Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm quay trở lại
(Dân trí) - Chiều 2/4, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Tính từ ngày 5/3 đến nay, cả nước có 85 ca dương tính với khuẩn phẩy tả. Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm chính thức quay trở lại.
Như vậy, đã có 10 tỉnh xuất hiện bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm có nguyên nhân từ khuẩn phẩy tả. Riêng Hà Nội đứng “top” đầu về số bệnh nhân tả, với 44 bệnh nhân. Còn Vĩnh Phúc, Hà Nam, mỗi tỉnh xác định có 1 bệnh nhân dương tính với khuẩn tả.
Bệnh nhân tiêu chảy cấp nằm tràn hành lang
Sáng 2/4, có mặt tại Viện Các bệnh truyền nhiễm & Nhiệt đới quốc gia, rất nhiều bệnh nhân bị tiêu chảy cấp nguy hiểm phải nhập viện. Tính đến 11h trưa đã có 20 ca nhập viện.
GS.TS Nguyễn Đức Hiền, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm cho biết: "Các ca tiêu chảy cấp nguy hiểm nhập viện đang tăng lên đột biến. Hiện mỗi ngày Viện tiếp nhận trên 30 ca tiêu chảy, riêng ngày hôm qua, 1/4 có tới 38 ca nhập viện. Trước đó 1 tuần, trung bình mỗi ngày chỉ khoảng 20 ca tiêu chảy nhập viện.
Số bệnh nhân quá đông, trong khi giường bệnh hạn chế nên tất cả đều phải nằm ghép, rồi phải kê giường tràn cả ra hành lang. Bệnh viện đã phải chuyển bệnh nhân mắc bệnh bình thường sang các viện khác để có đủ giường bệnh cho bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm.
Hiện có 103 bệnh nhân tiêu chảy cấp đang nằm việc điều trị, trong đó có trên 60 ca nghi ngờ nhiễm khuẩn phẩy tả. Trong đó, có 5 ca rất nặng, bị suy thận và 2 trong số đó vừa phải tiến hành truyền dịch, vừa phải lọc máu.
Theo TS Hiền, hiện rất khó để xác định các bệnh nhân này bị lây bệnh từ đâu vì họ ăn rất nhiều loại thực phẩm khác nhau, từ thịt chó, mắm tôm đến xoài xanh, bún chả…
Như bệnh nhân Nguyễn Thị Thuê (Bắc Giang) xuống Hà Nội làm thuê cho một cửa hàng ở đường Trường Chinh. Chị thấy đau bụng, rồi đi ngoài liên tục mà không biết mình lây bệnh từ đâu vì từ thịt chó, rau sống, đến xoài, dưa chuột… đều đã ăn qua. Chị và con gái bà chủ nhà cùng phải nhập viện một lúc vì bị tiêu chảy liên tục.
Còn bệnh nhân Vương Đình Quân, 60 tuổi (Quảng Xương, Thanh Hoá) thì đưa con gái đi mổ u dạ con ở bệnh viện Xanh Pôn, con chưa kịp mổ thì bố đã phải nhập viện do bị tiêu chảy cấp nguy hiểm vì ăn thức ăn đường phố. Ông Quan vào viện chiều 1/4. Đến nay đã truyền 24 chai nước (12 lít) mà vẫn mê man, chưa tỉnh.
Hiện tất cả các ca tiêu chảy cấp nguy hiểm đều được điều trị miễn phí.
Nguy cơ lan tới các tỉnh miền Trung, Nam
Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn nhận định, nguy cơ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có khả năng lây lan sang các tỉnh miền Trung, miền Nam là rất lớn. Do tỉ lệ người lành mang vi khuẩn là cao và có sự giao lưu đi lại. Nguy hiểm hơn, tình trạng phóng uế bừa bãi là một trong những nguyên nhân khiến bệnh rất dễ lây lan.
Vụ dịch trước, ông Huấn cũng đã từng cảnh báo nguy cơ dịch bệnh từ chất thải trên tuyến đường sắt. Vì nếu trong chất thải này có vi khuẩn gây bệnh, nguy cơ xảy ra dịch tiêu chảy cấp tại những nơi mà đoàn tàu đi qua là rất lớn. Không chỉ có dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, mà các vùng này cũng dễ xảy ra các bệnh dịch khác nếu chất thải của hành khách tiếp tục được thải ra môi trường một cách bừa bãi. Tuy nhiên đến nay, vấn đề này vẫn chưa được khắc phục.
Tình trạng vệ sinh không sạch sẽ cũng rất phổ biến ở hầu hết các vùng nông thôn. TS Nguyễn Huy Nga cảnh báo: "Với tỷ lệ 18% các gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh thì nguồn lây khuẩn phẩy tả càng có nguy cơ lan rộng hơn".
Bộ Y tế cũng lên tiếng cảnh báo người dân không nên sử dụng thức ăn đường phố, đặc biệt là thực phẩm sống, rau sống, thức ăn dễ nhiễm bẩn ở cửa hàng như lòng lợn, tiết canh, hải sản. Cần thực hiện ăn chín, uống sôi, vệ sinh sạch sẽ.
“Nguy cơ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm rất có khả năng bùng phát. Đặc biệt ở các vùng quê, phong tục ăn cỗ linh đình, kéo dài nhiều ngày ở các đám cưới, đám ma… nên nguồn thực phẩm khó đảm bảo vệ sinh, rất dễ bị ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy. Như tại Thanh Hoá, có 600 người ăn trong một đám cưới, đã có 40 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 6 người dương tính với khuẩn phẩy tả. Xét nghiệm mẫu nước ao của gia đình làm đám cưới đã có dương tính với khuẩn phẩy tả”, TS Nga nhấn mạnh.
Bộ Y tế yêu cầu UBND các tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường kiểm tra thức ăn đường phố, kiên quyết xử lý các cơ sở không đạt tiêu chuẩn. Cần tập trung xử lý triệt để ổ bệnh ở các địa phương, giám sát chặt chẽ bệnh nhân có tiếp xúc, triển khai điều trị dự phòng bằng kháng sinh cho người nguy cơ lây nhiễm theo quy định. Chuẩn bị dịch truyền, thuốc điều trị để bệnh nhân không bị tử vong. Đặc biệt cần nghiêm cấm dùng phân tươi bón rau.
Hồng Hải