1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Địa phương dẫn đầu bàn giao mặt bằng cho Vành đai 3 TPHCM vẫn còn vướng mắc

Tâm Linh

(Dân trí) - Huyện Hóc Môn (TPHCM) đang là địa phương dẫn đầu bàn giao mặt bằng để triển khai dự án đường Vành đai 3 TPHCM. Tuy nhiên, địa phương này vẫn còn hơn 30 hộ dân đang vướng mắc.

Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM có buổi giám sát về việc thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 3 TPHCM, ngày 4/1.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông) báo cáo, dự án Vành đai 3 đang thực hiện đúng với tiến độ đã đăng ký với Quốc hội. 

Địa phương dẫn đầu bàn giao mặt bằng cho Vành đai 3 TPHCM vẫn còn vướng mắc - 1

Ông Lương Minh Phúc báo cáo về tình hình triển khai dự án Vành đai 3 TPHCM (Ảnh: Tâm Linh).

Cụ thể, trong 10 gói thầu xây lắp của dự án đã được triển khai 4 gói phục vụ khởi công giai đoạn 1 vào tháng 6/2023, 6 gói còn lại đang hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà thầu để triển khai vào cuối năm 2023. Đến tháng 2 sẽ đồng loạt triển khai tất cả gói thầu.

"Việc triển khai dự án với tiến độ nhanh và thuận lợi là nhờ Nghị quyết 98 của Quốc hội lồng ghép và tác động. Thông qua nghị quyết mới, chúng ta có cách làm mới là tách công tác bồi thường, GPMB thành dự án riêng giúp đẩy nhanh tiến độ. Đây cũng là lần đầu thí điểm chủ trương này cho một dự án giao thông", Giám đốc Ban Giao thông chia sẻ.

Về tình hình giải phóng mặt bằng, theo báo cáo của các địa phương có dự án đi qua (huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, TP Thủ Đức), đến thời điểm hiện tại, TPHCM mới thu hồi được 97,4% diện tích.

"Chưa có dự án cấp quốc gia nào có hạng mục bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) lớn như vậy. Tính đến ngày 4/1, huyện Hóc Môn vẫn giữ quán quân với tỷ lệ bàn giao mặt bằng 100%. Huyện Củ Chi và Bình Chánh sóng đôi gần 99%. Riêng TP Thủ Đức được 91,3% còn hơi vất vả", ông Phúc đánh giá.

Địa phương dẫn đầu bàn giao mặt bằng cho Vành đai 3 TPHCM vẫn còn vướng mắc - 2

Những hộ gia đình trên tuyến đường Nguyễn Văn Bứa, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, đập phá tường nhà để bàn giao lại mặt bằng cho dự án Vành đai 3 TPHCM (Ảnh: Hoàng Hướng).

Tại buổi giám sát, các đại biểu nêu nhiều ý kiến vào công tác bồi thường GPMB.

Phần diện tích chưa được bàn giao còn lại chủ yếu nằm ở các hộ rải rác trên tuyến, khiến mặt bằng phục vụ thi công một số đoạn chưa thông suốt. Đây cũng là vướng mắc lớn nhất còn tồn tại của dự án này.

Ông Lương Minh Phúc cho biết, dù số hộ chưa đồng thuận còn ít (còn khoảng 3%), là những hộ có vướng mắc về pháp lý, cần phải vận dụng nhiều chính sách đặc thù để tháo gỡ. Đây chính là thách thức lớn mà dự án đang gặp phải.

3% còn lại gồm 385 trường hợp chưa giải phóng mặt bằng xong rải rác ở 4 địa phương, kể cả "quán quân" Hóc Môn cũng vẫn còn 32 trường hợp chưa nhận được BTGPMB. Các địa phương báo cáo đây đều là những trường hợp khó.

Theo ý kiến của đại diện huyện Bình Chánh và Sở Tài nguyên Môi trường, hiện vẫn còn vướng mắc trong hướng dẫn trả góp cho dân (mua đất nền, thuê mua căn hộ) do các quy định của luật khá cứng nhắc.

Bà Nguyễn Thị Lệ (Chủ tịch HĐND TPHCM) - người thường xuyên trực tiếp đi khảo sát, tiếp xúc các hộ dân bị ảnh hưởng - đánh giá, vẫn có sự chưa đồng bộ trong công tác GPMB và tái định cư.

Trong đó, các đơn vị quá tập trung vào tuyên truyền, áp giá đền bù, đo vẽ… mà quên đi việc thực hiện công tác giao nền đất và căn hộ tái định cư. Vì thế, khi người dân giao đất, nhiều nơi vẫn chưa kịp trao nền đất và căn hộ tái định cư cho người dân, khiến một số hộ dân phải vào các khu tạm cư để ở.

"Khâu sửa chữa các chung cư để đưa bà con đến tái định cư chưa xây dựng được cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Nếu làm đồng bộ bây giờ khả năng bà con đã có nhà có đất ở rồi. Trước khi đưa bà con đến tham quan, chí ít phải dọn vệ sinh để bà con thấy vừa mắt, an tâm họ mới vui lòng đồng ý nhận bồi thường", bà Lệ nêu vấn đề.

Bên cạnh chủ trương đảm bảo cuộc sống người dân khi tái định cư tốt hơn hoặc bằng nơi cũ, các đại biểu cho rằng, phải vận dụng các chính sách tốt nhất để áp giá đền bù có lợi nhất cho người dân, trong quá trình làm lưu ý phân loại, xác định từng đối tượng để giải quyết cho phù hợp, có tình có lý.

Bên cạnh đó, bà Lệ khẳng định, tiến hành GPMB để bàn giao mặt bằng cho dự án thi công càng nhanh sẽ càng tiết kiệm được chi phí đầu tư, tránh tình trạng tái chiếm.

Địa phương dẫn đầu bàn giao mặt bằng cho Vành đai 3 TPHCM vẫn còn vướng mắc - 3

Sơ đồ Vành đai 3 TPHCM kết nối 5 cao tốc phía Nam (Đồ họa: Ngà Trịnh).

Ngày 30/12, tại công trường xây dựng Vành đai 3 TPHCM qua huyện Hóc Môn, ông Lương Minh Phúc khẳng định, năm 2024 sẽ là cao điểm thi công nhất của Vành đai 3. "Từ đó, dự án Vành đai 3 sẽ chính thức chuyển sang một giai đoạn mới với trọng tâm thi công tăng tốc để tiến tới hoàn thành vào năm 2025", ông Phúc chia sẻ với phóng viên.

Ngoài ra, ông Phúc cũng thông tin, dự án Vành đai 3 sẽ cần tổng lượng cát san lấp dự kiến hơn 4,5 triệu m3. TPHCM đã làm việc với 6 tỉnh miền Tây (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh) để đảm bảo nguồn cát.

Vành đai 3 khi hoàn thành sẽ kết nối 5 tuyến cao tốc tạo liên kết cho cả vùng, gồm: TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, TPHCM - Mộc Bài và TPHCM - Chơn Thành.

Dự án đường Vành đai 3 TPHCM có tổng chiều dài hơn 76km, đi qua địa phận TPHCM (huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, TP Thủ Đức) và 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Tổng mức đầu tư dự án là 75.378 tỷ đồng.

Ngày 18/6, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM chính thức khởi công. Dự án đi qua TPHCM dài hơn 47km, diện tích đất chiếm dụng khoảng 410ha, ảnh hưởng gần 1.700 hộ dân.

Tình hình giải phóng mặt bằng thu hồi đất phục vụ dự án ở các địa phương như sau: Long An (98%), TPHCM (97,23%), Bình Dương (82%) và Đồng Nai (6,2%). Như vậy, Đồng Nai là địa phương có tỷ lệ thu hồi đất thấp nhất trong số các địa phương có dự án đi qua.