Đã có gần 2.000 bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm
(Dân trí) - Tính đến ngày 16/4, cả nước đã phát hiện 1.790 trường hợp bị tiêu chảy cấp, trong đó có 323 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả. Con số trên được ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng báo cáo tại cuộc họp giao ban tiêu chảy cấp chiều 16/4.
Ông Nga cũng cho biết thêm, Hoà Bình là tỉnh mới gia nhập bản đồ các tỉnh có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm với 1 bệnh nhân được xác định dương tính với phẩy khuẩn tả. Bệnh nhân là bà Nguyễn Thị N, 53 tuổi. Trước đó ngày 12/4. chị này ăn cỗ ở xã Mỹ Lương, Chương Mỹ (Hà Tây) có món thịt chó mắm tôm. Sau đó, ngày 15/4, chị bị đau bụng và bị tiêu chảy cấp 15 lần/ngày, phân trắng như nước vo gạo. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả.
Tính đến thời điểm này (gần 1,5 tháng) đã có 19 tỉnh thành trên cả nước với 86 quận huyện, 347 xã phường có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm. Như vậy, số bệnh nhân cũng như số tỉnh thành có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm đã vượt hơn đợt dịch thứ nhất (kéo dài từ 23/10 - 6/12/2007 ở 14 tỉnh thành, chủ yếu là Hà Nội với 1.878 ca, trong đó có 295 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả). Tuy số bệnh nhân nhập viện đã có dấu hiệu giảm, nhưng vẫn chưa thực sự kiểm soát được ổ dịch, dịch vẫn lây sang các tỉnh khác.
Hiện tại Quảng Bình đã trải qua 14 ngày không có ca bệnh mới, TPHCM là 10 ngày. Bộ Y tế đang xem xét loại Quảng Bình khỏi danh sách các địa phương có dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.
Riêng trong ngày 16/4, có thêm 58 trường hợp tiêu chảy nghi tả. Còn tại Viện Các bệnh truyền nhiễm & Nhiệt đới quốc gia, trong hai ngày qua tiếp nhận 65 trường hợp mắc mới, chủ yếu đến từ các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai. Hiện còn 141 bệnh nhân đang được điều trị. Hà Nội vẫn là địa phương có số bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp cao nhất với 921 trường hợp tiêu chảy.
Hiện điểm nóng của dịch bệnh ngoài Hà Nội còn có Hà Tây. Đáng nói là hiện tượng dùng phân tươi để tưới rau không chỉ có ở Hà Tây mà ngay tại Hà Nội, vùng trồng rau Quảng An cũng sử dụng phương pháp này để chăm rau mau lớn. Đây là nguồn lây nhiễm cực kỳ nguy hiểm nếu trong phân có chứa vi khuẩn tả.
Trước tình hình dịch tiêu chảy cấp có nguy cơ lây lan rộng, Bộ Y tế đã lập 5 đoàn thanh, kiểm tra và xét nghiệm lưu động về ATVSTP tại Hà Nội. Công tác này sẽ kéo dài từ nay đến hết tháng 5. Theo quy định mới của ngành Y tế, đoàn thanh tra được quyền yêu cầu đóng cửa tại chỗ, đình chỉ hoạt động các cơ sở không đảm bảo ATVSTP.
Được biết, ngày đầu kết quả thanh tra tại quận Cầu Giấy ghi nhận: các mẫu rau sống, nước thải, nước rửa bát... tại các cơ sở kinh doanh đều âm tính với phẩy khuẩn tả. Tuy nhiên, nơi chế biến thức ăn tại các cơ sở này chưa được sắp xếp gọn gàng; chưa phân khu riêng biệt, tình trạng ruồi bâu đen vào thực phẩm do thiếu phương tiện che đậy, rau sống sau khi rửa lại để ngay dưới đất khá phổ biến. Tình trạng người bán hành không đeo găng tay, khẩu trang khi chế biến thực phẩm còn khá phổ biến.
Sau 2 ngày kiểm tra, Đoàn thanh tra đã đóng cửa 7 cửa hàng.
Ông Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Công tác thanh kiểm tra sẽ tập trung quyết liệt tại những địa phương có nhiều bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả, có nguồn thực phẩm phức tạp không bảo đảm và những vùng có dịch bệnh kéo dài và không chỉ trong suốt tháng 4 mà còn kéo sang cả tháng 5.
Báo cáo về số người nhiễm tả có nhiều chênh lệch Theo thông báo của Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia thì riêng cơ sở này đã ghi nhận trên 200 ca dương tính với phẩy khuẩn tả. Tuy nhiên, con số Bộ Y tế đưa ra thì chưa tới 140 ca. Giải thích về điều này, người phát ngôn của Bộ Y tế - ông Nguyễn Huy Nga cho biết: Các cơ sở điều trị, bệnh viện dựa trên kết quả xét nghiệm soi phân ban đầu để kết luận, còn Bộ Y tế công bố dựa trên kết quả nuôi cấy phân lập theo đúng tiêu chuẩn quốc tế của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ mới chính xác. Tuy nhiên, theo ông Nga, mối lo về nguy cơ bùng phát dịch tiêu chảy cấp vẫn còn rất lớn bởi thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh vẫn còn khá phổ biến trong cộng đồng dân cư. Trong khi đó, thời tiết miền Bắc đã bắt đầu nóng nực, những đám cỗ đông người kéo dài 1 - 2 ngày sẽ là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn gây ngộ độc hoặc các bệnh đường ruột, trong đó có bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm xâm nhập. |
Hồng Hải - Thanh Trầm