quy định nhà thầu phải có “hợp đồng mua bán, cung cấp thiết bị xạ trị đã ký (đã hoặc đang thực hiện)”.
Việc quy định là hợp đồng đã ký là chưa rõ ràng và không chứng minh được kinh nghiệm đã thực hiện gói thầu tương tự của nhà thầu vì nếu vừa ký xong mới thực hiện được một phần rất nhỏ công việc của hợp đồng thì không đáp ứng tiêu chí “hoàn thành ít nhất 80% khối lượng công việc của hợp đồng”.
Bộ Y tế khẳng định việc hồ sơ mời thầu lần 2 có nhiều vi phạm về luật đầu thầu và kiến nghị Chính phủ xử lí vụ việc.
Như vậy, việc hồ sơ mời thầu quy định như nêu trên là chưa phù hợp với quy định của luật pháp đấu thầu dẫn đến việc lựa chọn nhà thầu trúng thầu mặc dù đáp ứng được quy định của hồ sơ mời thầu nhưng thực tế nhà thầu trúng thầu lại không có hoặc có rất ít kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự, không phù hợp và không đáp ứng với yêu cầu để thực hiện gói thầu.
Đấu thầu hay thông thầu?
Cũng liên quan đến “gói thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống xạ trị gia tốc hướng dẫn hình ảnh” trị giá 239 tỉ đồng, theo ý kiến của các chuyên gia về xạ trị và trang thiết bị y tế, việc xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật quy định trong hồ sơ mời thầu là rất quan trọng nhằm đảm bảo tính khoa học, khách quan, cạnh tranh và phù hợp yêu cầu chuyên môn hướng tới các nhà thầu có thể tham dự được và đảm bảo chủ đầu tư lựa chọn được thiết bị tốt nhất, hiện đại về công nghệ, đáp ứng yêu cầu chuyên môn và có giá phù hợp theo đúng chủ trương của UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở xem xét hồ sơ mời thầu lần 1 và hồ sơ mời thầu lần 2, các chuyên gia có ý kiến gửi Bộ Y tế để báo cáo Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình khẳng định, hồ sơ mời thầu lần 1 được xây dựng và phê duyệt trên cơ sở khoa học, phù hợp về yêu cầu chuyên ôn kỹ thuật trong lĩnh vực xạ trị, khách quan và cạnh tranh hơn so với hồ sơ mời thầu điều chỉnh lần 2.
Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, trong hồ sơ mời thầu lần 2, chủ đầu tư đã loại bỏ một số tiêu chí kỹ thuật, điều chỉnh lại nhiều tiêu chí kỹ thuật, điều chỉnh mức điểm tối thiểu, thay đổi thang điểm đánh giá theo định hướng tạo lợi thế cho thiết bị của một hãng sản xuất, cụ thể .
Theo đó, việc loại bỏ các tiêu chí cần thiết, quan trọng khi đánh giá một hệ thống máy gia tốc và thêm vào các tiêu chí không có ý nghĩa, không phải là quan trọng, hạ thấp yêu cầu đối với các tiêu chí kỹ thuật quan trọng không giúp cho chủ đầu tư chọn được thiết bị tốt nhất mà còn dẫn tới việc định hướng, tạo lợi thế cho thiết bị của 1 hãng sản xuất, từ đó tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng với nhà thầu cung cấp thiết bị xạ trị của hãng sản xuất khác.
Việc hồ sơ mời thầu điều chỉnh lần 2 đã làm hạn chế việc lựa chọn được thiết bị hiện đại về công nghệ và tốt nhất có giá trị phù hợp.
Ngày 29/11/2016, Bệnh viện Ung bướu TPHCM phát hành hồ sơ mời thầu “gói thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống xạ trị gia tốc hướng dẫn hình ảnh” và đóng thầu 1 tháng sau đó.
Hai Công ty tham gia đấu thầu gói thầu này là Cty CP Đầu tư Y tế Việt Mỹ ở Hà Nội và Cty TNHH Dược phẩm trang thiết bị Y tế T.D ở TPHCM tham gia thầu đều có thể đáp ứng.
Tuy nhiên, sau đó Bệnh viện Ung bướu TPHCM lại gia hạn thời điểm đóng thầu để điều chỉnh hồ sơ mời thầu lần 2 với nhiều vi phạm về luật đấu thầu.
Theo lãnh đạo của Cty Việt Mỹ, việc Bệnh viện Ung bướu TPHCM điều chỉnh hồ sơ mời thầu lần 2, trong đó điều chỉnh 2 nội dung gồm “Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực kinh nghiệm” và “Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật” đã tạo lợi thế cho nhà thầu khác là Cty TNHH Dược phẩm trang thiết bị y tế T.D và như vậy thì không khác gì “thông thầu”, và loại bỏ đối thủ.
Tuấn Hợp