1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bất an khi đi qua cầu treo 23 năm tuổi rệu rã, xuống cấp

Vi Thảo

(Dân trí) - Cầu treo Bình Thành (Thừa Thiên Huế) đã được xây dựng từ lâu, trải qua quá trình sử dụng với tần suất phương tiện lưu thông cao, một số hạng mục xuống cấp, khiến người dân bất an.

Cầu treo Bình Thành bắc qua nhánh Hữu Trạch (thượng nguồn sông Hương), nằm trên tỉnh lộ 12D, nối trung tâm xã Bình Thành (thị xã Hương Trà) với Quốc lộ 49, con đường huyết mạch giúp kết nối các địa phương nằm ở phía tây nam Thừa Thiên Huế.

Cầu Bình Thành được đưa vào khai thác từ năm 2001, với thiết kế cầu treo dây cáp, có chiều dài gần 140m, bề mặt rộng hơn 4m. Kể từ ngày hình thành, cây cầu treo này giúp hơn 3.800 người dân ở xã Bình Thành thuận tiện trong việc đi lại, tạo bước đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội liên vùng.

Bất an khi đi qua cầu treo 23 năm tuổi rệu rã, xuống cấp - 1

Cầu treo Bình Thành bắc qua nhánh Hữu Trạch, thượng nguồn sông Hương (Ảnh: vi Thảo).

Tuy nhiên, sau hơn 2 thập kỷ cầu được đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục cầu treo Bình Thành đã xuống cấp. Các cơ quan chức năng đã phải 3 lần thực hiện hạ tải qua cầu, từ 13 đến 18 tấn thiết kế ban đầu xuống còn 8 tấn, độ cao cho phép 3,5m; đồng thời cấm tụ tập đông người trên cầu.

Ông Lê Phan Thêm, người dân xã Bình Thành, cho biết hàng ngày, cầu treo Bình Thành phải gồng mình chịu đựng hàng trăm chuyến xe các loại, mặt cầu đã bong tróc, cáp treo đã hoen gỉ. Khi chiếc xe tải khoảng 5 tấn đi qua thì độ rung lắc của cầu tăng cao, phát ra tiếng ồn, đặc biệt là khớp nối hai đầu cầu.

Cách đây vài năm, đã có trường hợp xe tải qua cầu bị rung lắc, mất lái, treo vào thành cầu, nhưng may mắn không rơi xuống sông.

Bất an khi đi qua cầu treo 23 năm tuổi rệu rã, xuống cấp - 2

Mặt cầu xuống cấp mạnh (Ảnh: Vi Thảo).

Đại diện đơn vị được giao nhiệm vụ bảo trì cầu Bình Thành, nhận định do công trình xây dựng đã lâu, quy mô thiết kế là cầu treo bằng sắt và hệ thống cáp treo, không phải công trình bê tông cốt thép kiên cố nên theo thời gian cầu xuống cấp là tất yếu.

Trước thực trạng đó, đơn vị thường xuyên đánh giá định kỳ về mức độ an toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình; theo dõi bảo trì, sơn quét chống hoen gỉ các hạng mục mố cầu, hệ thống dầm, ốc vít, bôi dầu mỡ cáp treo, cải tạo mặt cầu…

Ông Hồ Chí Thịnh, Chủ tịch UBND xã Bình Thành, cho rằng dù cơ quan chức năng đã hạ tải, chỉ cho phép xe có tải trọng dưới 8 tấn lưu thông nhưng mức độ an toàn không cao.

Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm, bố trí kinh phí xây dựng cây cầu cứng, bằng bê tông cốt thép để bảo đảm an toàn giao thông, đồng thời phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững hơn.

Bất an khi đi qua cầu treo 23 năm tuổi rệu rã, xuống cấp - 3

Dầm cầu có dấu hiệu hoen gỉ sau nhiều năm sử dụng (Ảnh: Vi Thảo).

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế, cầu Bình Thành đã xếp vào hệ thống cầu yếu, cần nâng cấp, hoặc xây mới.

Năm 2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt chủ trương xây mới cầu Bình Thành với quy mô công trình cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu, chiều dài hơn 213m, mặt cắt ngang rộng 10,5m, bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Cùng với cầu Bình Thành, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đồng ý chủ trương nâng cấp, cải tạo 6 cây cầu yếu khác, gồm: cầu Lợi Nông, Như Ý, Trung Chánh (trên tỉnh lộ 3); cầu Thanh Long (đường Huỳnh Thúc Kháng); cầu An Hòa (tỉnh lộ 4); cầu Nam Giản (tỉnh lộ 11C). Tổng mức đầu tư khoảng hơn 194 tỷ đồng.

Chủ trương nêu trên được phê duyệt đến nay đã 4 năm nhưng hàng ngày người dân phải bất an đi qua cây cầu xuống cấp.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm