PhotoStory

Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia hơn 300 năm tuổi "kêu cứu"

Thực hiện: Dương Nguyên

(Dân trí) - Đền Bạch Vân và chùa Thịnh Xá là công trình kiến trúc, điêu khắc đẹp bậc nhất tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Trải qua hàng trăm năm, nhiều hạng mục tại cụm di tích và các hiện vật hư hỏng, xuống cấp.

Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia hơn 300 năm tuổi kêu cứu - 1

Đền Bạch Vân được Tiến sĩ Đinh Nho Công xây dựng vào năm Canh Tuất (1670) tại khu vực Cồn Mai, làng Thịnh Xá, tổng Yên Ấp (nay là thôn Đức Thịnh, xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), thờ người bạn là ông Trần Toản. Ban đầu, ngôi đền được xây dựng rất đơn sơ bằng tranh tre nứa lá.

Sau khi mất (không rõ năm nào), Tiến sĩ Đinh Nho Công được người dân địa phương thờ trong đền Bạch Vân với nghi thức như một vị Thành Hoàng của làng.

Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia hơn 300 năm tuổi kêu cứu - 2

Đến cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, đền Bạch Vân được tôn tạo lại khang trang, lộng lẫy với ba tòa Thượng - Trung - Hạ điện.

Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia hơn 300 năm tuổi kêu cứu - 3

Sau này, người dân xây dựng thêm gác chuông và chùa Thịnh Xá phía sau đền Bạch Vân để làm nơi hành lễ và sinh hoạt Phật giáo. Năm 2007, đền Bạch Vân và chùa Thịnh Xá được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia hơn 300 năm tuổi kêu cứu - 4
Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia hơn 300 năm tuổi kêu cứu - 5

Ở đền Bạch Vân, Hạ điện và Thượng điện là điểm nhấn của toàn bộ công trình, được đầu tư công phu về mặt kỹ thuật và nghệ thuật, từ thượng lương, cánh hạ, đuôi kẻ..., chỗ nào cũng có chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo, các đề tài hoa lá, tứ linh đăng đối hài hòa.

Đền còn giữ được nhiều hiện vật quý như voi đá, ngựa gỗ, kiệu, đòn rồng, cờ hiệu, nghi trượng, nhiều câu đối hoành phi khắc trên các cột, tường hoặc trên gỗ, đặc biệt có bức hoành phi sơn son thếp vàng.

Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia hơn 300 năm tuổi kêu cứu - 6
Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia hơn 300 năm tuổi kêu cứu - 7

Trải qua thời gian, đền Bạch Vân và chùa Thịnh Xá bị xuống cấp, mối mọt tàn phá. Đặc biệt, tại đền, một trong hai con ngựa gỗ đã hư hỏng hoàn toàn, con còn lại hư hỏng nặng.

Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia hơn 300 năm tuổi kêu cứu - 8

Gian thờ có những bộ kiếm gỗ, đồ thờ sơn son thếp vàng nhưng đã phai màu, xuống cấp.

Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia hơn 300 năm tuổi kêu cứu - 9

Chùa Thịnh Xá tuy đã được nâng cấp năm 2004 nhưng đến nay đã xuống cấp, nhiều phần gỗ bị hư hỏng nặng. Cổng tam quan có gác chuông tám mái cũng xuống cấp nghiêm trọng, mái ngói xiêu vẹo, gãy đổ.

Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia hơn 300 năm tuổi kêu cứu - 10

Trụ cổng chùa nứt toác, không còn đảm bảo an toàn.

Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia hơn 300 năm tuổi kêu cứu - 11

Công trình xuống cấp khiến người dân đến đây hành lễ luôn trong tâm trạng bất an.

Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia hơn 300 năm tuổi kêu cứu - 12

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Hữu Đông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Hòa Thịnh, cho biết đầu năm 2024, xã đã làm tờ trình lên cấp trên về tình trạng xuống cấp của di tích đền Bạch Vân và chùa Thịnh Xá để xin bố trí nguồn ngân sách trùng tu, tôn tạo.

"Sau đó, huyện đã về kiểm tra thực trạng và trình lên tỉnh. Hiện nay, địa phương vẫn đang chờ nguồn kinh phí để thực hiện", ông Đông thông tin.

Theo sử sách, Đinh Nho Công (1637 - không rõ năm mất) người xã Yên Ấp, nay thuộc xã An Hòa Thịnh (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) là người thông minh, có chí đèn sách.

34 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670), đời vua Lê Huyền Tông.

Khoảng năm Nhâm Tuất niên hiệu Chính Hòa (1692), ông giữ chức Tham Chính xứ Sơn Nam, sau được thăng Thiêm đô Ngự sử rồi vì phạm lỗi bị truất xuống Tự Khanh.